Góc nhìn 02/08: Chưa tìm thấy lý do tăng điểm!
Mặc dù thị trường vẫn đứng vững trong phiên giao dịch đầu tháng 8 khi mà hàng loạt tin xấu được tung ra, nhiều chuyên gia vẫn chưa nhìn thấy lý do tích cực giúp thị trường tăng điểm.
Vẫn nhiều rủi ro
CTCK MayBank Kim Eng (MBKE): VN-Index lên nhẹ, nới rộng chuỗi tăng điểm lên phiên thứ ba liên tục. Mặc dù mức tăng thấp, chỉ 0,1%, nhưng đặt trong bối cảnh giá điện tăng 5%, có thể coi phản ứng của thị trường là tích cực. Đây là điều khá bất ngờ với việc giá điện được điều chỉnh tăng ngay sau giá xăng, và nhất là khi lạm phát đang có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại.
Khối lượng giao dịch của cả hai sàn chỉ đạt khoảng 40 triệu cổ phiếu, trong đó khối lượng của HNX đạt mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009. Khối ngoại bán ròng 1.6 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE, trong đó đặc biệt tại các cổ phiếu vốn hóa cao như BVH, VIC, VCB.
Với thanh khoản thấp và tâm lý chung vẫn dè dặt, MBKE cho rằng các nhà đầu tư chỉ nên giữ tỷ trọng cổ phiếu vừa phải và tập trung vào nắm giữ các mã cơ bản tốt hơn là cố gắng lướt sóng ngắn hạn.
Cơ hội cho NĐT cầm tiền
Công ty chứng khoán đầu tư Việt Nam (IVS): Thực tế thì cả hai thị trường chỉ giảm điểm vào đầu phiên do những lo ngại trên, thậm chí VN-Index giảm xuống dưới ngưỡng 490 điểm. Tuy nhiên, cả hai chỉ số đã có sự hồi phục trở lại, tất nhiên với thanh khoản giảm mạnh thì tác động một vài nhóm cố phiếu lớn là đủ để chỉ số tăng hay giảm.
Sau một tuần giảm mạnh, không chỉ thị trường mà đã có khá nhiều cổ phiếu bắt đầu tìm được điểm cân bằng. Nhiều mã đã tạo ra vùng giá khá an toàn đi ngang liên tiếp 3 phiên vừa qua và có vẻ như sẽ rất khó xuyên thủng được ngưỡng giá hiện tại. Tuy nhiên ở giai đoạn này, IVS chưa thấy được lý do nào đủ sức để giúp thị trường tăng điểm. Trong một giai đoạn thanh khoản kém như hiện nay vừa là áp lực với một số NĐT giữ cổ phiếu nhưng lại đang mở ra cơ hội cho NĐT có tiền.
VN-Index có thể quay đầu giảm điểm
CTCP Chứng khoán ACB (ACBS): Tin tăng giá điện khiến đà hồi phục của các chỉ số chứng khoán Việt Nam suy giảm ngày hôm qua. Đóng cửa, VN-Index chỉ còn tăng 0.12%, thấp hơn hai phiên trước, lên 492.43 điểm trong khi HNX-Index tăng 0.21% lên 61.62 điểm. Tổng khối lượng trên cả hai sàn đạt hơn 43 triệu cổ phiếu, giá trị 824 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn với hơn 30 tỷ đồng trên HSX và 298 triệu đồng trên HNX.
Áp lực bán gia tăng khi VN-Index hồi phục về mức giá đóng cửa của tuần trước. Nhìn chung, các phiên giao dịch trong biên độ hẹp với khối lượng thấp không làm thay đổi quan điểm thận trọng của ACBS với thị trường. VN-Index có thể quay đầu giảm điểm trong các phiên tới nhưng nếu vượt lên trên vùng 490-495, VN-Index có thể quay lại đỉnh tuần trước ở 508.
Chưa xuất hiện tín hiệu đặc biệt
Công ty chứng khoán MB (MBS): Thị trường vẫn giao dịch khá ảm đạm dù cả hai chỉ số đều tăng điểm nhẹ. Khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức thấp, đặc biệt khối lượng của HNX-Index chỉ đạt dưới 10 triệu cổ phiếu. Các chỉ báo kỹ thuật cũng biến động nhẹ và không xuất hiện tín hiệu đặc biệt nào.
Trong điều kiện thị trường hiện tại, nhà đầu tư cầm cổ phiếu sẽ có rủi ro cao hơn. Do đó nhà đầu tư vẫn nên kiên nhẫn và chưa nên mua vội.
MBS cho rằng trong hoàn cảnh kinh tế thế giới hồi phục chậm hơn dự đoán như hiện tại, sẽ rất khó có thêm nhiều đơn đặt hàng mới từ xuất khẩu, đặc biệt một trong những nước nhập khẩu lớn là Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu trong nước vẫn đang suy giảm và chưa có dấu hiệu sớm hồi phục.
Không đánh giá cao khả năng phục hồi
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Theo quan sát của FPTS thì nhóm cổ phiếu ngành điện thể hiện được mức tăng tốt nhất so với thị trường nhờ những kỳ vọng của nhà đầu tư từ thông tin tăng giá điện. Với những cổ phiếu còn lại thì hầu hết chỉ duy trì được diễn biến đi ngang với thanh khoản không thật sự tích cực.
Thị trường đã đứng vững trong phiên giao dịch 01/08 khi mà thông tin xấu được công bố không có nhiều bất ngờ, nhà đầu tư cũng đã dự báo được từ trước, tuy nhiên sự phục hồi này chỉ là phản ứng của thị trường trong ngắn hạn.
Với thanh khoản hiện tại thì FPTS không đánh giá cao sự phục hồi này, diễn biến tăng giá điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới những doanh nghiệp sản xuất (như thép, xi măng, thủy sản…) trong thời gian tới, triển vọng kinh doanh ở những tháng còn lại của năm có thể sẽ sụt giảm khi mà chi phí chắc chắn sẽ gia tăng.
Theo đó, FPTS khuyến nghị nhà đầu tư nên tạm dừng việc giải ngân và chờ đợi thị trường cân bằng hơn cùng những diễn biến tiếp theo của thanh khoản. Nếu xu hướng tiếp tục đi xuống thì việc xem xét giảm tỷ lệ cổ phiếu là cần thiết, đặc biệt là khi chênh lệch giữa hoạt động mua – bán của khối ngoại vẫn tiếp diễn theo chiều hướng tiêu cực.
Sanh Tín tổng hợp
INFONET
|