Góc nhìn 12/06: “Rung lắc” nhiều hơn?!
Đa số các chuyên gia cho rằng thị trường sẽ tiếp tục có những rủi ro trong ngắn hạn mặc dù xu hướng tăng vẫn còn nguyên. Phiên giao dịch tới, thị trường sẽ tiếp tục “rung lắc” nhiều hơn, nhà đầu tư vẫn có thể giải ngân trong nhịp điều chỉnh.
VN-Index có thể lùi về 500 điểm
Công ty chứng khoán ACB (ACBS): Thiếu tin tức hỗ trợ, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh khi nhà đầu tư gia tăng hoạt động chốt lời ngắn hạn.
Về mặt kỹ thuật, phiên điều chỉnh ngày 04/06 nằm trong dự đoán khi các chỉ báo hình thành tín hiệu tiêu cực trong các phiên trước đó. Trong các phiên tới, VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh về vùng 500-505. Đây là vùng tích lũy nhỏ, đồng thời giao với đường trung bình 20 ngày và đường xu hướng tăng nối 2 đáy 470, 480 nên mức độ quan trọng cao. Lực cầu bắt đáy có thể sớm tăng mạnh ở vùng giá này, giúp VN-Index quay lại xu hướng tăng ngắn hạn hiện tại.
Tương tự, HNX-Index có thể sớm giảm tốc và đảo chiều khi quay về vùng hỗ trợ 62,5-63.
Vẫn trong xu thế tăng
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Diễn biến giao dịch 11/06 không khác mấy so với giao dịch trong phiên trước. Thị trường tiếp tục giằng co, đà giảm vẫn chiếm ưu thế tuy nhiên động lượng giảm không lớn. Thị trường đi xuống trong đầu phiên, hồi phục nhẹ vào giữa phiên nhưng sau đó lại giảm về cuối phiên. Chốt phiên HSX có 93 mã tăng/123 mã giảm; HNX có 103 mã tăng/ 84 mã giảm.
Thị trường vẫn tiếp tục xu thế đi lên mặc dù quá trình điều chỉnh từ 1 – 3 phiên được dự báo tiếp tục xẩy ra. Mức hỗ trợ hình thành trong quá trình điều chỉnh này được xác định tại phân vùng 518 – 521 điểm.
Mức điểm kháng cự cho xu thế đi lên của thị trường sau khi vượt qua vùng 530 – 537 sẽ là vùng 547 điểm. Việc bán ra cổ phiếu là không cần thiết, và nên tận dụng thị trường điều chỉnh để có thể mua thêm cổ phiếu
Rủi ro thị trường không cao
CTCP Chứng khoán đầu tư Việt Nam (IVS): IVS vẫn nhận thấy những lực cầu tương đối tốt ở phiên ATC đối ứng lại với những lệnh bán lớn thường xuất hiện tại đây, đặc biệt là của khối ngoại. Thị trường đang cho thấy một sự thận trọng có chủ đích của bên mua.
Nhiều thông tin cho rằng, sự thận trọng này là do NĐT còn tiếp tục muốn nghe ngóng các thông tin từ nghị trường và rằng liệu có tín hiệu nào thực sự tích cực cũng như tiêu cực không? Tuy nhiên, một lý giải khác cũng khá hợp lý xuất phát từ việc đảo danh mục của ETF. Với những thông tin rất rõ về mã mua vào, mã bán ra cũng như tỷ lệ từng mã, lực cầu dường như đang đón đợi cú xả hàng này với giá rẻ hơn là đẩy mạnh lên để phải mua với giá cao.
Cho dù là gì thì diễn biến của thị trường là khá chậm, thanh khoản bắt đầu có dấu hiệu co hẹp lại và nó là một phần giúp cho thị trường không giảm sâu. Ở giai đoạn hiện nay, IVS không quá quan ngại với rủi ro thị trường bằng rủi ro từ cổ phiếu. Những cổ phiếu tăng nóng với mức tăng từ 100%-200% như là PET, PPC, HSG, CSM...thời gian qua đang phải chịu sức ép rất lớn từ bên bán.
Một là những kỳ vọng từ ETF không đủ lớn khi lượng mua vào không nhiều. Thứ nữa là người nắm giữ cổ phiếu này không còn cảm nhận thấy sự hấp dẫn nữa, đặc biệt ở vùng giá như hiện nay. Có vẻ như nhóm cổ phiếu trên còn cần nhiều thời gian hơn nữa để tích lũy và bứt phá cả về KQKD lẫn về giá cổ phiếu. Điều này có vẻ là đúng khi nhìn về giao dịch gần đây hầu hết các cổ phiếu này đều không thể bứt phá qua vùng đỉnh đã thiết lập và một mô hình hai đỉnh đang hình thành.
Hình thành xu hướng điều chỉnh
Công ty chứng khoán MB (MBS): Thị trường tiếp tục giảm phiên 11/06 với hai chỉ số cùng mất điểm. Phiên giảm điểm đã xác nhận cho tín hiệu nến đảo chiều từ phiên trước đó. Các chỉ báo kỹ thuật SO và RSI đã hình thành phân kỳ tiêu cực với chỉ số. Những biến động này cho thấy thị trường đang hình thành một đợt điều chỉnh. Diễn biến hiện tại là cơ hội bán cho những người giao dịch ngắn hạn.
Tỷ giá VNĐ/USD trên thị trường tự do có biến động tăng mạnh trong thời gian gần đây và đã có thời điểm chạm mức 21,400. MBS nhận thấy áp lực lên VNĐ đã gia tăng khi mặt bằng lãi suất được điều chỉnh giảm mạnh, nhập siêu tăng trở lại vào tháng 5/2013 và chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tê đang ở mức rất cao. NHNN đã bán ra khoảng 1 tỷ USD để bình ổn thị trường tuy nhiên áp lực lên VNĐ vẫn chưa có tín hiệu giảm.
MBS cho rằng trong thời gian tới NHNN không còn nhiều dư địa để bơm thêm VNĐ vào hệ thống hoặc hạ mặt bằng lãi suất do mức độ ổn định của hệ thống đang suy giảm. Dự địa kích thích kinh tế của chính sách tiền tệ gần như đã hết và NHNN sẽ mạo hiểm trong vấn đề này. MBS dự đoán rằng NHNN có thể để VNĐ hạ giá khoảng 1-3% trong năm nay để giảm bớt áp lực lên hệ thống ngân hàng.
Ngắn hạn vẫn chưa tích cực
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Phiên giao dịch 11/06 vẫn có thể coi là phiên điều chỉnh kỹ thuật trên cả hai sàn sau những ngày tăng điểm ấn tượng trước đó. Diễn biến giao dịch vẫn khá sôi động cùng với dòng tiền luôn hiện hữu trong thị trường thể hiện qua thanh khoản duy trì ở mức cao đang ủng hộ cho sóng tăng.
Tuy nhiên, khó khăn của thị trường hiện tại là việc nhà đầu tư nước ngoài đang cơ cấu danh mục và có xu hướng bán ròng liên tiếp. Trong những phiên gần đây khối ngoại có biểu hiện bán ra khá mạnh và tập trung ở một số cổ phiếu có thị giá cao, nếu xu thế này tiếp diễn và mạnh hơn thì khả năng hồi phục có thể sẽ gặp trở ngại. Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư đang có xu hướng thận trọng hơn do chờ đợi thông tin liên quan đến kỳ họp thứ 5 của Quốc Hội cũng như những tin tức liên quan đến hoạt động của VAMC và gói hỗ trợ bất động sản 30,000 tỷ đồng.
Vì thế, FPTS đánh giá xu hướng của thị trường trong trung hạn vẫn tích cực tuy nhiên trong ngắn hạn thị trường vẫn sẽ gặp khó khăn ở ngưỡng kháng cự nhạy cảm, rung lắc có thể xuất hiện nhiều hơn do ảnh hưởng của việc nhà đầu tư chốt lời ngắn hạn. Trong các phiên tiếp theo, nhà đầu tư vẫn có thể mua vào cổ phiếu tại những thời điểm điều chỉnh của thị trường, ưu tiên các cổ phiếu cơ bản và ít chịu ảnh hưởng bởi áp lực bán của khối ngoại.
Phiên giao dịch ngày mai (12/06) dưới áp lực bán còn hiện hữu, dự đoán VN-Index sẽ dao động trong khoảng 515 – 520 điểm với xác suất giảm điểm nhẹ.
Sanh Tín tổng hợp (Vietstock)
Infonet
|