Giảm thuế TNDN: Cái lý của sự ‘vô tình'
“Nếu trong kỳ họp Quốc hội tới đây, đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không được chấp thuận thì cũng mong các anh hiểu cho là không phải những người làm chính sách như chúng tôi đã vô tình”.
Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Quang, đã phát biểu như vậy vào cuối buổi hội thảo góp ý cho Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội bán lẻ Việt Nam phối hợp tổ chức hồi đầu tuần. Câu nói đó làm tất cả đại diện doanh nghiệp đã hào hứng kêu gọi giảm thuế trước đó có mặt tại hội thảo nín lặng.
Ông Quang, người có bằng cao học về quản trị kinh doanh và được giới thiệu đã từng tham gia quản lý doanh nghiệp, hẳn rất hiểu những tâm tư của cộng đồng doanh nhân trong bối cảnh khó khăn hiện tại. Giảm một điểm phần trăm trong biểu thuế suất thuế TNDN mang lại sự khích lệ cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp trên cả nước, nhưng cũng một điểm phần trăm ấy, sẽ đè nặng lên nhiệm vụ cân bằng thu chi ngân sách.
Dự thảo Luật thuế TNDN sửa đổi, dự kiến được đưa ra thảo luận và thông qua tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, cụ thể hóa những nội dung liên quan đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã được đề cập đến trong nghị quyết 02 của Chính phủ. Theo đó, khoản 1 điều 10 của dự thảo đã sửa đổi thuế suất giảm xuống là 23% và bổ sung thuế suất 20% đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đề xuất giảm thuế khó được chấp thuận, ngay cả khi nhiều chuyên gia cho rằng việc giảm thuế TNDN có thể kích thích sản xuất kinh doanh, từ đó ngân sách có thể “gỡ” lại bằng thuế tiêu thụ đặc biệt...(ảnh minh hoạ - thưviệnphápluật)
Tuy nhiên, theo đánh giá của các hiệp hội doanh nghiệp, mặc dù đã giảm xuống còn 23%, mức này vẫn còn cao hơn một số nước, vùng lãnh thổ, chưa thực sự tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích tụ vốn để tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp tái cơ cấu đầu tư, vượt qua khó khăn, thách thức.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, các hiệp hội đồng loạt kiến nghị giảm thuế suất phổ thông xuống 20% hoặc ít nhất cũng giảm thêm 1 điểm phần trăm so với dự thảo (tức là xuống 22%) nhằm khuyến khích doanh nghiệp tích lũy vốn đầu tư, mở rộng kinh doanh và hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, suy thoái... đồng thời sẽ tạo ra sự cạnh tranh rất lớn với các nước và có thể thu hút đầu tư mạnh hơn. Ngoài ra, tiêu chí “doanh nghiệp vừa và nhỏ” để được ưu đãi cũng phải được nâng mức “doanh thu lên 100 tỷ đồng” thay vì “doanh thu trên 20 tỷ đồng” như hiện hành.
Nhưng việc giảm 1 điểm phần trăm trong biểu thuế suất như vậy sẽ lấy đi của ngân sách hàng ngàn tỷ đồng - điều mà Bộ Tài chính không hề muốn trong bối cảnh thu ngân sách sụt giảm hiện nay. Bộ này tính toán rằng việc giảm thuế theo nghị quyết 02 sẽ lấy đi của ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng.
Báo cáo tổng kết quý I/2013 của Bộ Tài chính cho hay thu ngân sách quý I/2013 chỉ đạt 20,9 % dự toán, trong khi con số này hàng năm thường đạt 25-27% dự toán. Đã bắt đầu xuất hiện những câu hỏi rằng, liệu Việt Nam có dám “chung thủy” với mục tiêu hạn chế bội chi ở mức 4,8% hay sẽ phải chấp nhận bội chi ở tỷ lệ cao hơn trong một năm khi mà khó khăn về thu ngân sách là nhãn tiền?
Cùng thời điểm đại diện các hiệp hội doanh nghiệp ngồi góp ý với các đại diện của Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, ngay tại trụ sở Tổng cục Thuế, cuộc họp giao ban quý I/2013 cũng chủ yếu xoay quanh vấn đề thu ngân sách sụt giảm.
Báo cáo của cơ quan này cho hay tính hết quý I/2013, kết quả thu nội địa đạt thấp cả về tỷ trọng lẫn tốc độ tăng thu so với cùng kỳ các năm trước (quý I/2010 thu đạt 24% so với cả năm, tăng 27,5% so với cùng kỳ; quý I/2011 thu đạt 27,6%, tăng 36%; quý I/2012 thu đạt 25,6%, chỉ bằng 98,7% so với cùng kỳ). Có 7/14 khoản thu thấp hơn cùng kỳ, như thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước bằng 82%; thuế thu nhập cá nhân bằng 95,5%; tiền sử dụng đất bằng 89%; thu tiền thuê đất bằng 84,7%; thuế bảo vệ môi trường bằng 95,4%...
Chính vì vậy, nhiệm vụ công tác chủ yếu của ngành thuế trong thời gian tới vẫn là “tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp quản lý thu, đảm bảo huy động đầy đủ, kịp thời các nguồn thu, tăng thu ngân sách và phấn đấu thu nội địa năm 2013 vượt ít nhất 2-4% dự toán pháp lệnh do Quốc hội, Chính phủ giao”.
Để đạt được mục tiêu này, ngành thuế sẽ giao chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách cũng như chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra năm 2013 cho từng chi cục thuế địa phương, chỉ đạo giao chỉ tiêu thu nợ, đảm bảo nợ đọng thuế đến cuối năm 2013 không vượt quá 5% tổng thu trên từng địa bàn. Ngoài ra, một loạt giải pháp khác cũng được tính đến, bao gồm tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, quản lý hoàn thuế GTGT; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả góp phần ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ...
Với “tinh thần” quyết liệt như vậy, thật khó để đề xuất giảm thuế của cộng đồng doanh nghiệp được chấp thuận, ngay cả khi nhiều chuyên gia cho rằng việc giảm thuế TNDN có thể kích thích sản xuất kinh doanh, từ đó ngân sách có thể “gỡ” lại bằng thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng.
Chính vì vậy, câu nói chân tình của ông Nguyễn Hữu Quang dường như đã là một câu trả lời...
Yến Thanh
vietnamnet
|