“Đau đầu” với sửa thuế thu nhập doanh nghiệp
“Công bằng mà nói, tăng thu ngân sách trong tương lai mới nằm trong kỳ vọng, còn giảm thu thì đã thấy ngay trước mắt, nên phải đau đầu cân nhắc”, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Phụng mở đầu hội thảo khoa học góp ý hoàn thiện pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, sáng 11/4 tại Hà Nội.
Một trong những lý do cần phải sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, theo ông Phụng là những bất cập của luật hiện hành đã khiến nhiều nguồn lực của đất nước rò rỉ vào túi cá nhân.
Được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới, dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ vừa giảm thuế suất vừa mở rộng diện chi phí được trừ, ông Phụng nhấn mạnh.
Được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới, dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ vừa giảm thuế suất vừa mở rộng diện chi phí được trừ
|
Việc giảm thuế suất phổ thông từ 25 xuống 23%, riêng doanh nghiệp vừa và nhỏ được áp dụng mức thuế suất 20% cũng là một trong những nội dung được thảo luận sôi nổi tại phiên họp tháng 3/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi Chính phủ chính thức trình dự án luật.
Cho rằng không thể tính toán đơn thuần là giảm bao nhiêu phần trăm thì mất đi bao nhiêu nghìn tỷ ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi quả quyết, nếu là bộ trưởng thì ông sẽ quyết ngay 20%.
Gọi đề xuất giảm xuống mức 20% là “táo bạo”, song ông Phụng cho rằng phương án này nếu áp dụng từ 2014 thì có tác động quá lớn đến thu cân đối ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, rủi ro cũng cần tính đến là sức ép yêu cầu phải giảm tiếp mức thuế suất ưu đãi 20% hiện hành xuống thấp hơn nữa, và khi đó cân đối ngân sách nhà nước còn căng thẳng hơn rất nhiều, ông Phụng quan ngại.
Bởi vậy, phương án hợp lý, theo quan điểm của vị quan chức ngành tài chính này là quy định rõ lộ trình áp dụng mức thuế suất phổ thông 20% từ 2016 (hoặc 2017). Đồng thời giữ nguyên các mức thuế suất ưu đãi là 20% và 10% tùy theo lĩnh vực, địa bàn được luật quy định.
Việc giảm thuế suất như đề xuất tại dự thảo luật là hợp lý, TS. Đinh Dũng Sỹ (Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ) viết tại tham luận. Tuy nhiên, với lộ trình giảm thuế suất xuống 20%, theo ông Dũng không nên áp dụng quá sớm, sớm nhất cũng là vào 2018.
Nhìn nhận việc kiến nghị giảm mức thuế suất về 20 - 23% là phù hợp, ông Bành Quốc Tuấn (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Tp.HCM) cho rằng việc này sẽ không dẫn đến giảm số thu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bởi việc giảm thuế sẽ thu hút thêm được nhiều doanh nghiệp trong nước thành lập mới và doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp đang kinh doanh đẩy mạnh sản xuất, tăng thêm doanh thu và thu nhập cho nên diện nộp thuế và số thuế đều có cơ hội tăng lên cao hơn.
Việc giảm mức thuế suất cũng trực tiếp góp phần làm cho công tác thu nộp thuế trở nên dễ chịu hơn, số vi phạm và số thuế gian lận, nợ đọng cũng vì thế mà có xu hướng giảm bớt, dẫn đến số thu thuế vào ngân sách nhà nước có điều kiện tăng cao hơn, ông Tuấn dự báo.
Việc thu thuế cao chưa hẳn đã có thể làm tăng thu ngân sách, TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung (Khoa Luật, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Tp.HCM) bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, bà Nhung cho rằng việc đưa ra hai mức thuế suất khác nhau (mức 20% cho doanh nghiệp nhỏ và vừa) đã tạo ra một sự phân biệt đối xử không cần thiết, khuyến khích việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo ra một nền kinh tế nhỏ lẻ, sức cạnh tranh không cao.
Trong chương trình phiên họp thứ 17, vào ngày 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5 tới.
Nguyễn Lê
tbktvn
|