Giảm thuế suất bằng… minh bạch
Nhiều ý kiến trong cộng đồng doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý vẫn còn khá băn khoăn trước một số nội dung của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Các chuyên gia cho rằng phải làm rõ nhiều khái niệm để tránh việc thuế suất thu nhập doanh nghiệp (TNDN) chỉ mang tính “danh nghĩa”.
Làm rõ chi phí
Ông Mai Thanh Tòng, Phó Chủ tịch Hội Kế toán TP.HCM, cho rằng thời gian qua tuy quy định thuế suất 25% nhưng thực tế DN vẫn phải chịu thuế suất cao hơn nhiều. Ví dụ DN A tính phần thu nhập thực tế còn lại sau khi trừ chi phí là 100 triệu đồng, như vậy thuế phải đóng là 25 triệu đồng. Khi DN khai thuế, cơ quan thuế không chấp nhận một số khoản chi, cho rằng chi phí không hợp lý và tính phần thu nhập chịu thuế lên đến 140 triệu đồng, với thuế suất 25% thì tiền thuế phải nộp là 35 triệu đồng. Xét thực tế, DN chỉ lời 100 triệu đồng thì tiền thuế 35 triệu đồng tương đương thuế suất đến 35% chứ không phải 25%.
Ông Tòng cũng góp ý Luật Thuế TNDN cần làm rõ các khoản chi phí mà DN được trừ, đừng để tình trạng cán bộ thuế “làm luật”. Khoản chi của DN thì nhiều nhưng không được trừ bao nhiêu đã khiến thuế suất trong luật trở thành “thuế suất danh nghĩa”.
Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM
|
Ông ví dụ có quy định chi phí phải “liên quan đến sản xuất, kinh doanh”. Dịp Trung thu hằng năm DN đều cần mua bánh Trung thu biếu tặng đối tác. Đương nhiên không phải đối tác nào cũng được tặng. Việc DN quyết định tặng cho ai là việc có “liên quan đến sản xuất, kinh doanh” nhưng cơ quan thuế bác bỏ khoản chi này. Còn nữa, vào dịp tết, DN chi vài triệu hay vài chục triệu đồng mua cây mai, cây đào chưng làm đẹp, gây ấn tượng thu hút khách hàng đến cửa hàng mình mua sắm, cũng đương nhiên có liên quan đến việc kinh doanh nhưng cơ quan thuế cũng luôn luôn bác bỏ!
TS Trần Du Lịch cho rằng thuế suất thuế TNDN còn mang nặng tính “danh nghĩa”. Bởi lẽ tuy quy định mức thuế nhưng thực chất DN luôn phải đóng cao hơn do nhiều chi phí mà họ chi ra không được cơ quan thuế chấp nhận là chi phí hợp lý, vì vậy mà thu nhập chịu thuế cao hơn thu nhập thực mà DN có, dẫn đến thuế cao. Cũng vì chuyện chấp nhận hay không chấp nhận tính hợp lý của các khoản chi phí mà DN phải tìm cách lách. Ví dụ, chi phí đi du lịch thì không được xem là hợp lý và không được trừ nhưng chi phí tổ chức hội thảo thì được chấp nhận. DN tìm cách tổ chức hội thảo ở điểm du lịch, chỉ hội thảo một buổi, còn lại là đi chơi không, thế nhưng được chấp nhận!
Không để hiểu nhiều cách
Nhiều quy định, khái niệm trong hai luật trên không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Đặc biệt trong lĩnh vực thuế, DN thường xuyên bị áp đặt vào cách hiểu phải nộp nhiều thuế hơn. Làm rõ các quy định này sẽ giúp DN bớt ấm ức khi nộp thuế.
Ông Tòng đưa ra ví dụ về quy định áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) 0% nếu “nơi tiêu thụ dịch vụ” ở nước ngoài. Theo đó, một DN Việt Nam ký hợp đồng tư vấn cho một công ty ở nước ngoài, văn bản tư vấn cũng chuyển ra nước ngoài, DN tự định thuế suất GTGT tăng 0%. Thế nhưng cơ quan thuế cho rằng DN nước ngoài kia nhờ tư vấn về thị trường Việt Nam thì họ sẽ “tiêu thụ” kết quả tư vấn đó ở thị trường Việt Nam, nên áp thuế suất GTGT là 10%.
Ngay cả cơ quan thuế cũng lúng túng trước những quy định có thể hiểu nhiều cách. Cục Thuế TP.HCM, khi góp ý cho hai dự thảo luật trên, cũng thẳng thắn thừa nhận sự lúng túng. Ví dụ hàng quá hạn sử dụng phải bỏ đi có được xem là một dạng tổn thất như “trường hợp bất khả kháng khác” hay không? Nếu xem là bất khả kháng thì DN mới được tính vào chi phí hợp lý. Thế nhưng không có quy định làm rõ “bất khả kháng khác” nên cơ quan thuế cũng “sợ” và không cho DN đưa vào chi phí hợp lý. Hoặc như việc sửa đổi quy định về chuyển lỗ, cho phép DN có lỗ thì có thể chuyển sau khi bù trừ. Nghe “lỗ” thì rất đơn giản nhưng khi đụng vào hồ sơ chứng từ thì mới vướng mắc “lỗ” là thế nào, tình trạng thế nào thì được xem là “lỗ”. Chính cơ quan thuế cũng “đụng” nhau trong việc xác định khoản lỗ này.
Ngay cả các khái niệm về ngành, nghề kinh doanh cũng gây lúng túng. Ví dụ, trong quy định ưu đãi thuế thì ngành “sản xuất sản phẩm phần mềm” là ngành như thế nào, “phát triển sản phẩm phần mềm” là thế nào, có phải cũng là “sản xuất sản phẩm phần mềm” hay không, “chế biến lâm sản” là như thế nào? Cục Thuế TP.HCM cho rằng việc ưu đãi thuế có liên quan đến dự án đầu tư, chi bằng khi luật thuế cho hưởng ưu đãi thì nên dùng các khái niệm về ngành, nghề theo đúng hệ thống ngành kinh tế để khỏi lấn cấn với nhau. Không làm rõ, có lấn cấn thì cơ quan thuế sẽ không dám… mạo hiểm cho hưởng ưu đãi.
Không thu được gì khi doanh thu dưới 1 tỉ đồng/năm
Thực tế quản lý thuế cho thấy phần lớn DN có mức doanh thu dưới 1 tỉ đồng/năm không có đóng góp về thuế, cơ quan thuế không thu được đồng thuế nào từ các DN này, ngược lại còn phải hoàn thuế GTGT cho DN. Vì vậy Cục Thuế TP.HCM góp ý cân nhắc lại chính sách tính thuế GTGT đối với DN có doanh thu dưới 1 tỉ đồng/năm.
|
Quỳnh Như
Pháp luật tp
|