Chứng khoán Đông Á: Giữ tỷ trọng 70% chứng khoán cho 6 tháng cuối năm
Trong báo cáo chiến lược phân bổ tài sản 6 tháng cuối năm 2013, Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS) khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân nên giữ tỷ trọng 70% cho chứng khoán và 30% cho vàng đối với các nguồn lực sẵn sàng cho hai kênh đầu tư này.
Xu hướng đầu tư giá trị đang hình thành
Theo DAS, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK VN) đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2013 nhờ yếu tố dòng vốn ngoại. Tuy nhiên khả năng thời gian còn lại của năm 2013, thị trường khó tăng trường đột biến nhờ yếu tố này. Thay vào đó, chính sách nới lỏng tiền tệ thận trọng sẽ là động lực then chốt cho thị trường chứng khoán trong giai đoạn này.
Nền kinh tế cũng đã có dấu hiệu ổn định và tạo đáy trong cuối năm 2012 và đầu 2013. DAS đánh giá giai đoạn cuối 2013 và 2014, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ với bức tranh tổng thể mới của nền kinh tế sẽ rõ ràng hơn. Theo đó, với độ trễ chính sách từ 3 – 6 tháng, giai đoạn cuối 2013 có thể sẽ là khởi đầu cho một chu kỳ tăng mới của TTCK – chu kỳ tăng trưởng bền vững.
Bên cạnh đó, sự phân hóa của các doanh nghiệp niêm yết đang trở nên rõ ràng hơn, dòng tiền đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành và tăng trưởng ổn định đang đem lại hiệu quả cao. DAS kỳ vọng xu hướng đầu tư giá trị đang hình thành sẽ là nhân tố mới giúp cho chứng khoán trở thành kênh hấp dẫn trong 6 tháng cuối năm 2013.
Qua những phân tích trên, DAS đưa ra tỷ lệ phân bổ tài sản cho chứng khoán trong giai đoạn 6 tháng cuối năm là 70%. Tuy nhiên, DAS cũng nhấn mạnh rằng nguồn lực dành cho kênh chứng khoán nên được thực hiện ở mục tiêu trung và dài hạn. Việc lựa chọn các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, thể hiện sự ổn định và chống chịu tốt với đợt khủng hoảng kinh tế vừa qua là ưu tiên hàng đầu cho danh mục cuối năm.
Vị thế mua vàng đầu cơ gặp rủi ro cao
Đối với triển vọng kênh đầu tư vàng trong nước, DAS cho rằng rủi ro đối với nhà đầu cơ mở vị thế mua vàng trong 6 tháng cuối năm 2013 đang lên rất cao.
Chịu sự tác động của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng có những diễn biến hết sức phức tạp. Mức biến động nhanh và mạnh ở những thời điểm nhất định đã khiến cho các đơn vị mua bán vàng miếng trong nước nới rộng biên độ mua bán. Độ chênh lệch mua bán phổ biến ở mức 500,000 đồng/lượng, nhưng có thời điểm lên đến 1 triệu đồng/lượng. Chính điều này đã đẩy rủi ro của những người mua vàng ở những thời điểm biến động mạnh lên cao.
Thêm vào đó, độ chênh lệch giữ giá vàng thế giới và giá vàng trong nước tiếp tục duy trì ở mức cao (hiện khoảng chênh lệch này trung bình 4-5 triệu đồng/lượng). Khoảng cách này vẫn chưa có tín hiệu kéo giảm đáng kể sau khi các ngân hàng thương mại tất toán trạng thái huy động vào cuối tháng 6/2013.
Hiện Ngân hàng nhà nước (NHNN) vẫn tiếp tục đấu thầu vàng để giải tỏa áp lực cầu vàng và cố gắng kéo giảm khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới. Chính mức độ chênh lệch giá vàng này đang duy trì ở mức cao sẽ làm giảm độ hấp dẫn của kênh đầu tư vàng trong nước.
Qua đó, DAS không khuyến nghị nhà đầu tư mua thêm vàng cho mục tiêu đầu cơ chênh lệch giá trong 6 tháng cuối năm. Việc mua vào chỉ nên phục vụ cho mục tiêu cất trữ tài sản. Chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước đang đẩy rủi ro của người mua vàng ở thời điểm này lên cao khi khoảng cách này có thể thu hẹp bằng các biện pháp hành chính can thiệp của NHNN.
Sanh Tín
Infonet
|