Thứ Năm, 23/05/2013 08:38

Bội chi để cứu nền kinh tế: Có thể kích thích lạm phát cao trở lại

Trả lời Tiền Phong về ý kiến đề xuất tăng bội chi cứu nền kinh tế trong ngắn hạn, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm cho rằng: “Tăng bội chi là cần thiết nhưng phải hết sức thận trọng, nếu không chặt chẽ có thể kích thích lạm phát cao trở lại”.

Ông Cao Sỹ Kiêm nói: Đây là một đề xuất cần được xem xét kỹ lưỡng. Tuy nhiên, chúng ta phải lấy kìm chế lạm phát là mục tiêu chung, kiên trì giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng chúng ta nới bội chi ngân sách để giải quyết khó khăn cho DN cũng là yếu tố cần thiết, có thể dùng ngân sách bố trí được.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm

Vấn đề là cái tăng ấy vào đâu, địa chỉ nào? Nếu tăng vào chỗ tạo công ăn việc làm, tạo sức mua, tạo thu nhập, làm cho DN thoát khó khăn, có sức kích thích lan toả, hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế thì rất tốt.

Còn nếu chỉ nói tăng bội chi ngân sách một cách đơn giản, không quản lý chặt chẽ, không có chế tài cụ thể thì nó lại rơi vào cái chỗ gây ra rủi ro, không góp phần tăng trưởng. Thậm chí, nó có thể kích thích lạm phát cao trở lại, đây là vấn đề rất lớn, phải rất thận trọng.

Vậy theo ông, trong lúc này, cần phải làm gì để cứu nền kinh tế?

Trước mắt, cần phải giải quyết những khó khăn đang làm ách tắc toàn bộ nền kinh tế như: Khai thông đầu ra, tăng sức mua để giải tỏa hàng tồn kho; xử lý nợ xấu để giúp DN tiếp cận được vốn vay và ngân hàng cho vay lại và cứu thị trường bất động sản.

Như vậy, phải làm cho tổng cầu tăng lên bằng cách hạ chi phí giá thành, mở ra các thị trường mới, nhất là khu vực nông thôn, đưa nhanh chính sách nhà ở xã hội vào cuộc sống. Nợ xấu phải xử lý quyết liệt hơn. Giai đoạn đầu phải cơ cấu lại nợ bằng cách chuyển toàn bộ nợ xấu của các ngân hàng, DN sang công ty mua bán nợ, để làm lành mạnh bảng cân đối tài chính của các DN và ngân hàng.

Có như vậy, ngân hàng mới cho DN vay lại. Về lâu dài, phải thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế. Hiện đề án đã có rồi, phải khẩn trương thực hiện các đề án thành phần cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; cơ cấu lại đầu tư. Điều quan trọng là chúng ta phải có quy chế, cơ chế, có địa chỉ và lộ trình rõ ràng. Tái cơ cấu đồng thời với thay đổi mô hình tăng trưởng, tăng năng suất, chất lượng, phát triển bền vững.

Cùng đó, thể chế, cơ chế phải thay đổi theo cơ chế thị trường để giải quyết những ách tắc hiện nay cũng như lâu dài. Làm những cái đó không tốn kém, chỉ cần trí tuệ và quyết tâm của chúng ta thôi. Có như vậy mới tháo gỡ được rào cản lâu nay, tạo lòng tin, tạo cơ hội để DN chớp thời cơ. Vì những rào cản đó tích tụ đã lâu, nên phải làm đồng bộ, có lộ trình, không thể sốt ruột được, không thể làm ào ạt mà giải quyết từng việc một.

Như ông nói, công ty mua bán nợ sẽ quản lý, phân loại và xử lý nợ xấu, vậy công ty này có sử dụng tiền ngân sách để mua bán nợ không?

Công ty này không sử dụng tiền để mua nợ. Bước đầu tiên, toàn bộ nợ xấu và tài sản thế chấp của các ngân hàng thương mại (thể hiện qua bảng cân đối) sẽ chuyển qua công ty để quản lý, chứ không phải mua bán gì cả. Họ sẽ phân loại, xử lý dần số nợ đó theo lộ trình (có thể mỗi năm xử lý bao nhiêu phần trăm), thanh lý dần số nợ đó với các ngân hàng.

Trước mắt, khi đã chuyển nợ xấu về công ty mua bán nợ, trong cân đối của các ngân hàng thương mại và DN sẽ loại nợ xấu ra, đảm bảo tiêu chuẩn vay. Lúc đó, DN có điều kiện vay và ngân hàng sẽ cho DN vay vốn trở lại, khơi thông dòng tiền. Như vậy mới có khả năng làm cho DN phục hồi, vươn lên khôi phục sản xuất.

Sau đó, Cty mua bán nợ sẽ phân loại tài sản thế chấp để bán, đấu giá, để xử lý nợ, nhưng đó là bước sau. Tinh thần chung là không thể có chuyện rót ngay tiền cho đơn vị này. Tất nhiên, để công ty hoạt động, có thể có một chút tiền làm vốn điều lệ để quay vòng thôi.

Phân tích yếu kém của nền kinh tế, có ý kiến cho rằng khó đổ lỗi cho một bộ, ngành nào, theo ông ngoài điều hành của Chính phủ có trách nhiệm của Quốc hội không?

Nói thế là rất chính xác, vì ở đây có trách nhiệm rất lớn của cả Quốc hội. Vì trong thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển, có cả điều hành của Chính phủ và có cả giám sát của Quốc hội. Vai trò của Quốc hội là giám sát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý, góp phần làm giảm vi phạm, yếu kém. Vừa qua Quốc hội cũng đã có giám sát, nhưng sửa chữa, khắc phục sau giám sát chưa được mạnh mẽ. Để kéo dài những yếu kém như thế cũng chứng tỏ hiệu lực của giám sát chưa rõ, chưa có kết quả.

Cảm ơn ông!

Nguyễn Tuấn

tiền phong

Các tin tức khác

>   Thu thuế từ ngân hàng giảm, vì sao? (22/05/2013)

>   Người thuê, mua nhà xã hội chỉ nộp 5% thuế VAT (21/05/2013)

>   Sửa Luật Thuế TNDN: Doanh nghiệp được lợi gì? (21/05/2013)

>   Thuế thu nhập doanh nghiệp giảm về 22% (21/05/2013)

>   Hơn 43.000 tỷ đồng giảm thuế cho doanh nghiệp (20/05/2013)

>   Nan giải chống thất thu thuế (20/05/2013)

>   Hàng trăm tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu có thể mất trắng (20/05/2013)

>   Một lít xăng đang cõng 4 loại thuế, 3 loại phí (20/05/2013)

>   Hỗ trợ thuế thế nào cho DN nào là hợp lý? (19/05/2013)

>   Ưu đãi thuế cho DN xây nhà xã hội: Người mua nhà sẽ dễ chịu hơn (18/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật