Bội chi ngân sách năm 2013 khoảng 4% GDP
Đó là nhận định của Tiến sĩ Sanjay Kalra, đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, phát biểu tại cuộc tọa đàm do Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội tổ chức ngày 10-5 ở Hà Nội.
Theo ông Sanjay Kalra, bức tranh tổng thể về thu chi ngân sách nhà nước của Việt Nam năm 2013 khá tương đồng với năm 2012. Khoản thâm hụt ngân sách ước khoảng 4% GDP, dưới mức trần đã được Quốc hội thông qua (4,8%). Rủi ro khủng hoảng nợ công là thấp song việc đẩy mạnh tiến trình cải cách kinh tế chắc chắn sẽ cần tới những khoản chi phí không nhỏ (như chi phí để mua lại các ngân hàng yếu kém, chi trả cho người lao động mất việc, chi trả các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh, nay không có khả năng thanh toán...). Chi phí này chưa được dự phòng trong cân đối ngân sách.
Thông tin tại cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách (Văn phòng Quốc hội) cho biết, trong 4 tháng đầu năm nay, tăng trưởng GDP cao hơn; trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012. Gần 60% doanh nghiệp ngừng hoạt động năm 2012 đã quay trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, số thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm chỉ bằng 29,9% dự toán, với số thu nội địa và số thu hải quan đều giảm; báo hiệu một năm khó khăn trong thực hiện kế hoạch thu. Trước khả năng hụt thu ngân sách nhà nước, bên cạnh các giải pháp chống thất thu, nợ đọng, mở rộng nguồn thu..., cơ quan chức năng cần quán triệt yêu cầu triệt để tiết kiệm, không ban hành chế độ chính sách mới làm tăng chi; hạn chế việc cho chuyển nguồn vốn đầu tư và hạn chế tối đa chuyển nguồn các nhiệm vụ chi thường xuyên khác... Việc hoàn thiện chính sách, sớm thực thi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức chung 23%; điều chỉnh thuế giá trị gia tăng có thể làm giảm nguồn thu trước mắt nhưng sẽ giúp gia tăng nguồn thu một cách bền vững trong trung hạn.
Anh Thư
sài gòn giải phóng
|