Cơ hội lướt sóng thu hẹp, nên mua cổ phiếu nào?
Thị trường vẫn tiếp tục giao dịch trong biên độ hẹp với thanh khoản ngày càng giảm sút. Các công ty chứng khoán (CTCK) vì thế cũng hướng đến nhiều cổ phiếu để đầu tư dài hạn và trung hạn hơn là lướt sóng. VNM, GMD, PGD là những lựa chọn thích hợp cho giai đoạn này.
VNM: Thêm vào với mục tiêu 164,000 đồng
CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng cơ cấu sản phẩm Vinamilk (HOSE: VNM) đang có sự chuyển dịch sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn và lợi thế về quy mô, biên lợi nhuận gộp dài hạn được cải thiện và theo ước tính sẽ tăng từ 32% lên 34% trong dài hạn. Quản lý hàng tồn kho hiệu quả cho phép VNM hạn chế tác động của việc giá nguyên liệu lên xuống thất thường.
Việc VNM đưa Nhà máy sữa Việt Nam đi vào hoạt động trong tháng 8, sẽ đóng góp thêm 400 triệu lít sữa nước vào công suất của VNM, là cơ sở để phát triển các sản phẩm với giá trị gia tăng nhiều hơn trong tương lai.
Sau Nhà máy Dielac 2 (hoạt động trong tháng 4) và Nhà máy sữa Việt Nam, Vinamilk không có kế hoạch đầu tư tài sản cố định nào trong ngắn hạn. Và với dòng tiền hiện tại mạnh, VCSC cho rằng VNM có thể tăng cổ tức. Vinamilk dự kiến trả tỷ lệ cổ tức là 50% (ĐHCĐ 2013 đã thông qua mức cổ tức 3,400 đồng/cổ phiếu).
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của VNM tăng 14.1% trong khi lợi nhuận ròng tăng mạnh 21.6% nhờ doanh thu từ thị trường trong nước tăng 21.3%. Biên lợi nhuận gộp đạt 37.3%, mức cao nhất trong 3 năm qua nhờ cơ cấu lại danh mục sản phẩm và có thể thêm các sản phẩm cao cấp, mang lại biên lợi nhuận cao hơn và quản lý chi phí đầu vào hiệu quả hơn.
Kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm của VNM phù hợp với ước tính của VCSC trong ba năm tới với tăng trưởng mỗi năm bình quân đạt 16%. VCSC vẫn tin tưởng vào VNM về mặt đầu tư dài hạn và khuyến nghị mua vào với giá mục tiêu là 164,000 đồng/cổ phiếu.
>> Xem báo cáo chi tiết
GMD: Đầu tư trung hạn
CTCK Rồng Việt (VDS) đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu của CTCP Đại Lý Liên Hiệp Vận Chuyển (HOSE: GMD) dựa trên 3 nguyên nhân chính là triển vọng tích cực vể lợi nhuận trong ngắn hạn, tiềm năng của các dự án đâu tư mà công ty đang nắm giữ và sự kỳ vọng rằng các mảng kinh doanh chính sẽ lấy lại đà tăng trưởng cùng với sự hồi phục của nền kinh tế.
Cụ thể, theo VDS, trong năm 2012 và nửa đẩu năm 2013, GMD đã tích cực sắp xếp lại các mảng hoạt động chính nhằm hợp lý hóa sản xuất, tinh gọn bộ máy và cắt giảm chi phí. Kết quả bước đẩu là tỷ suất lợi nhuận gộp của hoạt động logistics đã tăng lên 5.7% trong quý 1/2013 so với mức 4.9% cùng kỳ năm trước. Tương tự, biên lợi nhuận gộp tổng thể cũng tăng lên 13.6% so với mức 12.7% cùng kỳ năm 2012. VDS kỳ vọng biên lợi nhuận này sẽ đạt khoảng 15% trong quý 2 và tiếp tục duy trì cho đến cuối năm.
Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế của năm 2013 được dự phóng ở mức cao nhờ doanh thu tài chính bất thường. Theo kế hoạch tại ĐHCĐ 2013, GMD sẽ được nhận một nửa giá trị chuyển nhượng cao ốc Gemadept Tower (ước tính khoảng 22 triệu USD trước thuế) cho một đối tác nước ngoài trong quý 4 năm nay.
Về dự án đầu tư, GMD có không dưới 5 dự án đầu tư lớn trải rộng trên các lĩnh vực: cảng biển, logistics, trồng rừng và bất động sản. Sau khi hoàn thành, lợi nhuận mà các dự án này đem lại là không nhỏ. Qua đó, VDS nâng mức định giá cổ phiếu GMD lên 30,000 đồng/cp, tương ứng mức vốn hóa 3,432 tỷ đồng và cao hơn mức giá hiện tại 16%.
>> Xem báo cáo chi tiết
NTP: Giá vẫn hợp lý để thêm vào
Doanh thu của CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (HNX: NTP) tăng 8% lên 1,258 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2013, lợi nhuận gộp biên được cải thiện mạnh từ 31.8% lên 36.6% nhờ giá bán ước tăng 3% và chi phí nguyên vật liệu giảm khoảng 4%. Lợi nhuận ròng theo đó đã tăng 16%, từ 135 tỷ đồng lên 158 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo CTCK MayBank Kim Eng (MBKE), nhà máy miền Trung bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu quý 3/2013, giúp nâng tổng công suất của NTP thêm 20%. Nhà máy sẽ mang đến cho NTP những lợi thế cạnh tranh như mở rộng thị phần tại khu vực miền Trung, nơi không có nhà máy nào đặt tại đây; tiết kiệm chi phí vận chuyển từ miền Bắc ra miền Trung và nhận ưu đãi về miễn giảm thuế trong vòng 13 năm.
Về xu hướng tăng giá, MBKE cho rằng NTP có chiều hướng tăng chậm, nhưng ổn định. Cụ thể, NTP có xu hướng tăng vững trong khoảng một năm qua, bất chấp những biến động ngắn hạn của thị trường chung. Dù chiều hướng tăng có vẻ chậm, trên thực tế NTP tăng đều đặn khoảng 80% từ tháng 10/2012. Tuy tăng giá như vậy, giá cả của NTP vẫn còn rất hợp lý.
Chỉ số so sánh sức mạnh của NTP với thị trường tiếp tục gia tăng, cho thấy NTP là một trong các mã cố hoạt động hiệu quả hơn mức chung. MBKE khuyến nghị mua vào NTP ở mức giá hiện tại.
>>Xem báo cáo chi tiết
PGD: Cổ phiếu tốt trong năm
CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS) cho rằng cổ phiếu PGD của CTCP Phân phối khí thấp áp dầu khí Việt Nam rất thích hợp cho việc đầu tư trong năm nay khi mà kết quả hoạt động kinh doanh hiệu quả và mức cổ tức qua các năm luôn đạt mức cao.
Cụ thể, PGD là một doanh nghiệp có nền tảng cơ bản ổn định, kết quả hoạt động kinh doanh khả quan và tính đến thời điểm hiện tại, PGD là 1 trong 9 doanh nghiệp cán đích kế hoạch lợi nhuận năm 2013. Về cổ tức, PGD luôn duy trì mức cổ tức tốt qua các năm. Kế hoạch cổ tức năm 2013 là 20% bằng tiền mặt.
Về phân tích kỹ thuật, xét thời gian trong 1 tháng trở lại đây, PGD tích lũy quanh vùng giá 25 khá lâu; sau đó, bứt phá lên mức cao tại 29,100 đồng/cp. Hiện tại, PGD đang được giao dịch tại đường MA50 tại mức giá 27,300 đồng/cp.
Ngoài ra, thanh khoản cổ phiếu PGD liên tục gia tăng trong thời gian gần đây. Khối lượng giao dịch PGD đạt 260,000 CP/phiên (tính theo trung bình 30 phiên gần nhất).
Với những ý kiến đưa ra, DAS khuyến nghị mua tích lũy PGD tại vùng 26,300 đồng/cp đến 27,300 đồng/cp vì mức giá này đang ở vùng đáy đồng thời kết quả kinh doanh khá khả quan. Với giá mục tiêu 1 là 29,000 đồng/cp và mục tiêu 2 là 31,000 đồng/cp.
>>Xem báo cáo chi tiết
Bên cạnh khuyến nghị mua PGD, DAS cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng với cổ phiếu của CTCP Đầu tư & KD nhà Khang Điền (HOSE: KDH).
Cụ thể, theo phân tích kỹ thuật của DAS, giá cổ phiếu KDH đang có xu hướng dao động trong vùng hẹp 9,00 0- 9,800 đồng/cp trong thời gian gần đây. Việc đường MA10 đang nằm dưới đường MA50 cho thấy cổ phiếu KDH đang diễn biến theo xu hướng giảm giá trong ngắn hạn. Hiện vùng giá 9,400 đồng/cp tại Fibonacci Retracement 61.8% (15/4/2013 - 27/5/2013) đang là ngưỡng kháng cự gần của giá KDH sau khi cổ phiếu này có phiên điều chỉnh mạnh trong 2 phiên 23/7 và 24/7 khi thông tin KQKD quý 2/2013 được công bố. Bollinger Bands đang có xu hướng thu hẹp cho thấy giá cổ phiếu KDH nhiều khả năng sẽ quay trở lại dao động tích lũy trong vùng 9.4 - 9.8 trước khi có sự bứt phá trong thời gian sắp tới.
Thống kê của DAS cho thấy, thanh khoản của KDH chỉ thực sự được cải thiện khi có sự tham gia của khối nhà đầu tư nước ngoài. Minh chứng cụ thể là việc thanh khoản của KDH thời gian gần đây có dấu hiệu tích cực trở lại sau khi khối ngoại quay mua ròng vào ngày 17/7/2013. Theo quan điểm của DAS, với hiệu quả kinh doanh và khả năng duy trì hoạt động đang bị nghi ngờ, nhà đầu tư nên cân nhắc một cách thận trọng trước các quyết định giải ngân đầu tư vào cổ phiếu này.
>>>Xem báo cáo chi tiết
Duy Hoàng tổng hợp
infonet
|