Phân tích kỹ thuật cổ phiếu ”nóng”: TTF - CTCP Tập Đoàn Kỹ Nghệ Gỗ Trường Thành
Theo Phòng Nghiên cứu Vietstock, do cổ phiếu này đang trong quá trình test lại ngưỡng hỗ trợ rất mạnh trendline trung hạn (tương đương vùng 5,000 – 5,600) nên việc mua vào khi giá duy trì trong vùng này là không quá rủi ro.
TÍN HIỆU KỸ THUẬT QUAN TRỌNG
Dài hạn: Trendline trung hạn vững chắc. Ngưỡng này được giới phân tích kỹ thuật đánh giá là ngưỡng mạnh và có độ tin cậy cao. Giá TTF đã test thành công trendline trung hạn 4 lần trong vòng 5 tháng qua.
Mặt khác, độ dốc của đường trendline này không lớn hơn 30 độ nên theo lý thuyết phân tích kỹ thuật thì tính vững chắc là khá cao.
Bên cạnh đó, cổ phiếu TTF cũng có đặc tính là thường đi ngang khoảng 2 – 3 tuần trước khi thực sự tăng trưởng trở lại nên những nhà đầu tư theo trường phái tích lũy và mua bình quân giá lên dễ áp dụng chiến lược của mình hơn.
Theo đánh giá của giới phân tích kỹ thuật thì cổ phiếu này sẽ tích lũy thêm một thời gian trước khi thực sự hồi phục hoàn toàn.
Ngắn hạn: RMO Trade Mode có những chuyển biến tích cực. Chỉ báo Rahul Mohindar Osc đang trong quá trình tích lũy và tạo phân kỳ giá lên khá mạnh. Trong quá khứ, mỗi lần tín hiệu này xuất hiện thì sau đó giá thường bứt phá mạnh.
Hai đường Swing Trd 2 và Swing Trd 3 cũng liên tục đi ngang và có thể cắt nhau để cho ra tín hiệu mua trong thời gian tới. Trong khi đó, EXIT Swing Signal đã điều chỉnh về vùng thấp chứng tỏ rủi ro đang giảm bớt.
Giới phân tích đang kỳ vọng thanh khoản sẽ được cải thiện hơn nữa trong thời gian tới để xác nhận cho một chu kỳ tăng trưởng mới.
Các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự đáng chú ý xác định theo Fibonacci:
• Ngưỡng 0% : 7,400
• Ngưỡng 23.6% : 6,500
• Ngưỡng 38.2% : 6,000
• Ngưỡng 50.0% : 5,500
• Ngưỡng 61.8% : 5,100
• Ngưỡng 100.0%: 3,700
Chiến lược trading: Do cổ phiếu này đang trong quá trình test lại ngưỡng hỗ trợ rất mạnh trendline trung hạn (tương đương vùng 5,000 – 5,600) nên việc mua vào khi giá duy trì trong vùng này là không quá rủi ro.
Tuy nhiên, cần lưu ý là nếu giá rớt mạnh và breakpoint xuất hiện thì việc cắt lỗ nhanh chóng là rất cần thiết do các đợt giảm của cổ phiếu này thường rất mạnh và kéo dài.
MỘT SỐ THÔNG TIN ĐÁNG CHÚ Ý
Quý 1/2013, lợi nhuận sụt giảm mạnh. Doanh thu thuần hợp nhất trong quý 1/2013 của TTF đạt gần 563 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước; trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn 1.66 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ.
Doanh thu sụt giảm mạnh 30% do TTF không hoành thành các đơn hàng do thiếu hụt nguồn vốn hoạt động. Tỷ lệ lợi nhuận gộp có sự cải thiện so với cùng kỳ khi tăng từ 11.4% lên 13% nhờ TTF lựa chọn các đơn hàng có tỷ suất lợi nhuận gộp cao để thực hiện trước, trong bối cảnh nguồn vốn eo hẹp.
Các chi phí khác như chi phí tài chính, chi phí quản lý đều được cắt giảm nhưng không thể bù đắp cho việc doanh thu sụt giảm mạnh đã khiến cho lợi nhuận thuần của TTF giảm xuống mức thấp.
Hàng tồn kho chiếm dụng nguồn vốn. Tính đến cuối quý 1/2013, tổng giá trị hàng tồn kho của TTF là gần 2,047 tỷ đồng, chiếm hơn 59% tổng tài sản và chiếm 76% tài sản ngắn hạn.
Đáng chú ý khoản mục hàng tồn kho của TTF không có dấu hiệu hạ nhiệt mà đã liên tục gia tăng trong thời gian qua. Điều đã khiến nguồn vốn lưu động bị ảnh hưởng mạnh mẽ và tác động tiêu cực lên hoạt động của công ty, đặc biệt khi TTF đang sử dụng nhiều nợ vay.
Áp lực trả nợ gốc và lãi vay cao. Tổng nợ phải trả lãi vay của TTF đến cuối quý 1/2013 là 1,846 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với hơn 1,685 tỷ đồng. Việc TTF sử dụng chủ yếu là nợ vay ngắn hạn cùng với hàng tồn kho vẫn đang gia tăng tạo áp lực không nhỏ lên dòng tiền để trả nợ gốc, bên cạnh chi phí lãi vay cao.
Điểm tích cực là xu hướng lãi vay đang được điều chỉnh giảm trong thời gian qua giúp giảm bớt áp lực chi phí tài chính lên hoạt động của TTF.
Kế hoạch năm 2013. Năm 2013, TTF đặt kế hoạch doanh thu ở mức 2,200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 40 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 31 tỷ đồng. Sau quý 1, TTF đạt 25.6% kế hoạch doanh thu và chỉ mới 5% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của năm 2013.
Phát hành thêm cổ phiếu giải quyết nhu cầu nguồn vốn. TTF dự kiến sẽ chào bán hơn 8.8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với giá chào bán cao nhất là 10,000 đồng/cp và thấp nhất là 5,000 đồng/cp; và gần 5.6 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược. Việc phát hành thành công có thể giúp công ty này tái cấu trúc nợ vay và bổ sung nguồn vốn lưu động để có thể đảm bảo hoạt động sản xuất – vốn có lợi thế cạnh tranh nhất định.
Là một trong ba doanh nghiệp xuất khâu đồ gỗ hàng đầu Việt Nam. TTF hiện là một trong ba doanh nghiệp xuất khẩu gỗ hàng đầu của Việt Nam. Các sản phẩm chính bao gồm đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoại thất và ván sàn được tiêu thụ khoảng 40% trong nước và 60% xuất khẩu ra nước ngoài, với các thị trường chính gồm Châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha...), Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Nam Phi, Nga…
Tỷ giá tăng sẽ hỗ trợ xuất khẩu? Với việc xuất khẩu chiếm ưu thế thì việc gia tăng tỷ giá trong thời gian vừa qua nhiều khả năng sẽ giúp cho hoạt động kinh doanh của TTF thuận lợi hơn. Việc tăng tỷ giá cũng sẽ khiến chi phí giá vốn của TTF gia tăng; nhưng yếu tố này có thể không quá đáng ngại khi lượng gỗ nguyên liệu chủ yếu có nguồn gốc từ trong nước. Chúng tôi được biết, TTF hiện đang sử dụng 85% gỗ tự nhiên và 56% gỗ công nghiệp có nguồn gốc từ trong nước.
Năm 2013, vùng nguyên liệu bắt đầu mang lại hiệu quả? TTF đã bắt đầu triển khai dự án mua và trồng 100,000 ha rừng sản xuất tại Việt Nam từ năm 2007. Hiện tại, TTF đang sở hữu khoảng 10,000 ha rừng đã trồng, và được chấp thuận chủ trương đối với khoảng 90,000 ha đất để trồng tại Phú Yên, Đăk Lăk và Đăk Nông.
Năm 2013, TTF bắt đầu khai thác các rừng trồng này, giúp giảm bớt khó khăn trong hoạt động. TTF sẽ chỉ khai thác một phần nhỏ trong năm 2013 và bắt đầu khai thác chủ lực từ năm 2014, thu về trung bình khoảng 100 tỷ đồng/năm và lợi nhuận trung bình khoảng 65 tỷ đồng/năm (từ năm 2014 đến 2019).
Giao dịch và định giá cơ bản. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu TTF liên tục có những đợt biến động mạnh và giao dịch khá phức tạp. Cổ đông tổ chức là Quỹ Đầu tư Việt Nam (BIDV – Vietnam Partners) vừa đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu trong tháng 7 để tăng tỷ lệ sở hữu lên 11.87%, trong khi hàng loạt cổ đông nội bộ lại muốn đăng ký bán ra. Hiện TTF đang giao dịch ở mức P/E trailing 13.74 lần và P/B 0.31 lần.
(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)
Minh Hằng ghi
infonet
|