Bó tay với chuyển giá?
Kết quả thanh tra các DN ở khu chế xuất (KCX) của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho thấy có 125/399 DN báo lỗ lên tới vài nghìn tỉ đồng. Hơn 1/4 số DN báo lỗ liên tiếp trong 3 năm và phần nhiều trong số này có dấu hiệu chuyển giá, gây thất thu lớn cho ngân sách. Tuy nhiên, điều này sẽ được cộng đồng DN tiếp nhận thế nào ?
TTCP vừa có kết luận về tình hình quản lý thu thuế tại các KCX của 4 địa phương có số thu ngân sách lớn là: Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Theo đó, tại thời điểm 31/12/2011, có 399 DN ở các KCX có số thuế các loại phải nộp gần 688 tỉ đồng.
Lỗ... tưng bừng
Qua kiểm tra 399 DN, TTCP phát hiện có tới 125 DN khai báo lỗ dù vẫn có doanh thu "khủng" lên tới 32.563 tỉ đồng. Đặc biệt, có 36 DN hạch toán lỗ trong 3 năm liên tiếp với tổng số lỗ hơn 2.856,8 tỉ đồng. Và 69 DN khác đã bị lỗ trong 2 năm liền với số lỗ trên 1.829,8 tỉ đồng.
Đứng đầu danh sách DN lỗ lớn là Cty TNHH Sumitomo Bakelite VN (100% vốn Nhật Bản) với tổng số lỗ hạch toán 3 năm hơn 777,67 tỉ đồng. Một DN có vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản khác là Cty TNHH Điện tử Meiko VN cũng lỗ 3 năm hơn 300 tỉ đồng. Đây là chủ đầu tư của dự án sản xuất điện tử lớn nhất tại Hà Tây vào năm 2006.
Tại Đồng Nai, cơ quan thanh tra phát hiện 4 DN khai báo lỗ lớn. Trong đó, Công ty TNHH sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia lỗ lũy kế 3 năm hơn 430 tỉ đồng; Công ty TNHH Olympus VN lỗ 2 năm trên 256 tỉ đồng… Như vậy, hơn một nửa số DN hoạt động tại các KCX của 4 địa phương có số thu ngân sách lớn đã không có lãi hoặc báo lỗ nhiều năm.
Chính thức hay không ?
Qua kiểm tra 399 DN, Thanh tra Chính phủ phát hiện có tới 125 DN khai báo lỗ dù vẫn có doanh thu "khủng" lên tới 32.563 tỉ đồng. |
Việc công bố tên tuổi một loạt DN dính vào “nghi án chuyển giá” là một hành động đáng ghi nhận của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc công bố này có thể coi là chính thức hoặc không chính thức. Bởi những DN này có thể lỗ thật hoặc không. Điều đó phải chờ chính các cơ quan chức năng... chứng minh.
Những diễn biến của cuộc chiến chống giảm giá không nằm ngoài sự quan tâm của các hiệp hội DN nước ngoài. Bản kiến nghị chung về môi trường kinh doanh của Phòng Thương mại Châu Âu (Eurocham) gửi đến Diễn đàn DN đã dành hẳn một mục riêng để bày tỏ quan điểm về chuyển giá. Theo Eurocham, kể từ khi chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 được thông qua vào năm ngoái, ngành thuế đã tăng cường việc kiểm tra thuế. Đầu năm nay, Bộ Tài chính đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia nhằm quản lý chính sách chuyển giá của các DN đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2012-2015. Erocham đưa ra nhận xét rằng chuyển giá hiện nay “thuộc phạm vi kiểm tra thuế tổng quan, tuy nhiên, việc kiểm tra tổng quan sẽ không đủ chiều sâu cần thiết để phát hiện được những kế hoạch không lành mạnh về chuyển giá”. Do đó, Eurocham cho rằng, quá trình kiểm tra chuyển giá là “không rõ ràng hay không đủ rõ ràng”. Theo đó, cần “nâng cao tính hiệu quả của quy trình thực hiện và thủ tục kiểm tra chuyển giá và đưa ra hướng dẫn rõ ràng về thủ tục thực hiện chương trình thỏa thuận giá định trước” và “việc thiếu rõ ràng sẽ dẫn đến sự không chắc chắn và thời gian, tiền của sẽ đổ vào những nơi mà đáng lẽ ra đã có thể tránh được”.
Các DN FDI, có lẽ hiểu rất rõ về các báo cáo tài chính mà họ lập trong nhiều năm qua. Họ hẳn sẽ lo sợ nếu cơ quan chức năng thật sự vào cuộc quyết liệt. Nhưng bên cạnh đó, nhiều DN khác có lẽ cũng e ngại chống chuyển giá có thể chỉ là lý do cho những hoạt động thanh kiểm tra dồn dập, điều họ “ngại” nhất, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Hoàng Hà
diễn đàn dn
|