Thứ Tư, 10/04/2013 09:22

Góp ý dự thảo luật Thuế thu nhập doanh nghiệp

Doanh nghiệp: Xin đừng tận thu!

Hai vấn đề nóng nhất được đông đảo cộng đồng doanh nghiệp quan tâm trong lần sửa đổi luật Thuế thu nhập doanh nghiệp này là việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mức bao nhiêu và có nên khống chế chi phí dành cho quảng cáo, tiếp thị của doanh nghiệp hay không.

Chuyện khống chế tỷ lệ chi dành cho quảng cáo tiếp thị là chủ đề nóng được hầu hết các đại biểu đề nghị bãi bỏ

Có nên quản chi phí quảng cáo tiếp thị?

Công ty cổ phần sản phẩm sinh thái ECO là doanh nghiệp Việt sở hữu thương hiệu trà túi lọc Cozy hiện nay đang có thị phần tương đối lớn, nhất là ở hệ thống các quán càphê, quán trà. Trên thị trường bán lẻ, công ty này đang tiếp tục đầu tư để có thêm thị phần. “Để có được thị phần, tiếp cận được với khách hàng, chúng tôi phải liên tục chạy các chương trình khuyến mãi, bán hàng, đó là còn chưa kể tới các đối thủ trà túi lọc khác trên thị trường là doanh nghiệp nước ngoài chi rất mạnh tiền cho quảng cáo và họ bán hàng bằng quảng cáo, khuyến mãi”, ông Trần Xuân Thuỷ, giám đốc điều hành thương hiệu trà Cozy nói.

Chuyện khống chế tỷ lệ chi dành cho quảng cáo tiếp thị là chủ đề nóng được hầu hết các đại biểu đề nghị bãi bỏ

Hai lý do để một doanh nghiệp Việt không dám chi mạnh tiền cho quảng cáo, tiếp thị được ông Thuỷ lý giải là do doanh nghiệp không có nhiều tiền và chính họ bị khống chế tỷ lệ chi cho quảng cáo tiếp thị được quy định tại luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện thời. “Doanh nghiệp chỉ được phép chi 10% tổng chi phí dành cho quảng cáo tiếp thị là không hợp lý. Với tỷ lệ này khó có thể kiếm được khách hàng nên không ít doanh nghiệp phải tìm cách hợp thức hoá chi phí bằng các khoản chi khác”, ông Thuỷ cho biết.

Chuyện khống chế tỷ lệ chi dành cho quảng cáo tiếp thị là chủ đề nóng được hầu hết các đại biểu đề nghị bãi bỏ trong cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 9.4 tại Hà Nội. Ông Trần Đức Chính, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam cho rằng, việc đầu tư cho quảng cáo, khuyến mãi là đầu tư cho những tài sản vô hình của doanh nghiệp, doanh nghiệp muốn có thương hiệu thì phải đầu tư và thời gian đầu tư không thể nhanh chóng được. “Tự doanh nghiệp xác định họ cần đầu tư thế nào, đầu tư bao nhiêu phụ thuộc vào chiến lược của họ trong từng thời kỳ, Nhà nước không thể quyết thay việc này cho doanh nghiệp”, ông Chính nói.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp bán lẻ dùng từ “tận thu” để nói về việc khống chế chi phí dành cho quảng cáo tiếp thị của doanh nghiệp: “Nhà nước không nên có chính sách tận thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ việc khống chế chí phí quảng cáo, tiếp thị như vậy”. Thực tế, mức chi phí này được áp dụng chung cho các loại hình doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp nước ngoài với doanh số và chi phí lớn, họ có được một ngân sách lớn để tiếp cận khách hàng, trong khi đó doanh nghiệp Việt nhỏ, với tuổi đời sản phẩm chưa lâu, doanh số chưa lớn muốn có được thị trường lại không được phép đầu tư cho quảng cáo, khuyến mãi.

23% hay 20%?

Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được hầu hết các hiệp hội doanh nghiệp đề nghị là 20% thay vì 23% như dự thảo đưa ra. Ông Trần Bá Trung đại diện cho hiệp hội doanh nghiệp đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, việc lấy đi 1/4 lợi nhuận của doanh nghiệp tương đương với 25% thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm tưởng là quá nhỏ nhưng lại là quá nhiều, đây thực chất là một hình thức huy động nguồn lực của nhà đầu tư. Theo ông Trung, khi mức huy động nhiều thì doanh nghiệp sẽ phải tìm cách trốn thuế.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình với nhận định của ông Trung và kiến nghị Nhà nước nên để mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% thay vì 23% như dự thảo. Bà Minh Tâm, chánh văn phòng hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, cho rằng để mức thuế suất phổ thông này là 20% là hợp lý để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tích luỹ.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Trịnh Hải, phó chủ nhiệm uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, việc giảm thuế cho doanh nghiệp ở mức nào cũng phụ thuộc nhiều vào cân đối ngân sách nhà nước. “Cứ giảm 1% thuế thu nhập doanh nghiệp thì ngân sách nhà nước mất đi khoảng 6.000 tỉ đồng. Nếu giảm 5% thì sẽ mất đi 30.000 tỉ đồng, vậy ngân sách nhà nước phải tính xem có cân đối được không thì mới giảm”, ông Hải cho biết.

Ông Hải có gợi ý về một lộ trình giảm thuế cho doanh nghiệp. Theo đó, ở thời điểm này có thể giảm dần từng bước để đến 1.1.2016, các doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ để có chung mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%. Về việc chi phí cho quảng cáo, khuyến mãi ông Hải cũng cho rằng các doanh nghiệp nên đưa ra các luận cứ để xây dựng lộ trình tới lúc nào đó có thể bỏ việc không chế chi phí này. “Trong điều kiện như nước ta hiện nay, để thu được thuế thu nhập doanh nghiệp thì phải quản lý chặt các chi phí, nếu không quản lý chi phí của doanh nghiệp thì chẳng có giá trị gì”, ông Hải khẳng định.

Tây Giang

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Hai vướng mắc của thuế TNDN (10/04/2013)

>   Doanh nghiệp vẫn muốn hạ thuế thu nhập (09/04/2013)

>   Quốc hội tiếp tục cân nhắc việc giảm thuế cứu doanh nghiệp (09/04/2013)

>   Đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền phạt khó thu hồi (04/04/2013)

>   Đà Nẵng còn trên 4.000 tỷ đồng nợ thuế sử dụng đất (04/04/2013)

>   Xuất nhập khẩu tăng, thu ngân sách giảm (03/04/2013)

>   Những cảnh báo từ thu, chi ngân sách đầu 2013 (02/04/2013)

>   Kiến nghị giảm thuế TNDN còn 20% (02/04/2013)

>   Quý I thu NSNN đạt 167.710 tỷ đồng (02/04/2013)

>   Lệ phí trước bạ ôtô tại Hà Nội xuống 15% (31/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật