Chủ Nhật, 29/09/2013 11:13

Ngành vận tải: Tiến thoái lưỡng nan?

Để thu lợi nhuận cao, nhiều xe đua nhau chở quá tải để giảm chi phí. Qua thời gian dài, vô tình tạo giá vận tải “ảo”, bởi nếu không chở quá tải thì phá sản.

Tự dìm nhau chết

Xe quá tải đang là vấn nạn nhức nhối. Nhiều biện pháp xử lý chưa đạt hiệu quả mong muốn. Nếu chốt chặn xử lý xe quá tải ban ngày thì tài xế tìm cách chạy ban đêm, ngoài giờ làm việc. Việc đặt trạm cân tại Rạch Chiếc hiệu quả chưa được bao nhiêu, nhưng lưu thông hàng hóa đã tắc nghẽn trong thời gian qua.

Hiện tại, doanh nghiệp nào không chở quá tải thì không thể cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp khác. Để tồn tại, doanh nghiệp buộc phải hạ chi phí vận tải xuống thấp nhất. Muốn có lãi, doanh nghiệp đành phải đua nhau chở quá tải để giảm chi phí xăng, dầu...

Các doanh nghiệp vận tải đang tự làm khó lẫn nhau

Chi phí vận tải quá lớn, nếu không chở quá tải thì khó mong huề vốn, chưa kể đến lợi nhuận. Theo tìm hiểu, đầu tư cho ngành vận tải phải dưới 1,2 tỷ/xe thì mới có khả năng thu hồi vốn. Với giá đó, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong nước chọn giải pháp an toàn: đầu tư vào xe cũ. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng tiềm ẩn từ những chiếc xe “qua tay” dễ hư hỏng này.

Nếu một doanh nghiệp quản lý khéo: chi phí xăng dầu 35%, lương tài xế 15%, chi phí khấu hao 20%, hao mòn 20%, chi phí quản lý 6%, tiền lời chỉ còn vỏn vẹn 4%. Một chuyến xe vận tải từ TPHCM - Bù Nho (Bình Phước) đi trơn tru, không nổ lốp, không bị lập biên bản... thì mất khoảng 8 triệu đồng, lời vỏn vẹn 600 ngàn. Trong đó: chi phí xăng dầu là 4 triệu; 1 triệu tiền vé cầu, đường; khoảng 1,2 triệu cho lương tài xế, nhân viên, phí ra vào và hơn 1 triệu tiền “bao đường”!?

“Ngoài những chi phí nhìn thấy được, thì chúng tôi còn phải tốn thêm chi phí không nhìn thấy. Từ trạm cân Cát Lái đến trạm Rạch Chiếc phải mất 3,2 triệu đồng/tháng/chiếc. Nếu chạy đi những nơi khác thì tính thêm giá nữa, phải chung chi mới chạy được”, anh M.L - chủ một công ty vận tải cho biết. Nói đoạn, anh cười khẩy “khoe” với chúng tôi một biên bản vừa bị phạt, phải đóng 11,5 triệu đồng. Anh cười buồn nói: “Tôi nhờ người quen lấy giùm, chung hết 14 triệu đồng để lấy biên bản nhanh. Tại mình cũng liều, ít đi đường đó, tính chạy đại qua. Nếu biết đường chung trước 500 ngàn là đâu bị phạt”.

Phạt lái xe chưa đủ

“Cả xã hội giờ đang chở quá tải”, luật sư Thái Văn Chung - thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa tại TPHCM khẳng định. Quả thực, năng lực cạnh tranh ở ngành vận tải hiện nay còn yếu. Nhiều cá nhân có một, hai chiếc xe tải cũng đăng ký kinh doanh vận tải được. Điều này tạo ra kiểu cạnh tranh không lành mạnh. Để có lợi nhuận nhanh, ít tốn chi phí các công ty “tí hon” này đua nhau gồng gánh lượng lớn hàng hóa trong một chuyến xe. Các công ty khác cũng phải hạ giá thành vận chuyển bằng cách tăng tải. Cái sai tồn tại lâu, phổ biến riết thành quen. Doanh nghiệp nào muốn tồn tại phải chở quá tải, nếu không sẽ nhanh chóng bị đào thải.

Từ giữa tháng 6-2013, Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh mở đợt cao điểm xử lý phương tiện chở quá khổ, quá tải. Nhờ vậy, tình trạng chở quá tải... giảm rõ rệt theo hướng: ngày nghỉ, đêm tăng cường chạy. Còn khi lực lượng chức năng xử lý “căng” nhiều doanh nghiệp vận tải phải tạm nghỉ hoặc dừng hẳn thì khu vực cảng, phà bị ùn ứ hàng hóa.

“Lực lượng chức năng chặn bên ngoài, xe quá tải đã nằm trên đường, rất khó hạ tải, hạ tải lại rất nguy hiểm. Muốn hiệu quả, phải ngăn từ “gốc”, từ cảng. Ngành vận tải mình hiện nay, cứ leo lên xe là có tội. Không tội quá tải trọng thì cũng quá tải đường, cầu... Mà quy định xử phạt một mình lái xe là chưa hợp lý. Để hoạt động vận tải hàng hóa có ba ông chính: cảng, chủ xe, chủ hàng. Ba ông này đều kinh doanh, đều hưởng lợi. Ông chủ hàng thì cứ tìm thấy doanh nghiệp nào chở rẻ, muốn chở rẻ thì phải nâng tải, vô tình ép ông chủ xe phải quá tải. Phải để ba ông đó tự quản lý với nhau, nếu vi phạm thì cả ba đều phải bị phạt thì không ai dám thuê quá tải, không ai cho chạy quá tải ra khỏi cảng và không ai dám chạy quá tải. Đây mới là việc làm từ gốc thiết thực và hiệu quả”, ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM lý giải.

Theo luật sư Chung, để hạn chế các doanh nghiệp kinh doanh vận tải theo kiểu nhỏ, lẻ ảnh hưởng ngành vận tải phải tạo được hành lang pháp lý đủ minh bạch. Phải quy định muốn hoạt động vận tải phải có bao nhiêu diện tích đất, bao nhiêu xe tải... đủ điều kiện cần và đủ để hoạt động. Vì việc chở quá tải là vấn đề thị trường điều tiết chứ không phải chỉ riêng vấn đề quy phạm Luật giao thông.

Dương Trung Oanh

công an tphcm

Các tin tức khác

>   VietJet Air lý giải đơn đặt hàng 92 máy bay Airbus (28/09/2013)

>   Cao Bằng loại bỏ 11 dự án thủy điện không hiệu quả (28/09/2013)

>   Bộ Giao thông 'cấm cửa' nhà thầu yếu kém (28/09/2013)

>   Khó dự đoán về diện mạo mới của SCIC (28/09/2013)

>   Nhật đánh giá cao thị trường gia công phần mềm Việt Nam (27/09/2013)

>   Nhập khẩu ôtô hồi phục chờ “ngày mùa” (27/09/2013)

>   Thứ trưởng Giao thông: 'Vinashin vẫn có cơ hội phát triển' (27/09/2013)

>   Cổ tích viễn thông Việt trên đất châu Phi (27/09/2013)

>   Nỗ lực khôi phục ngành chăn nuôi (27/09/2013)

>   Nhà nhập khẩu tăng mua cá tra để dự trữ (27/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật