Chưa có hướng dẫn cho vay mua nhà ở xã hội
Gói 30.000 tỉ đồng chính phủ giao cho các ngân hàng thương mại cho vay mua nhà ở xã hội vẫn chỉ mới dừng ở dự thảo, dù dự kiến ban đầu là sẽ áp dụng từ 15-4 vừa qua. Dự kiến sang tháng 5 mới có thông tư hướng dẫn thi hành chủ trương này.
Theo Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 5, chủ trương cho vay thuê mua, thuê nhà ở xã hội được quy định cụ thể tại dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP mới có thể được thông qua và có hiệu lực. Hiện tại cơ quan này đang sửa lại một số nội dung của dự thảo thông tư cho phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, theo đề nghị của các ban ngành, cụ thể như thêm vào thông tư phần cho vay mua, thay vì chỉ thuê mua, hoặc thuê.
Sẽ chỉ có 5 ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm cả ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước chi phối như Vietinbank, Vietcombank, BIDV) thực hiện gói cho vay trên, với lãi suất 6%/năm, thời gian trả nợ là 10 năm. Trong 3 năm đầu, lãi suất sẽ ở mức 6%, sau đó sẽ quy định lại lãi suất nhưng vẫn phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng.
Theo Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, gói vay này số tiền không thật lớn nên không cần phải triển khai trên diện rộng, đồng thời với lãi suất tái cấp vốn là 4,5%/năm, tức thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với lãi suất cho vay thì các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ khó bù chi phí.
Ông Phạm Huy Thông, Phó Tổng giám đốc Vietinbank, cho rằng việc cho vay theo gói hỗ trợ trên cũng là trách nhiệm của ngân hàng thương mại, và việc quan trọng là phía ngân hàng phải tự tiết giảm chi phí sao cho không bị lỗ vì các khoản cho vay này. Trên thực tế, ngân hàng phải tự xét duyệt hồ sơ vay, và nếu không thu hồi được nợ, ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro, vì ngân hàng Nhà nước sẽ thu lãi và vốn định kỳ, không quan tâm ngân hàng có lãi hay lỗ bởi những khoản cho vay đó.
Với chỉ tối đa 3% tổng dư nợ thì khoản cho vay trên không lớn, cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận ngân hàng, nếu có rủi ro. Việc có thêm khoản vay lớn cũng giúp ngân hàng có thể cho vay dài hạn hơn trước vì trước nay ngân hàng huy động ngắn hạn nên rất ngại cho vay trung dài hạn. Đồng thời với thời gian trả nợ 10 năm, ông Thông hy vọng rằng người vay mua nhà sẽ tăng lên do áp lực trả nợ được kéo dãn ra, với lãi suất khá thấp.
Còn lãnh đạo một ngân hàng lớn nằm trong nhóm các ngân hàng được cho vay gói trên cho biết, với các ngân hàng, chắc chắn việc cho vay từ khoản tái cấp vốn này sẽ không có lãi, nhưng đây cũng là cách để giảm được tồn kho bất động sản khi người mua có vốn, và việc này cũng gián tiếp mang lại lợi ích cho ngân hàng.
Nhưng vị này cũng cho rằng cần xem xét một số vấn đề trước khi dự thảo đi vào thực hiện chính thức. Đầu tiên là tính khả thi từ phía nguồn cung nhà ở. Nguồn cung nhà ở xã hội hiện tại không lớn, không thể đáp ứng nhu cầu nếu cả 30.000 tỉ đồng này đều được vay để mua nhà ở xã hội; việc chuyển đổi công năng lại không đơn giản.
Còn về đối tượng mua nhà, vị này cho rằng quy định khá hạn hẹp. Nếu chỉ khu trú trong bộ phận cán bộ công nhân viên chức hưởng lương thì gói này sẽ không giải ngân hết. Thực tế có nhiều người cần nhà nhưng chưa chắc họ đã vay nếu là mua nhà ở xã hội, vì lo ngại chất lượng nhà thấp, diện tích quá nhỏ. Đồng thời, với những quy định về nhà ở xã hội không được chuyển nhượng trong năm năm đầu sẽ khiến nhu cầu thay đổi chỗ ở khó, nhiều người vì vậy sẽ không vay để mua.
Theo vị trên, nên mở rộng đối tượng, nếu ai có nhu cầu, có khả năng trả nợ, mua nhà dùng để ở, thì ngân hàng sẽ xem xét cho vay. Nếu muốn gói vay đến được nhiều người thì có thể quy định cụ thể mức tối đa được vay. Những người muốn mua nhà lớn hơn nhu cầu có thể vay thương mại thêm hoặc từ các nguồn khác. Việc hạn chế thời gian chuyển nhượng nhà ở xã hội cũng gây khó cho ngân hàng. Vì nếu người vay không trả được nợ, ngân hàng cũng không thể phát mãi tài sản, hoặc thu hồi căn nhà, nên vô tình khoản nợ trên sẽ trở thành nợ xấu mà ngân hàng không giải quyết được.
Thanh Thương
tbktsg
|