Thứ Bảy, 28/09/2013 09:03

Khó dự đoán về diện mạo mới của SCIC

Quy định chung chung về vai trò đầu tư của SCIC rất khó định hướng đầu tư của tổng công ty này vào những lĩnh vực nền kinh tế đang cần đến vai trò của NĐT Chính phủ.

Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, song có 2 điểm mà thị trường cho rằng, cần được làm rõ hơn để chuyên nghiệp hóa hoạt động của SCIC và tránh những tranh cãi về vai trò NĐT của Chính phủ.

Tham gia thị trường ra sao?

Năm 2009, khi TTCK sụt giảm mạnh, SCIC đã mua vào cổ phiếu theo yêu cầu của Chính phủ và tiếp lửa cho thị trường khởi sắc sau đó. Theo một nguồn tin từ SCIC, đợt đầu tư này có lợi nhuận và đã được hiện thực hóa. Tuy nhiên, danh mục cổ phiếu SCIC đầu tư và kết quả ra sao không được công bố vẫn gây thắc mắc cho thị trường.

Đến đầu năm nay, dư luận lại ồn ào về việc trong khi có nhiều dự án lớn, DN đang khát vốn thì SCIC lại đem nguồn tiền mặt dồi dào gửi tiết kiệm lấy lãi. Việc đầu tư vốn của Nhà nước như vậy có quá an nhàn? Trên thực tế, SCIC đã tham gia đầu tư trên thị trường, song tỷ trọng chưa lớn. Bằng nguồn tiền thu được từ bán vốn và lợi nhuận tích lũy qua các năm, Tổng công ty đã đầu tư có chọn lọc vào một số ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế với tổng số tiền trên 11.000 tỷ đồng. Đơn cử, SCIC hợp tác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư các dự án điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Thác Bà...

Những DN nào có vốn nhà nước do SCIC quản lý vẫn chưa rõ ràng

Ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC cho biết, trong thời gian tới, trên cơ sở Nghị định mới của SCIC, Tổng công ty sẽ khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển, đẩy mạnh tái cơ cấu theo Đề án Tái cơ cấu được Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ thể chế, SCIC sẽ tăng cường thoái vốn tại các DNNN không cần nắm giữ; tập trung nguồn vốn đầu tư theo hướng dành tối thiểu 70% tổng mức đầu tư theo kế hoạch hàng năm để đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng yếu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tổng công ty quan tâm đến các dự án đầu tư có hiệu quả như cơ sở hạ tầng, giao thông, cảng biển, dược phẩm, năng lượng..., tìm hiểu cơ hội để đầu tư mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

SCIC đã thành lập và đưa vào hoạt động Công ty Đầu tư SCIC (SIC) nhằm chuyên môn hóa hoạt động đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy các dự án đầu tư. SIC sẽ thực hiện đồng thời 2 chức năng chính là đầu tư tài chính và đầu tư dự án. Với định hướng như vậy, thị trường chờ đợi những quy định cụ thể trong Dự thảo Nghị định để vai trò đầu tư của SCIC rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, nội dung này chỉ được đề cập chung chung là SCIC được lựa chọn và quyết định lĩnh vực, hình thức đầu tư và kinh doanh vốn theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm khả năng sinh lời và phù hợp với quy định của pháp luật; góp vốn, tài sản với các NĐT trong và ngoài nước để liên doanh, liên kết bằng các hình thức: mua một phần hoặc toàn bộ công ty khác, đầu tư thành lập DN mới, ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Quy định như thế rất khó định hướng đầu tư của SCIC vào những lĩnh vực nền kinh tế đang cần đến vai trò của NĐT Chính phủ.

Đại diện chủ sở hữu tại DN nào?

Danh mục đầu tư của SCIC tại thời điểm 30/6/2013 có tổng giá trị theo sổ sách kế toán hơn 14.000 tỷ đồng, theo giá thị trường ước đạt 71.000 tỷ đồng; tỷ trọng tập trung ở hơn 10 DN, vài trăm DN còn lại chỉ có có quy mô vốn điều lệ từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng. SCIC sẽ đại diện chủ sở hữu tại DN nào là câu hỏi không chỉ bản thân Tổng công ty, mà các DN có vốn nhà nước cũng như các NĐT tổ chức đều quan tâm.

Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định chỉ quy định: “SCIC thực hiện quyền chủ sở hữu đối với các công ty TNHH một thành viên mà Tổng công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ. Thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào DN mà Tổng công ty nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ”.

Quy định này cộng với quy định trong Nghị định 99/2012/NĐ-CP đồng nghĩa với việc sẽ tiếp tục có nhiều đầu mối quản lý vốn nhà nước từ các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố... Những DN nào có vốn nhà nước do SCIC quản lý tiếp tục là câu hỏi không rõ ràng với thị trường. Những câu chuyện tương tự như tranh cãi về vốn nhà nước sau khi DN cổ phần hóa tại HabecoSabeco do Bộ Công thương hay SCIC quản lý sẽ còn xảy ra. Mục tiêu đổi mới cơ chế đầu tư vốn của Nhà nước vào DN từ phương thức cấp vốn và quản lý vốn trực tiếp từ ngân sách chuyển sang đầu tư và kinh doanh vốn, lấy tiêu chí hiệu quả làm thước đo cũng khó thực hiện.

Thế Phong - Anh Việt

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Nhật đánh giá cao thị trường gia công phần mềm Việt Nam (27/09/2013)

>   Nhập khẩu ôtô hồi phục chờ “ngày mùa” (27/09/2013)

>   Thứ trưởng Giao thông: 'Vinashin vẫn có cơ hội phát triển' (27/09/2013)

>   Cổ tích viễn thông Việt trên đất châu Phi (27/09/2013)

>   Nỗ lực khôi phục ngành chăn nuôi (27/09/2013)

>   Nhà nhập khẩu tăng mua cá tra để dự trữ (27/09/2013)

>   Khi doanh nghiệp mắc bệnh “than” (27/09/2013)

>   TP.HCM ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (26/09/2013)

>   SCIC và “những con số đẹp” (26/09/2013)

>   SCIC sẽ mua lại vốn ngoài ngành của một số tập đoàn (26/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật