Dày đặc quan ngại trong báo cáo về ngân sách
Hiếm có bản báo cáo nào mà mức độ xuất hiện những câu chữ thể hiện sự khó khăn, quan ngại về thu ngân sách lại dày đặc như vậy.
Hoàn thành ngày 18/4, báo cáo đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2012 và tình hình triển khai thực hiện dự toán năm 2013 của Bộ Tài chính vừa được Ủy ban Tài chính – Ngân sách tiến hành thẩm tra tại phiên họp toàn thể ngày 22/4.
Kết quả thu quý 1/2013 bằng 20,6% dự toán (ước đạt 167.710 tỷ đồng), chi bằng 22,3% dự toán (218.385 tỷ đồng) được báo cáo lưu ý là “cho thấy tình hình rất khó khăn”. Các con số chỉ từ 20% đến 23% dự toán của hầu hết các địa bàn trọng điểm thu như Hà Nội (20%), Tp.HCM (21%), Đồng Nai (23%)... càng cho thấy các mảng màu xám đang chiếm ưu thế ở bức tranh ngân sách.
Đáng chú ý, tiến độ thu ngân sách ở cả lĩnh vực thu nội địa và thu xuất nhập khẩu đều đạt rất thấp so với yêu cầu dự toán.
Cụ thể, theo dự toán, bình quân thu nội địa phải đạt 45.460 tỷ đồng/tháng, song thực hiện chỉ đạt 38.000 tỷ đồng/ tháng. Còn bình quân thu xuất nhập khẩu chỉ đạt 13.720 tỷ đồng/tháng, trong khi yêu cầu là 19.800 tỷ đồng/tháng.
Quan ngại càng lớn hơn khi kết quả khảo sát tại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty và địa phương trọng điểm thu cho thấy khả năng giảm thu năm 2013 là khá lớn. Con số được báo cáo dẫn sau nhận định đáng lưu ý này là về thu nội địa năm 2013 riêng Hà Nội dự kiến hụt thu khoảng 45.300 tỷ đồng, Tp.HCM hụt thu khoảng 14.100 tỷ đồng so với dự toán.
Còn về thu xuất nhập khẩu của năm nay, chỉ tính riêng ba cục hải quan Hà Nội, Tp.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu hụt thu khoảng 15.800 tỷ đồng so với dự toán.
Trong những giải pháp chủ yếu để hoàn thành cao nhất nhiệm vụ ngân sách nhà nước 2013, Bộ Tài chính cho biết sẽ điều chỉnh kịp thời thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu theo diễn biến giá thị trường, ưu tiên giữ thuế nhập khẩu để bảo đảm thu ngân sách.
Bên cạnh đó, thuế xuất khẩu một số mặt hàng được điều chỉnh tăng hợp lý, như khoáng sản tồn kho (tinh quặng sắt, apatit, ilmenite…), vàng và đồ trang sức. Một số mặt hàng hiện có thuế suất thấp, trong khi trong nước đã sản xuất được như dây thép hàn, thép không hợp kim, Polyme từ propylene dạng nguyên sinh.. cũng sẽ được sửa đổi mức thuế suất.
Các bộ ngành, địa phương được yêu cầu cắt giảm hoặc lùi thời gian mua sắm trang thiết bị, xe ôtô, tiết giảm tối đa chi phí lễ hội khánh tiết, đi công tác trong và ngoài nước…
Cơ quan giữ “tay hòm chìa khóa” quốc gia cũng kiến nghị thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm, đến quý 3/2013 nếu tình hình ngân sách khả quan sẽ tiếp tục thực hiện chi theo dự toán.
Tính đến trường hợp thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết mà vẫn không đủ bù đắp, Bộ Tài chính thậm chí đã nhắc đến cả nguồn cải cách tiền lương còn dư khi yêu cầu các địa phương chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính để bảo đảm cân đối ngân sách.
Lo ngại sâu sắc về áp lực giảm thu ngân sách lên bội chi, nợ… một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng quan trọng hơn việc giảm thuế là các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Khi nợ xấu vẫn còn là mối lo lớn và việc tiếp cận vốn của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hết chông gai.
Trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới, báo cáo bổ sung của Chính phủ về ngân sách nhà nước năm 2012, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2013 sẽ được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 18, dự kiến sẽ diễn ra từ 14 – 17/5.
Nguyễn Lê
tbktvn
|