CPI tháng 5 “âm” trở lại!
So với các kỳ khác, CPI tháng 5 tuy vẫn tăng nhưng mức tăng thấp hơn nhiều so với các năm gần đây. Cụ thể, CPI tháng 5/2013 tăng 6,36% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,35% so với tháng 12 năm ngoái.
Diễn biến CPI của cả nước trong các tháng - Nguồn: Tổng cục Thống kê
|
Chi tiết tăng giảm các nhóm hàng trong rổ hàng hóa CPI cho thấy, giá cả những mặt hàng thiết yếu hàng ngày như lương thực, thực phẩm có xu hướng giảm và tăng chậm lại nhưng các mặt hàng quan trọng không kém như y tế lại tăng rất mạnh.
Tính từ đầu năm, lương thực giảm 1,62%, thực phẩm tăng 2,27% nhưng dịch vụ khám chữa bệnh đã tăng đến 17,39%. Những chi phí y tế, khám chữa bệnh này khi tăng chỉ ảnh hưởng đến con số CPI một lần duy nhất vào bắt đầu áp dụng, nhưng nó sẽ làm hao hụt tiền của người dân hàng ngày, kể từ khi mức giá mới được áp dụng.
Ở một khía cạnh khác của bộ số liệu thống kê là chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội. Trong tháng 4 năm 2013, chỉ tiêu này đã ghi nhận con số rất thấp khi chỉ tăng 0,9% so với tháng trước và 4 tháng đầu năm chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước sau khi đã loại trừ yếu tố giá, thấp hơn rất nhiều khi so với 4 tháng đầu năm năm 2008 (10,1%) và 2009 (7,4%), các năm mà kinh tế nước ta đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong tháng này, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội được dự báo tiếp tục đạt mức thấp theo đúng xu hướng giảm dần từ đầu năm. Như vậy, mặc dù giá giảm nhưng tiêu dùng của đại bộ phận người dân cũng giảm theo do phải cân đối chi tiêu hợp lý đảm bảo cuộc sống bình thường hàng ngày trong điều kiện ngân sách gia đình eo hẹp.
Tuy nhiên, xét trong tổng thể nền kinh tế hiện nay, lạm phát thấp là cơ hội tốt để tạo dư địa cho các chính sách kinh tế được thực hiện đồng bộ, đúng lộ trình trong quá trình cải tổ, khắc phục những khiếm khuyết hiện nay.
Trở lại với diễn biến giá cả trong tháng, việc nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày liên tục với hàng loạt các hoạt động vui chơi giải trí như lễ hội bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, lễ hội Carnival Hạ Long, Festival làng nghề truyền thống tại Huế…nhưng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân trong tháng cũng chỉ đủ sức đẩy chỉ số giá nhóm hàng văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,23% so với tháng trước, chỉ bằng 1/3 và 1/4 mức tăng của nhóm này năm 2012 và năm 2011.
Tăng mạnh nhất trong tháng lại là nhóm thuốc và dịch vụ y tế với mức tăng 1,58% so tháng trước, trong đó dịch vụ y tế tăng 1,92%. Tiếp tục thực hiện lộ trình tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo thông tư liên bộ từ trước, tháng này, Vĩnh Phúc và Long An điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh đã khiến chỉ số chung cả nước tăng thêm 0,1%.
Cùng với các mức tăng giá do thời tiết nắng nóng của các nhóm khác như nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,41%, nhóm may mặc mũ nón giầy dép và nhóm thiết bị đồ dùng gia đình cùng tăng 0,36% so tháng trước thì việc điều chỉnh mạnh giá dịch vụ y tế cũng chỉ kéo chỉ số chung không giảm quá sâu chứ không thể khiến chỉ số giá chung tăng so tháng trước do áp lực kéo giảm mạnh mẽ đến từ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống.
Trong tháng, nhóm có quyền số lớn nhất này giảm -0,35% so với tháng trước trong đó lương thực giảm -0,69%, thực phẩm giảm -0,45% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,32%.
Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào CPI là vàng và đô la Mỹ lại diễn biến trái chiều khi lần lượt ghi nhận ở các mức giảm -4,62% và tăng 0,21% so với tháng trước.
Thái Hà
Vneconomy
|