Giảm thuế cho BĐS: Kỳ vọng kích cầu và giải quyết tồn kho
Tại dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp thuế tháo gỡ khó khăn cho DN (do Bộ Tài chính soạn thảo) sắp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, Chính phủ đề xuất giảm thuế GTGT trong lĩnh vực bất động sản.
Theo đó, dự kiến giảm 50% số thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đầu ra đối với hoạt động đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội; giảm 30% số thuế GTGT đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính.
Thưa ông, dự kiến giảm thuế GTGT của Chính phủ liệu có sự “thiên vị” cho thị trường bất động sản (BĐS) không?
- Theo tôi, chúng ta cần đánh giá công bằng với BĐS. Khi kinh tế phát triển “nóng”, lĩnh vực này cũng có đóng góp nhất định còn khi kinh tế suy giảm thì bất kỳ lĩnh vực nào khó khăn đều cần có giải pháp thích hợp để thu được hiệu quả xã hội.
Tôi muốn nhấn mạnh, vấn đề đặt ra ở đây không phải là chính sách thuế “cứu BĐS” mà nhằm bảo đảm một lợi ích chung. Khi thị trường BĐS thông thoáng, người tiêu dùng gặp người bán với mức giá hợp lý, những người cung cấp vật tư cho BĐS có cơ hội tăng cường sản xuất kinh doanh, giao dịch trên thị trường sôi động lên thì thu nhập xã hội sẽ tăng và Nhà nước cũng sẽ có thêm nguồn thu.
Tại thời điểm hiện tại, tôi cho rằng, có 2 lựa chọn dành cho BĐS. Thứ nhất là để “chết ngay”. Với giải pháp này, bản thân các DN BĐS thiệt hại nhưng xã hội cũng không “vui vẻ” gì. Bao nhiêu của cải xã hội đầu tư vào đó trở nên lãng phí. Giải pháp thứ hai là tạo cú hích để vực dậy thị trường, giúp thị trường có thể phát triển đúng hướng.
Dự kiến về chính sách thuế lần này là tạo điều kiện giải thoát thị trường BĐS nhưng có định hướng là khuyến khích đầu tư kinh doanh vào những lĩnh vực BĐS liên quan đến đại đa số những người có thu nhập thấp, có điều kiện khó khăn về nhà ở. Làm được điều này, chúng ta có thể bắn một mũi tên trúng nhiều đích, vừa giải quyết được vấn đề nhà ở xã hội, vừa giải quyết được khó khăn của thị trường, vừa giải quyết được một nguồn thu lại vừa bảo đảm mạch máu của nền kinh tế lưu thông.
Chính phủ cũng cân nhắc kỹ vấn đề này, giảm thuế GTGT cho một số sản phẩm BĐS là tạo cơ hội cho người mua nhà được mua với giá rẻ hơn, bên cạnh đó có chính sách giảm thuế TNDN cho DN kinh doanh BĐS để bù đắp phần nào số lãi bị thấp đi do bán nhà giá thấp. Với giải pháp như vậy, ta có thể giải quyết hài hòa.
Tại sao Bộ Tài chính không mạnh dạn đề xuất giảm thuế luôn 2-3 năm? Nếu sang năm sau, năm sau nữa, tình hình thị trường vẫn như thế này, không lẽ, Chính phủ lại phải ra Nghị quyết miễn, giảm thuế nữa?
Tôi cho rằng, đã là giải pháp ngắn hạn thì không nên nói việc mạnh dạn kéo dài hay không và cần phải căn cứ vào tình hình thực tiễn. Hơn nữa, chúng tôi thấy rằng, thuế GTGT có liên quan trực tiếp đến người tiêu dùng và lượng hàng hóa tồn kho. Với dự kiến giảm thuế GTGT lần này và áp dụng trong 1 năm, chúng tôi kỳ vọng những người đang có nhu cầu mua thì mua ngay, đừng chờ đợi thị trường “xuống rồi lại xuống nữa”. Theo tôi, người tiêu dùng đủ thông minh để hiểu thời điểm nào là thời điểm thuận lợi.
Với điều kiện như vậy, các giải pháp chỉ nên dừng lại ở 1 năm thôi. Tôi cũng hi vọng rằng, với các biện pháp tổng thể của Chính phủ, trong phạm vi 1 năm nữa, tình hình sẽ tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Vân (thực hiện)
hải quan Online
|