Cần “liều thuốc“ mạnh để vực dậy nền kinh tế
Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế… là những định hướng lớn của Chính phủ cho nền kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2013 này. Dù có rất nhiều khó khăn đang chờ phía trước, nhưng Chính phủ cũng như người dân đều đang rất quyết tâm...
Chính phủ tự “bắt bệnh”
Trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2012 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2013, bên cạnh những kết quả đạt được như đạt 11/15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012, bước đầu kiềm chế lạm phát, chính sách tiền tệ được điều hành chặt chẽ, linh hoạt….Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hạn chế đầu tiên cần phải kể đến là nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro gây lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô.
Chính phủ cũng thừa nhận tình trạng chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế triển khai chậm. Sản xuất công nghiệp còn chủ yếu tập trung vào sản phẩm gia công, giá trị gia tăng thấp. Tình trạng quá tải tại các bệnh viện trung ương và bệnh viện các thành phố lớn còn cao. Chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, hiệu lực của pháp luật và hiệu quả của bộ máy nhà nước chưa cao. Việc tổ chức triển khai chính sách thiếu đồng bộ.
Những khó khăn của nền kinh tế đã khiến cho đời sống của người dân, nhất là các đối tượng yếu thế, người nghèo, các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Nhiều lao động còn thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, người lao động ở khu vực phi chính thức tăng. Tai nạn giao thông có giảm nhưng còn ở mức cao. Tình trạng khiếu kiện, tội phạm, tệ nạn xã hội, tham nhũng còn diễn biến phức tạp.
Mặc dù đã rất nỗ lực và triển khai nhiều giải pháp mạnh nhưng trong những tháng đầu năm 2013, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo báo cáo của Chính phủ, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể và phá sản vẫn ở mức cao. Tiến độ thu ngân sách Nhà nước chậm hơn cùng kỳ các năm trước; giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đạt thấp. Số vụ tai nạn giao thông và số người chết tăng so với cùng kỳ năm 2012.
Việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động vẫn gặp nhiều khó khăn. Chậm cụ thể hóa các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Cần “liều thuốc” mạnh
Mặc dù ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế, xã hội nhưng tại báo cáo thẩm tra về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: “Đa số ý kiến cho rằng các nỗ lực thực hiện các giải pháp về chính sách và điều hành thời gian qua, những kết quả tích cực đạt được bước đầu vẫn chưa thể chuyển được xu thế khó khăn và đạt tăng trưởng kinh tế năm 2013 như mục tiêu đề ra. Trong khi đó, tái cơ cấu nền kinh tế chưa có những chuyển biến cụ thể, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng chưa có một chương trình toàn diện theo ngành, vùng, lĩnh vực và đơn vị”.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Ủy ban Kinh tế khẳng định, việc triển khai thực hiện chưa có tiêu chí phân loại theo ngành nghề, lĩnh vực hoặc theo các nhóm để có giải pháp tái cấu trúc đối với từng nhóm mà thực hiện ở từng doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính, chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các DNNN.
Vì vậy, chưa tạo ra động lực và áp lực để buộc các DNNN đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ quản trị, tính cạnh tranh, tính hiệu quả và phát triển bền vững. Đồng thời chưa ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ các DN thực hiện tái cơ cấu, nhất là vấn đề xử lý các khoản lỗ, dôi dư cán bộ, người lao động.
Về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, một số ý kiến cho rằng các ngân hàng đã triển khai có kết quả bước đầu tái cơ cấu theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng cần minh bạch thông tin đối với các ngân hàng, kể cả các ngân hàng thương mại hoạt động lành mạnh và các ngân hàng thương mại hoạt động yếu kém. Mục đích là để minh chứng đã triển khai đúng hướng và không bị chi phối bởi nhóm lợi ích nhằm tăng lòng tin thị trường và xã hội.
Về việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, một số ý kiến đánh giá cao việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro giải quyết nợ xấu và đảm bảo mục tiêu an toàn tiền gửi cho người gửi tiền.
Đối với việc điều hành thị trường vàng, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khẳng định: ‘Còn nhiều luồng ý kiến khác nhau khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới còn chênh lệch ở mức cao, chưa đảm bảo giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế như Nghị quyết của Quốc hội”.
Bên cạnh đó: Số liệu nợ xấu thông tin ra công chúng có lúc thiếu nhất quán cũng tạo hoài nghi, tác động tâm lý xã hội, thị trường”.
Từ tình hình trên, Ủy ban Kinh tế cho rằng nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là hết sức nặng nề. Vấn đề đặt ra là phải xử lý hài hòa và đảm bảo thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.
”Liều thuốc” mà Ủy ban Kinh tế gợi ý cho những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, xã hội bao gồm nhiều giải pháp, trong đó giải pháp hàng đầu là ”Triển khai nhanh và đồng bộ các chính sách trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ, có các phương án tháo gỡ khó khăn cụ thể đối với doanh nghiệp”.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại tổng thể các dự án đầu tư công, đánh giá việc cắt giảm, dừng thi công để có điều chỉnh hợp lý. Đồng thời, Chính phủ cần ”Thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách thu NSNN, tránh giảm thu quá lớn”.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ của bộ máy chính quyền các cấp; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết các vấn đề bức xúc xã hội. Một giải pháp khác cũng được đề cập là cần tăng cường công tác phân tích, dự báo tình hình để có chủ trương, đối sách phù hợp, đặc biệt là các vấn đề biên giới, biển đảo, thực hiện các đề án, giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự tại các vùng chiến lược.
Quang Minh
Pháp luật việt nam
|