Hỗ trợ thuế thế nào cho DN nào là hợp lý?
Những doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 200 người và doanh thu hàng năm đạt 20 tỷ đồng sẽ được áp dung thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 20%. Đây được đánh giá là chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên thực tế cũng đặt ra nhiều vấn đề: Có nên phân biệt giữa loại hình doanh nghiệp (DN) để hỗ trợ hoặc quy định cứng về doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ gây khó khăn cho quá trình thực thi chính sách cũng như tạo sự công bằng cho các loại hình doanh nghiệp.
Theo chính sách thuế thu nhập DN dự kiến áp dụng từ 1/7/2013, Công ty Bánh đậu xanh Rồng Vàng Minh Ngọc sẽ được hưởng mức thuế 20%. Đại diện công ty cho rằng, đây là mức thuế hợp lý để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất trong thời điểm hiện nay.
Ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Giám đốc Công ty Bánh đậu xanh Rồng Vàng Minh Ngọc nói: “Giảm thuế thu nhập đã giúp DN có thêm vốn để đầu tư, phát triển sản xuất”.
Dự kiến, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 14.000 tỷ đồng, nhưng sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp được hưởng lợi khi áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp mới. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, không nên "cứng" hóa quy định: Chỉ doanh nghiệp có số lao động dưới 200 người và doanh thu 20 tỷ/năm, mới được hưởng ưu đãi thuế.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng: “DN Việt Nam đang được áp dụng mức thuế 20%, nhưng nếu người ta tăng thêm 1 người hoặc doanh thu quá 20 tỷ/năm lại không được. Vì thế theo tôi cần phải tính toán cụ thể hơn”.
Ở một góc độ khác, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc phân loại DN vừa và nhỏ không chặt chẽ có thể sẽ tạo ra những trào lưu hình thành DN nhỏ để thụ hưởng ưu đãi thuế. Điều này đi ngược hoàn toàn với xu thế phát triển kinh tế chung, đó là sát nhập để tạo thành những DN lớn hơn, có sức cạnh tranh mạnh.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội kiến nghị: “Có khi họ xé nhỏ để thụ hưởng chính sách thuế, theo tôi nên công bằng một mức thuế cho các DN trong thời điểm khó khăn”.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2013, đã có hơn 16.000 DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, tăng gần 17% so với năm 2012. Con số đó cho thấy, vẫn còn nhiều khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Theo nhiều DN, hiện thuế suất và lãi suất ngân hàng của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn cao, chưa kể nhiều yếu tố không tên khác làm tăng chi phí.
Đặng Tú
VTC
|