Kinh tế khó khăn, tài khóa nan giải
Đúng là kinh tế dù có đôi chút phục hồi nhưng vẫn trong trạng thái đình trệ, còn hệ thống doanh nghiệp thì đang chao đảo khiến chính sách tài khoá cũng phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải, cả từ thu, chi đến thâm hụt ngân sách Nhà nước, nợ công.
Tại phiên họp báo thường kỳ quý I/2013, Bộ Tài chính vừa cho biết, ngân sách Nhà nước (NSNN) vẫn trong tình trạng thu giảm - chi tăng và thu đứng trước nguy cơ khó khăn hơn nhưng chi thì cũng nguy cơ “vượt”.
Theo dự toán NSNN năm 2013, tổng thu NSNN là 816.000 tỷ đồng, tổng chi là 978.000 tỷ đồng, bội chi 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% GDP.
Bộ Tài chính cho biết, 3 tháng đầu năm thu NSNN ước đạt 167.710 tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2012; chi NSNN khoảng 218.385 tỷ đồng, bằng 22,3% dự toán, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2012. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói: “Rõ ràng, thu ngân sách quý I là rất thấp so với các năm trước”.
Đúng là kinh tế dù có đôi chút phục hồi nhưng vẫn trong trạng thái đình trệ, còn hệ thống DN thì đang chao đảo khiến chính sách tài khoá cũng phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải, cả từ thu, chi đến thâm hụt NSNN, nợ công. Ngay việc thực hiện chính sách quản lý giá, bảo đảm sự ổn định của thị trường, giảm khó khăn cho DN cũng là một tác nhân ảnh hưởng tới phần thu của NSNN.
Cho dù đã có hơn một nửa số DN ngừng hoạt động quay trở lại thị trường, nhưng vẫn còn tới 7.000 DN dừng hoạt động và hơn 2.200 DN đã giải thể trong quý I/2013. Tình hình DN vẫn rất khó khăn.
Dù Bộ Tài chính không trực tiếp nói ra, nhưng rõ ràng DN khó khăn, ngừng hoạt động, giải thể nhiều khiến ngân sách hụt thu. Các khoản thu từ xuất nhập khẩu cũng chịu ảnh hưởng khá lớn khi cả xuất và nhập khẩu được dự báo tăng không nhiều, trong khi thu từ xuất nhập khẩu thường bằng 1/5 tổng thu NSNN.
Các khoản thu từ thuế giá trị gia tăng cũng bị đe dọa khi các giao dịch mua bán trao đổi được dự báo vẫn trầm lắng do tổng cầu đang quá yếu. Bên cạnh đó, là những lời kiến nghị từ nhiều nơi xin được miễn, giảm khoản thuế này. Với thị trường bất động sản vẫn đông cứng như hiện nay, các khoản thu từ đất chắc chắn bị ảnh hưởng lớn. “Bộ Tài chính phải hết sức quyết liệt để đạt mục tiêu dự toán thu ngân sách năm nay”, Thứ trưởng Mai phát biểu.
Triển vọng khó khăn của NSNN đã được xác định ngay từ năm 2012 khi lập dự toán cho năm nay. Nhưng với quan điểm chỉ đạo ngân sách năm 2013 là ổn định, tích cực hỗ trợ, gỡ khó cho DN, bảo đảm an sinh xã hội, nhiều giải pháp tài chính để gỡ khó và giảm chi phí kinh doanh cho DN đã được triển khai như giãn giảm thuế, điều chỉnh phí và lệ phí.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thuế thu nhập DN đã được trình với nội dung cơ bản là giảm thuế suất từ 25% xuống còn 23%, ưu tiên cho DNNVV được nộp theo thuế suất 20% từ tháng 7 năm nay.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), Nguyễn Văn Phụng cho biết, nếu dự thảo được thông qua, mỗi năm giảm thu khoảng 12.000 tỷ đồng; việc áp dụng thuế suất 20% với DNNVV sẽ giảm thu thêm 2.000 tỷ đồng. Như vậy, thu NSNN năm 2014 giảm khoảng 14.000 tỷ đồng.
Việc sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng dự kiến sẽ làm giảm thu NSNN năm 2014 khoảng 2.081 tỷ đồng.
Trong khi quy mô thu NSNN khó có thể duy trì ở mức như thời gian qua, áp lực tăng chi NSNN để thực hiện các chính sách an sinh xã hội đang có xu hướng mở rộng. Theo báo cáo của các địa phương, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong 3 tháng đầu năm 2013 là 2.540 tỷ đồng, bao gồm: 1.211 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1.085 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và hơn 244 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác.
“Nhìn chung, thu NSNN năm 2013 sẽ vẫn gặp khó khăn khi sự chậm lại của tốc độ tăng trưởng kinh tế không được bù đắp bởi tốc độ lạm phát tăng cao như mấy năm trước”, TS. Vũ Đình Ánh dự báo.
Linh Ly
thời báo ngân hàng
|