Thu thuế từ ngân hàng giảm, vì sao?
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, do chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra trong thời gian qua quá thấp cộng thêm nợ xấu tăng cao nên các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, dẫn đến lợi nhuận sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến thực hiện thuế thu nhập DN.
Kinh doanh khó khăn
Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ về thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu tại TP. Hồ Chí Minh sau 3 tháng đầu năm 2013, nguồn thu ngân sách sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
Nhiều ngân hàng chia sẻ khó khăn với DN, khiến ảnh hưởng đến nguồn thu, không tạo ra thuế
|
Bà Trần Thị Lệ Nga, Cục phó Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong một số ngành có số thu ngân sách giảm trong 3 tháng đầu năm 2013, nổi lên khu vực ngân hàng có số thu bị giảm mạnh nhất là 55,45% so với cùng kỳ năm 2012. Nhiều ngân hàng lớn trên địa thành phố bị sụt giảm mạnh như Eximbank trong quý I/2013 chỉ nộp thuế được 53 tỷ đồng, giảm 84,76%, Sacombank nộp thuế được khoảng 60 tỷ đồng, giảm 61,01%; ACB chỉ nộp được 6 tỷ đồng giảm 97,92% so với cùng kỳ năm 2012….
Nguyên nhân sụt giảm nguồn thu ngân sách được các ngân hàng lý giải do sự đình trệ của sản xuất kinh doanh đã không thúc đẩy được tăng trưởng tín dụng trong khi các ngân hàng phải trả một khoản lãi cho số một lượng lớn vốn tiết kiệm của xã hội kéo hiệu quả của các ngân hàng giảm theo. Chưa kể mặt bằng lãi suất liên tục giảm khiến chênh lệch lãi biên ngày càng thu hẹp.
Tổng giám đốc một ngân hàng quy mô nhỏ ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, lãi suất giảm quá nhanh, đã tác động mạnh đến hiệu quả hoạt động chung của các ngân hàng. Trong khi các ngân hàng lại phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho các khoản mục vay. Theo đó, sau khi lấy doanh số trừ đi các chi phí hiệu quả kinh doanh của ngân hàng đã giảm mạnh nên không tạo ra lợi nhuận ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
Tổng giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn cho biết, tăng trưởng tín dụng quý I của ngân hàng này đạt khoảng hơn 1%, nhưng chỉ đủ bù đắp vào chi trả cho khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh vàng và chi trả tiết kiệm cho người dân.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng cho biết, do chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra trong thời gian qua quá thấp cộng thêm nợ xấu tăng cao nên các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, dẫn đến lợi nhuận sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến thực hiện thuế thu nhập DN.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ngoại tệ và vàng những tháng qua gần như không có phát sinh doanh thu do sức cầu không lớn, các ngân hàng chủ yếu mua vàng vào chi trả cho người gửi vàng và tất toán trạng thái vàng theo đúng hạn định 30/6/2013.
Lãnh đạo một ngân hàng có thế mạnh ngoại hối cho biết, trung bình mỗi lượng vàng trúng thầu ngân hàng chỉ có lợi nhuận 100.000 đồng, tuy nhiên các ngân hàng mua vàng trong các phiên đấu thầu không vì mục tiêu kinh doanh chênh lệch giá mà phục vụ cho việc tất toán trạng thái vào ngày 30/6 tới, nên lợi nhuận từ kinh doanh vàng hầu như không có.
Ngân hàng “ngoại” hiệu quả hơn
Nguồn thu ngân sách trong những tháng đầu năm 2013 chủ yếu dựa vào thu lệ phí trước bạ và phí lệ phí, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, ví như TP. Hồ Chí Minh nguồn thu này có mức tăng lần lượt: 7,7%, 153,31%, 353,89% so với cùng thời điểm 3 tháng đầu năm 2012.
“Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, việc các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất chia sẻ với nền kinh tế đã ảnh hưởng đến nguồn thu, không tạo ra doanh số và phát sinh lợi nhuận, không tạo ra thuế thu nhập DN là một bước chia sẻ quan trọng với thị trường” – một chuyên gia ngành thuế nói.
Giới chức ngành thuế tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngay cả các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn thời gian qua cũng bị vướng vào nợ xấu, có ngân hàng tỷ lệ nợ xấu đến hết quý I/2013 đã lên đến hơn 3%, nhưng mức độ sụt giảm nguồn thu ngân sách ở khối ngân hàng này không nhiều như các ngân hàng trong nước.
Điển hình như HSBC trong quý I/2013 vẫn nộp ngân sách 272 tỷ đồng, tăng đến 30,77% so với cùng kỳ năm 2012. Một số định chế tài chính nước ngoài hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh cũng có số nộp ngân sách trong 3 tháng đầu năm 2013 tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong một phát biểu mới đây của ANZ tại Việt Nam với Thời báo Ngân hàng, trong 3 tháng đầu năm 2013 dư nợ cho vay trong lĩnh vực bán lẻ của ngân hàng này tăng đến 36% so với cùng kỳ năm 2012. Đại diện ANZ cho biết, mặc dù sức mua trên thị trường giảm mạnh, nhưng các giá trị gia tăng từ dịch vụ tài chính trên chính những khoản cho vay của ngân hàng này đã tạo ra hiệu quả hoạt động trong thời gian qua.
Dù rằng thị trường cho vay tiêu dùng vẫn còn những khó khăn nhất định, tuy nhiên nếu chỉ dựa thuần vào doanh số cho vay để tìm kiếm lợi nhuận trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay sẽ rất khó để có hiệu quả kinh doanh.
Hơn thế, thực tế không phải ngân hàng nào cũng có lợi thế kinh doanh dịch vụ, nhất là trong một mặt bằng chung các ngân hàng trong nước nguồn thu từ hoạt động cho vay vẫn chiếm đến 60-70% lợi nhuận ngân hàng.
Theo một chuyên gia tài chính, trong bối cảnh sức mua thị trường yếu và DN không mạnh dạn đầu tư như hiện nay, cũng là cơ hội cho các ngân hàng trong nước tự cơ cấu lại hoạt động kinh doanh theo hướng tăng thêm nguồn thu từ dịch vụ. Bên cạnh đó, để đẩy tăng tín dụng trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng cũng nên thay đổi tư duy, đừng quá phụ thuộc vào tài sản đảm bảo mà cần phải nhìn vào khả năng trả nợ và hiệu quả của món vay.
Phạm Hà Nguyên
Thời báo ngân hàng
|