Thứ Tư, 22/05/2013 13:41

Không thể chờ “phép màu” từ một mình chính sách tiền tệ

TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, nguyên nhân sâu xa khiến DN gặp khó khăn là do tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh. Như vậy, nếu chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ để cứu DN thì khó có thể đạt được. Dường như trách nhiệm cứu DN và nền kinh tế chỉ đang dồn về phía NHNN.

“Đơn thuốc” đang chỉ có lãi suất

Nhìn lại 4 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam đã đạt một số kết quả tích cực: lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế quý I/2013 đạt 4,89% cao hơn cùng kỳ năm trước, lãi suất tiếp tục có chiều hướng giảm…

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, có được kết quả trên, ngành Ngân hàng đã góp vai trò quan trọng. “Ngành Ngân hàng đã kiên trì tiếp tục giảm lãi suất, ổn định tỷ giá, đảm bảo dự trữ ngoại tệ tăng gấp 3 lần… Từ góc độ DN, tôi nhận thấy hoạt động ngân hàng ghi được nhiều điểm nhất và thể hiện kết quả rõ nét nhất. Dù vốn chưa chảy nhiều vào nền kinh tế, nhưng ngành Ngân hàng đã tập trung vào những đối tượng ưu tiên với lãi suất thấp” – ông Kiêm nói.

Giải pháp kích cầu là tăng đầu tư vào các công trình trọng điểm hiện đang thiếu vốn

Tuy nhiên, thực tế đặt ra là vốn vẫn chưa thể chảy mạnh vào nền kinh tế. Liệu có phải lãi suất vẫn cao? Phó tổng giám đốc Vietcombank, Phạm Quang Dũng chia sẻ, ngân hàng đã, đang tìm mọi cách để tăng khả năng tiếp vốn cho DN bằng nhiều giải pháp: phân loại khách hàng để đưa ra các gói tín dụng phù hợp, có gói lãi suất cho vay VND ưu đãi, trung bình chỉ 8,5%/năm. Với DN xuất khẩu quy mô lớn, lãi suất cho vay bằng USD bình quân là 3,6%/năm...

Hay như tại Agribank, Phó tổng giám đốc Nguyễn Tiến Đông cho biết, Agribank cho vay ngắn hạn đối với DN tốt là 8 – 10%/năm; trung, dài hạn 11 – 13%/năm. Mặc dù đã có nhiều gói lãi suất cho vay thấp như vậy, nhưng mấy tháng qua tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng vẫn thấp. Tính đến hết tháng 4, tín dụng toàn hệ thống tăng 2,14%.

Có ý kiến cho rằng, NHNN phải giảm lãi suất cứu DN sớm, khi họ còn có khả năng hồi phục. Đến thời điểm này khi mà họ không còn chịu đựng được nữa thì việc giảm lãi suất không mấy tác động.

Quan điểm này, chuyên gia ngân hàng Đào Văn Hùng lý giải: gốc vấn đề là kỳ vọng lạm phát. Lãi suất chỉ có thể giảm được khi kỳ vọng về lạm phát giảm. “Tôi cho rằng việc cắt giảm lãi suất thời gian qua của NHNN dựa vào chỉ số CPI là bước đi chắc chắn, bền vững. Về lý thuyết, có thể giảm lãi suất trước CPI nhưng sẽ không bền vững. Bởi làm như vậy dân chúng sẽ rút tiền ngân hàng và sẽ tạo áp lực mới về lạm phát”, ông Hùng nhận định.

Đồng quan điểm, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, đúng là lãi suất giảm được bao nhiêu đỡ được DN bấy nhiêu. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là giảm lãi suất sẽ cứu được DN. “Dường như trách nhiệm cứu DN và nền kinh tế chỉ đang dồn về phía NHNN”, ông Ánh đặt vấn đề. Trong khi, nguyên nhân sâu xa khiến DN gặp khó khăn theo các chuyên gia là do tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh. Như vậy, nếu chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ (CSTT) để cứu DN thì khó có thể đạt được.

“Hơn thế, bất cứ chính sách nào cũng cần có độ trễ. Với mặt bằng lãi suất hiện nay, ít nhất 4 – 6 tháng nữa mới có chuyển biến tích cực. Nếu sốt ruột quá đôi khi sẽ làm méo mó chính sách cũng như thể hiện sự không nhất quán trong điều hành chính sách của cơ quan quản lý”, ông Hùng lo ngại.

Chính sách tiền tệ chịu áp lực quá lớn

Vậy thời điểm này lãi suất có phải là điểm nghẽn của tín dụng không? Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) Nguyễn Viết Mạnh cho hay, việc kiềm chế lạm phát ở mức thấp đã giúp lãi suất giảm nhanh hơn kỳ vọng. Với lãi suất thấp hiện nay tại sao tín dụng vẫn khó tăng trưởng, trong khi trước đây, mặt bằng lãi suất cao hơn nhiều vẫn tăng trưởng tốt.

Khảo sát mới đây của VCCI phần nào trả lời nghịch lý này. Đó là 73% DN cho rằng họ khó vay vốn không phải vì lãi suất hay ngân hàng nữa, mà là hàng tồn kho. Cầu thị trường suy giảm, thậm chí đình trệ. Báo cáo này còn cho biết, lòng tin trên thị trường giảm sút khiến các DN nghi ngại nhau trong kinh doanh. Trước đây họ có thể “bán chịu“ cho nhau, nhưng giờ “tiền trao cháo múc”. Chính vì vậy, nếu chỉ tập trung vào CSTT mà cụ thể là công cụ lãi suất khó tìm lối thoát cho nền kinh tế.

TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng, gốc rễ vấn đề là giải quyết sức khỏe nền kinh tế qua tăng tổng cầu, cải thiện sức mua, giải phóng hàng tồn kho... Bên cạnh đó, vấn đề nợ xấu cần phải giải quyết triệt để bằng nhiều cách chứ không chỉ trông chờ vào VAMC.

“Tôi cho rằng cần thể hiện rõ vai trò của Chính phủ qua việc xem xét lại hai vấn đề: bội chi ngân sách và nợ công”, ông Hùng đặt vấn đề và phân tích: trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, nếu vẫn giới hạn bội chi là hơi cứng nhắc, nên có những thảo luận để nới lỏng hơn bội chi ngân sách, gia tăng tổng cầu cho nền kinh tế.

Thực tế hiện nay gần như các nước trên thế giới đang xem xét lại trần nợ công. Vì vậy chúng tôi cho rằng Quốc hội và Chính phủ nên xem lại quan điểm về nợ công. Trong lúc nền kinh tế suy giảm, không có giải pháp nào nhanh chóng hơn bằng gia tăng đầu tư công. Việc gia tăng chi tiêu của Chính phủ hiệu quả, góp phần tích cực tăng trưởng kinh tế. Lúc đó, nhu cầu tín dụng mới gia tăng. “Đây có thể coi là chu kỳ hai của giải pháp thúc đẩy kinh tế”, ông Hùng lưu ý.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó chủ tịch LienVietPostBank, Nguyễn Đức Hưởng mạnh dạn đề xuất: Quốc hội nên tăng chỉ tiêu lạm phát lên 7 - 8%. Bởi lạm phát không đáng sợ bằng sự suy giảm của nền kinh tế, sự kiệt quệ của các DN. Và giải pháp kích cầu, theo TS. Hưởng, là tăng đầu tư vào các công trình trọng điểm của đất nước, hiện đang thiếu vốn. Qua đó giúp tạo hiệu ứng cho nhiều ngành, dịch vụ xoay quanh, cũng như thâm dụng lao động để tạo công ăn việc làm…

Không quá lo lắng về các chỉ số cơ bản của nền kinh tế nhưng TS.Trịnh Quang Anh lại đang băn khoăn về việc NHNN chịu sức ép thái quá. Trong thời gian vừa qua, NHNN sử dụng linh hoạt, thận trọng công cụ CSTT, kiểm soát cung tiền, không gây sức ép lên lạm phát. NHNN hoàn thành xuất sắc hai mục tiêu là kiềm chế lạm phát, và nỗ lực giảm lãi suất hỗ trợ DN. “Nhưng cũng như con người không thể chạy nhanh bằng một chân. Và CSTT giải quyết những vấn đề ngắn hạn, còn trung dài hạn phải kết hợp tổng thể chính sách vĩ mô”, ông Anh lưu ý.

Mặt khác, nếu quan sát CPI thì có thể thấy nó đang trong chiều hướng “ru ngủ” khi mà nhóm lương thực, thực phẩm đang giảm. Tổng cầu thấp nhưng thực tế lạm phát lõi vẫn cao và rủi ro tiền tệ là hiện hữu. Chính vì vậy, không nên quá tạo áp lực lên CSTT mà thay vào đó NHNN nên theo đuổi mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo thanh khoản, ổn định hệ thống.

Thanh Huyền

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Không thể chờ “phép màu” từ một mình chính sách tiền tệ (22/05/2013)

>   Sức mua cạn kiệt, chợ vắng đìu hiu (22/05/2013)

>   Kinh tế khó khăn: “Hãy làm gì đi chứ!” (22/05/2013)

>   Cần “liều thuốc“ mạnh để vực dậy nền kinh tế (22/05/2013)

>   CPI hai thành phố lớn tiếp tục giảm (21/05/2013)

>   Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp? (21/05/2013)

>   Giá tiêu dùng TpHCM giảm tháng thứ ba liên tiếp (20/05/2013)

>   GDP “dò dẫm” hướng đến mục tiêu (20/05/2013)

>   ‘GDP 2012 chỉ tăng 5,03% là không hợp lý’ (20/05/2013)

>   Chưa nên áp dụng chính sách “lạm phát mục tiêu” (20/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật