Thứ Năm, 13/06/2013 08:55

Tổng giám đốc QLQ Manulife: TTCK tiếp tục tăng trưởng dù trong ngắn hạn có nhiều biến động

Với nhận định tăng trưởng kinh tế chất lượng hơn nhờ những nỗ lực cải cách, vĩ mô là yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường trong thời gian tới, bà Nguyễn Vũ Ngọc Trinh - Tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Đầu tư của Công ty TNHH Quản lý quỹ Manulife Việt Nam kỳ vọng TTCK sẽ tiếp tục tăng trưởng dù cho trong ngắn hạn vẫn có nhiều biến động.

Bà đánh giá như thế nào về kinh tế vĩ mô Việt Nam trong nửa đầu năm nay?

Bà Nguyễn Vũ Ngọc Trinh: Chúng ta đã bắt đầu năm 2013 trên một nền tảng tốt hơn so với năm 2012. Năm tháng đầu năm 2013 cho thấy tăng trưởng kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên kinh tế vĩ mô tiếp tục có những dấu hiệu ổn định theo chiều hướng tích cực.

Thứ nhất, lạm phát 5 tháng đầu năm đã giảm xuống mức 6.36% so với cùng kỳ năm ngoái, góp phần tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhìn chung, nhiều khả năng lạm phát cả năm 2013 sẽ ở dưới mức 7% do tình hình giá cả hàng hóa cũng như giá lương thực thế giới không có nhiều áp lực tăng giá như những năm trước đây trong khi sức cầu nội địa vẫn còn tương đối yếu.

Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt, ở mức 15% trong năm tháng đầu năm trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm là một điều rất đáng khích lệ. Chúng ta có thể nhận thấy cơ cấu xuất khẩu cũng đang có những chuyển biến tích cực khi cơ cấu này dịch chuyển sang các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao hơn ví dụ như thiết bị điện tử, điện thoại di động. Điều này là kết quả của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài những năm trước đây vào lĩnh vực sản xuất đã bắt đầu cho trái ngọt.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI cả FDI đăng ký và giải ngân có sự tăng trưởng và đặc biệt dòng vốn này có sự dịch chuyển tập trung hơn vào lĩnh vực sản xuất. Điều này tiếp tục khẳng định vị thế của chúng ta so với các nước trong khu vực về khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là lợi thế vị trí địa lý, giá nhân công cạnh tranh và nguồn nhân lực có tính phấn đấu dồi dào, một cơ cấu dân số đang ở giai đoạn hỗ trợ tăng trưởng tiêu dùng cá nhân.

Dự trữ ngoại hối cũng gia tăng đáng kể trong 2 năm qua, góp phần củng cố niềm tin vào đồng nội tệ. Tỷ giá ổn định cũng là một trong những điểm quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua kênh đầu tư vốn gián tiếp FII.

Việc dòng vốn phục vụ đầu tư vào nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn bị ách tắc sẽ tiếp tục là một trở ngại lớn cho việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp vốn là dấu hiệu thường thấy khi một nền kinh tế đang đi qua thời kỳ thoái nợ. Việc này sẽ đưa nền kinh tế từ từ trở lại tốc độ tăng trưởng đúng với bản chất thực và đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế sẽ ổn định và bền vững hơn. Một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và bền vững là một nền tảng để Việt Nam có thể phát huy những thế mạnh của mình và từng bước đưa chúng ta trở lại vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn tại Đông Nam Á.

Nhìn ở một khía cạnh khác, chúng ta đang bước vào một chu kỳ phát triển kinh tế mới, tăng trưởng có thể thấp hơn mức 8% của những năm 2006-2007 nhưng tăng trưởng chất lượng hơn nhờ những nỗ lực cải cách kinh tế với trọng tâm nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế, đặc biệt là ở khu vực kinh tế nhà nước.

Các chính sách giải quyết nợ xấu, vực dậy thị trường bất động sản cũng như quản lý thị trường vàng đều có một mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô, tránh các liệu pháp sốc khi khả năng phòng vệ của nền kinh tế vẫn đang yếu sau thời kỳ khủng hoảng năm 2008. Tất cả chúng ta đều mong muốn các chính sách được thực hiện hiệu quả hơn, quyết liệt hơn và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rõ những nỗ lực của các nhà điều hành kinh tế trong vấn đề này bởi đây là một bài toán không hề đơn giản, đặc biệt trong điều kiện nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế sau nhiều năm thâm hụt ngân sách.

Có phải những yếu tố tích cực về vĩ mô trên đã mang lại dấu hiệu khả quan cho TTCK trong thời gian qua? Và chúng ta có thể kỳ vọng gì cho tương lai của thị trường chứng khoán?

Chúng tôi nhận định yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường trong thời gian qua là những dấu hiệu khả quan về kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, dù tình hình doanh nghiệp nói chung còn rất nhiều khó khăn do sức cầu nội địa chưa được cải thiện, trong hai năm qua đã có một sự phân hóa rõ rệt giữa các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, mô hình kinh doanh tốt và những doanh nghiệp yếu kém. Điều này thể hiện rõ nét qua sự tăng trưởng ấn tượng về giá trị của những doanh nghiệp tốt niêm yết trên sàn, là đầu tàu hỗ trợ VNI-Index phục hồi.

Một điểm đáng chú ý là chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển biến lớn trong khung pháp lý hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán với mục tiêu tạo một kênh cung cấp vốn hiệu quả hơn bên cạnh nguồn vốn ngân hàng truyền thống. Sự ra đời của khung pháp lý cho những sản phẩm quỹ đầu tư mới, cũng như dự thảo cho các mô hình quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí bổ sung sẽ là nền tảng của sự phát triển thị trường tài chính cả về chiều sâu và chiều rộng.

Nói về thị trường cổ phiếu nói chung, dự thảo về việc nới lỏng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại một số ngành nghề theo những thông tin công bố dự kiến điều chỉnh của Quyết Định 55 là một trong những thông tin hỗ trợ tương đối tích cực. Đồng thời, lãi suất tiết kiệm giảm, kênh đầu tư truyền thống như vàng và bất động sản hiện gặp nhiều khó khăn, chi phí vốn giảm xuống đáng kể do mặt bằng lãi suất giảm sâu cũng là động lực khiến nhà đầu tư tìm kiếm những kênh đầu tư hấp dẫn hơn trong khi nguồn vốn dồi dào hơn.

Có thể nói các yếu tố hỗ trợ sự tăng trưởng của TTCK vẫn còn và do đó chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng dù cho trong ngắn hạn vẫn có nhiều biến động.

Vị trí của nhà đầu tư nước ngoài sẽ ở đâu trong bức tranh về thị trường chứng khoán đó, thưa bà?

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, dù đánh giá thị trường Việt Nam vẫn ở mức định giá hấp dẫn so với các nước trong khu vực thì phần lớn nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư dài hạn vẫn còn khá dè dặt.

Yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của khối ngoại trên hết là sự ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó phương thức giải quyết nợ xấu rất được quan tâm bên cạnh vấn đề tỷ giá ổn định, cơ chế đầu tư và tỷ lệ sở hữu nước ngoài thông thoáng.

Những điểm hấp dẫn nội tại của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài vẫn là cơ cấu dân số vàng hỗ trợ tăng trưởng tiêu dùng, lực lượng lao động giá cả hợp lý nhưng rất cần cù chịu khó, tài nguyên quốc gia tương đối dồi dào và nền kinh tế đang trong giai đoạn bước đầu hòa nhập.

Với kỳ vọng kinh tế tiếp tục đi vào ổn định, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nước ngoài sẽ tự tin hơn khi quyết định đầu tư lâu dài vào Việt Nam từ cuối năm 2013, đầu năm 2014.

Minh Hằng thực hiện

infonet

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 13/06: Xu hướng tăng chưa bị đảo chiều? (12/06/2013)

>   Ngày 13/06: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn kỹ thuật (13/06/2013)

>   Trưởng phòng Phân tích KIS: VN-Index có thể đạt 570 – 580 vào cuối năm (12/06/2013)

>   Góc nhìn 12/06: “Rung lắc” nhiều hơn?! (11/06/2013)

>   Nới “room” ngân hàng cho khối ngoại: “Cứ đón cá vào ao đã!” (11/06/2013)

>   Góc nhìn 11/06: Lo ngại khối ngoại rút vốn! (10/06/2013)

>   Tín hiệu kỹ thuật từ các Trading System: Tuần 10 – 14/06 (13/06/2013)

>   Góc nhìn 10 – 14/06: VN-Index sẽ chinh phục mốc 550? (09/06/2013)

>   Phân tích kỹ thuật chứng khoán Việt Nam: Tuần 10 – 14/06/2013 (09/06/2013)

>   Phân tích kỹ thuật cổ phiếu chọn lọc: Tuần 10 – 14/06/2013 (09/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật