Mua giá thấp nông dân bỏ mía, mua giá cao nhà máy lỗ
Trước thềm vụ mía đường 2013/2014, các nhà máy sản xuất đường đang đứng trước lựa chọn, một là mua mía nguyên liệu với mức giá thấp để đảm bảo kinh doanh có lãi hay mua với mức giá ổn định cho nông dân để duy trì được diện tích mía.
Đây là câu hỏi mà các thành viên của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) đưa ra trao đổi, thậm chí theo ghi nhận của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có lúc tranh luận gay gắt giữa các thành viên tại buổi họp được tổ chức bất thường tại TPHCM vào ngày 29-9 để bàn về giải pháp tiêu thụ đường, đặc biệt là đường luyện (RE) đang tồn kho cao.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, sở dĩ sản lượng đường trong nước năm sau cao hơn năm trước là do các nhà máy đường mua mía với giá tốt, có giá sàn để bảo đảm giá mía ổn định cho nông dân. Vì thế, nông dân yên tâm sản xuất và tin cậy vào sự phát triển của ngành mía đường nên mở rộng diện tích mía nhiều hơn.
Tuy nhiên, những chính sách điều tiết thị trường đã không như mong muốn nên số lượng đường RE tồn kho lớn khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thua lỗ. Vì vậy, vụ mía 2013/2014, doanh nghiệp khó mua mía nguyên liệu với giá tốt cho người dân được. Tính đến 20-9, đường tồn kho của các nhà máy là gần 209.000 tấn (phần lớn là đường RE), và gần 10.500 tấn tại các công ty thương mại thuộc VSSA.
Ông Đỗ Thanh Liêm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường Khánh Hòa, cho rằng không phải ngành mía đường sản xuất nhiều mà kêu để tìm kiếm sự ủng hộ. Năm 2013 cùng với đường nhập theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Việt Nam có khoảng 1,6 triệu tấn, tiêu thụ 1,3-1,5 triệu tấn.
Như vậy, lượng đường dư thừa không nhiều tại sao VSSA cứ lần này đến lần khác phải kêu lên vì doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh được với 400.000 tấn đường nhập lậu ở các tỉnh Tây Nam và gian lận ở Quảng Trị luôn có giá rẻ hơn.
“Việt Nam không sản xuất được đường rẻ vì phải mua giá mía nguyên liệu ở mức 52 đô la Mỹ/tấn, còn Thái Lan là 30 đô la Mỹ/tấn. Có thể, Công ty Hoàng Anh Gia Lai sản xuất mía ở Lào với giá thấp chứ về Việt Nam cũng phải chịu cảnh tương tự. Người dân Việt Nam nếu qua Thái Lan thì vẫn có thể sản xuất được mía giá thấp. Theo tôi, nguyên nhân là do chính sách chứ không phải do người dân hay doanh nghiệp”, ông Liêm nói.
Đại diện Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, Thanh Hóa cho rằng, đường lậu tràn ngập thị trường là do công tác chống buôn lậu lâu nay không quyết liệt nên nạn buôn lậu tràn lan như hiện nay. “Nếu để đường lậu vào như chỗ không người như thời gian qua thì tới đây ngành mía đường trong nước chết là cái chắc”, ông nói.
Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam (Phú Yên) nói, lâu nay các công ty đều có chính sách hỗ trợ người trồng mía nhưng do lượng đường tồn kho cao, các nhà máy cạnh tranh với nhau để bán được hàng, vì thế để có lãi, vụ mía tới tới, họ không thể hỗ trợ giá cho người trồng mía nữa.
Như thế, đến năm 2015, các nhà máy mía đường sẽ quay lại câu chuyện thiếu mía, thiếu đường vì người dân bỏ trồng mía, nhà máy thiếu nguyên liệu để sản xuất.
Theo ông Nguyễn Bá Chủ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường Bourbon Tây Ninh - một trong sáu công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán, cứ xem hoạt động kinh doanh của sáu công ty trên sàn chứng khoán sẽ biết tình trạng của ngành mía đường.
“Trước đây hai ba năm đa phần các nhà máy mía đường đều có lợi nhuận cao nhưng năm nay, doanh nghiệp nào trên sàn chứng khoán mà đạt được 50% kế hoạch lợi nhuận là mừng lắm rồi”, ông Chủ cho hay.
Theo ông Liêm, để cạnh tranh với đường nhập lậu, gian lận thương mại, các nhà máy phải bán với giá 12.000 đồng/kg thì bắt buộc các nhà máy mua mía nguyên liệu với mức giá mức 30 đô la Mỹ/tấn (khoảng 640.000 đồng/tấn). Như vậy, người trồng mía sẽ trắng tay.
Vì thề, theo ông Long ngành mía đường đang đứng trước nghịch lý nếu phải mua mía nguyên liệu với giá thấp thì người dân sẽ bỏ cây mía, còn mua giá cao để hỗ trợ người dân yên tâm trồng mía thì các nhà máy phá sản.
“Mua mía nguyên liệu với giá cao hay thấp thì chúng tôi đều chết cả, vấn đề là chết trước hay chết sau mà thôi”, ông Long nói.
Ngọc Hùng
tbktsg
|