Giám đốc Tư vấn đầu tư DAS: Có thể chọn cổ phiếu BĐS để lướt sóng
“Tôi cho rằng nhà đầu tư lướt sóng có thể chọn cổ phiếu trong lĩnh vực BĐS để lướt sóng trong thời gian tới”, Ông Phạm Anh Tú, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS) nhận định.
Ông Phạm Anh Tú, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS)
|
Xin ông cho biết quan điểm của mình về thị trường chứng khoán giai đoạn 6 tháng cuối năm 2013? Ông có lời khuyên nào cho nhà đầu tư trong việc lựa chọn cổ phiếu?
Dựa trên phân tích các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế và phân tích kỹ thuật, tôi cho rằng thị trường chứng khoán (TTCK) đã tạo đáy trong năm 2013 vào nửa đầu tháng 5 năm nay. Trong đợt điều chỉnh hiện tại do hai quỹ ETFs bán mạnh cổ phiếu, VN-Index sẽ trụ vững tại vùng 480-490. Thị trường đang vào vùng quá bán và tâm lý nhà đầu tư (NĐT) đang dần ổn định. Theo đó, NĐTcủa chúng ta sẽ không còn bị bất ngờ về việc các quỹ ETFs bị rút chứng chỉ quỹ.
Về ngắn hạn, TTCK sẽ bắt đầu một chu kỳ tăng dự kiến từ tháng 06-09/2013. Khi các yếu tố vĩ mô đang chuyển biến tích cực và các kênh đầu tư cạnh tranh với chứng khoán gặp khó khăn thì dòng tiền sẽ vẫn tiếp tục được hút vào TTCK trong thời gian tới.
Tôi khá lạc quan về xu thế dài hạn. Tôi cho rằng thị trường đã kết thúc một chu kỳ giảm điểm dài hạn từ 2008-2012 cũng như nền kinh tế đã chạm đáy vào năm 2012 và đang dần hồi phục. TTCK cũng sẽ bắt đầu cho một chu kỳ tăng dài hạn mới.
Đối với NĐT giá trị thì nên xem xét để tích lũy cổ phiếu cơ bản có lợi nhuận và lĩnh vực kinh doanh chính ổn định, có dòng tiền đều, đặc biệt là các cổ phiếu tốt nhưng bị giảm về vùng quá bán do ETFs bán.
Ngược lại, NĐT lướt sóng thì cần cẩn trọng hơn với những phiên biến động mạnh của thị trường, nên giữ tỷ trọng tiền và cổ phiếu tối thiểu: 50-50, như vậy sẽ tối đa hóa được lợi nhuận và hạn chế rủi ro khi thị trường có biến động mạnh. Theo đó, NĐT lướt sóng có thể chọn cổ phiếu trong lĩnh vực BĐS để lướt sóng trong thời gian tới.
Theo ông, những yếu tố nào sẽ giữ nhiệt và hỗ trợ cho thị trường trong giai đoạn này?
Tình hình vĩ mô dần ổn định chính là những yếu tố cơ bản giúp thị trường đứng vững trong thời gian còn lại của năm. Trong 6 tháng đầu năm 2013, vĩ mô tiếp tục có những chuyển biến đúng hướng và đạt nhiều kết quả. Nổi bật là lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định. Lũy kế CPI tính đến tháng 6/2013 tăng 2.4%, là mức tăng thấp nhất trong 4 năm qua.
Lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm. Lãi suất cho vay VNĐ phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 8-10%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9-11%/năm ở khối NHTM Nhà nước, 11-12%/năm ở khối NHTM cổ phần. Thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định; dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng. Thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng tiếp tục được cải thiện. Đây là một trong những lý do tác động rất tích cực đến thị trường chứng khoán
Dòng vốn đang dần được khơi thông, tín dụng trong tháng 5 đã tăng trưởng khá so với những tháng đầu năm, dự kiến đến cuối tháng 06/2013 tăng trưởng tín dụng bằng VNĐ sẽ tăng trên 3.31%. Với mức lãi suất huy động của các ngân hàng lớn như VCB, BIDV,... đều đưa về mức khá thấp với mức thấp nhất là 6%, đã kích thích một dòng vốn luân chuyển ra khỏi kênh gửi tiết kiệm của ngân hàng và một phần đã đầu tư vào kênh chứng khoán.
Khi các yếu tố vĩ mô dần ổn định, CPI giữ ở mức thấp và lãi suất đang điều chỉnh phù hợp, tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh trong 6 tháng cuối năm. Cùng với gói 30,000 tỷ đồng đã bắt đầu được ngân hàng triển khai giải ngân, VAMC đi vào hoạt động trong tháng 7, chắc chắn TTCK sẽ tăng trưởng bền vững trong hai quý cuối năm 2013.
Thế còn đợt biến động vừa qua là do đâu, thưa ông?
Tôi cho rằng thị trường đang có sự điều chỉnh do việc cơ cấu danh mục của hai quỹ ETFs: FTSE và VNM, mặc dù chúng ta đã trải qua những phiên điều chỉnh khá mạnh do tâm lý nhà đầu tư lo ngại ETFs bán cổ phiếu tuy nhiên xu hướng tăng điểm dài hạn sẽ được duy trì.
Nhìn nhận về phân tích kỹ thuật, TTCK Việt Nam đã giảm về vùng quá bán khi hai quỹ ETFs liên tục bán cổ phiếu do các nhà đầu tư ở Mỹ và Châu Âu rút chứng chỉ quỹ. Tuy nhiên thanh khoản của thị trường vẫn duy trì ở mức cao cho thấy dòng tiền tiếp tục được hút vào thị trường chứng khoán, đây là dấu hiệu tích cực mà chúng ta thấy được trong những phiên giao dịch vào tuần cuối của tháng 6. Mốc hỗ trợ mạnh của VN-Index vẫn trong vùng 460-480 điểm.
Với những chuyển biến tích cực về vĩ mô như trên, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có dấu hiệu khởi sắc không, thưa ông?
Năm 2013, Chính phủ Việt Nam đặt ra nhiều giải pháp hướng tới mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; gắn với việc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là vấn đề kiềm chế lạm phát và xử lý nợ xấu. Hiện mức lãi suất cho vay với các doanh nghiệp ở mức trung bình từ 10-12%/ năm (so với mức 15-17% trong thời gian trước) đã giúp các doanh nghiệp hạ được chi phí vốn.
Ngoài ra với mức lãi suất huy động và cho vay thấp đã tác động tích cực đến tổng cầu của nền kinh tế qua đó giúp cho các doanh nghiệp giải quyết lượng hàng tồn kho, đẩy nhanh vòng quay vốn để tăng doanh thu và lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm nay.
Tình hình vĩ mô đang có những chuyển biến tích cực đã giúp cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn năm 2012. Trong kỳ báo cáo quý 2 tới đây chúng ta sẽ thấy nhiều doanh nghiệp niêm yết sẽ báo cáo kết quả khá khả quan và cũng có nhiều doanh nghiệp chuyển mình từ báo cáo bị lỗ sang báo cáo sẽ có lãi trong các quý tới. Đây cũng là một điểm khá tích cực cho các NĐT.
Cám ơn ông!
Sanh Tín thực hiện
Infonet
|