Phải nâng hiệu quả đầu tư công
Tổng số nợ công có thể lên tới xấp xỉ 95% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn 60% GDP
Trong các năm 2010-2011, mỗi năm Chính phủ đã vay hơn 110.000 tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu trong nước, tăng gấp đôi so với mức trung bình 56.000 tỉ đồng/năm trong giai đoạn 2007-2009. Tính riêng từ đầu năm đến ngày 15-3, tổng khối lượng trái phiếu đã phát hành thành công lên đến gần 43.000 tỉ đồng. Ông Nguyễn Trí Dũng, Quản đốc Quốc gia dự án chính sách kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động về vấn đề này.
* Phóng viên: Thưa ông, trong thời gian gần đây, Chính phủ phát hành trái phiếu tăng cao. Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã cảnh báo vấn đề an toàn của nợ công thông qua việc phát hành trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu địa phương, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
- Ông Nguyễn Trí Dũng: Tôi cho rằng việc phát hành trái phiếu ở các địa phương nếu trở thành phong trào thì có thể gây những tác động không như mong muốn. Đây là nguồn thúc đẩy đầu tư công ngắn hạn và có thể tác động tiêu cực đến chương trình tái cơ cấu đầu tư công trong trung và dài hạn. Ngoài ra, ngân sách ở Việt Nam vẫn là ngân sách lồng ghép, bao hàm cả ngân sách địa phương. Do đó, ngay cả khi theo quy định, các địa phương phát hành trái phiếu thì chịu trách nhiệm thanh toán lãi và gốc trái phiếu nhưng vì ngân sách địa phương vẫn là một cấp trong ngân sách Nhà nước nên khi địa phương không trả được nợ thì gánh nặng này sẽ đẩy sang cho ngân sách Nhà nước. Đó chính là rủi ro về nợ công.
Việc phát hành trái phiếu lấy vốn đầu tư công cũng góp phần đưa nợ công tăng cao. Trong ảnh: Thi công cầu Sài Gòn 2.
|
* Theo bản tin nợ công số 1, được Bộ Tài chính công bố tháng trước thì nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
- Mức nợ công tương đương 54,9% GDP của năm 2011 hiện tại là phù hợp với tiêu chuẩn an toàn về nợ theo thông lệ quốc tế. Nhưng phần quan trọng có thể làm tăng nhanh con số trên là nợ của doanh nghiệp Nhà nước, kể cả những doanh nghiệp Nhà nước sở hữu trên 50% vốn cũng như một số hạng mục khác cũng cần phải tính đến. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Nhà nước đứng trên bờ vực phá sản thì Chính phủ vẫn phải đứng ra hỗ trợ khi doanh nghiệp không thể trả nợ đúng hạn. Để bù đắp những khoản chi tiêu như vậy nếu có, Chính phủ sẽ buộc phải phát hành trái phiếu và nợ công của quốc gia sẽ tăng.
Hiện nay, nợ nước ngoài đang ở mức 41,5%, GDP năm 2011, là mức an toàn. Nhưng trong trường hợp tổng nợ nước ngoài vượt 50% GDP, nếu theo đuổi những dự án đầu tư quá lớn và tốn kém không đem lại hiệu quả kinh tế tương xứng, cộng thêm nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước thì lúc đó nợ công Việt Nam có thể lên tới 66,8%, xác suất xảy ra khủng hoảng là không nhỏ.
Hơn nữa, nếu xét đến các khoản nợ nước ngoài của doanh nghiệp Nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,6% GDP, nợ ngân hàng của khu vực doanh nghiệp Nhà nước gần 16,5% GDP, cộng với các khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của doanh nghiệp Nhà nước thì tổng số nợ công Việt Nam có thể lên tới xấp xỉ 95% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn 60% GDP.
* Trong tình hình đó, Việt Nam cần phải làm gì thưa ông?
- Tôi cho rằng phải đặc biệt quan tâm đến kỷ luật ngân sách. Bên cạnh những hệ lụy đối với bất ổn kinh tế vĩ mô, đầu tư công đang gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Siết chặt kỷ luật và nâng cao hiệu quả đầu tư công và chi tiêu công sẽ làm giảm quy mô chi ngân sách cần thiết để đạt các mục tiêu phát triển, qua đó giúp thâm hụt ngân sách và nợ công trở nên bền vững hơn, đặc biệt là trong bối cảnh những năm gần đây thâm hụt ngân sách liên tục đã kéo theo sự gia tăng nhanh của nợ công.
Hà Linh ghi
người lao động
|