Tháo gỡ khó khăn cho DN: Nếu Chính phủ lắng nghe...
Cầu yếu cùng với nợ xấu làm tăng trưởng tín dụng quá thấp đã khiến đầu tư khu vực doanh nghiệp (DN) cũng trì trệ theo.
Lạm phát thấp nhưng tăng trưởng cũng thấp khiến các DN loay hoay không lối ra. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do cầu nội địa (cả đầu tư và tiêu dùng) vẫn rất yếu, trong khi chính sách lại nhằm vào hai mục tiêu (lạm phát thấp hơn và tăng trưởng cao hơn). Trong mâu thuẫn này, chính sách lại không đủ mức để giải quyết vấn đề.
Nói một cách ngắn gọn, để nền kinh tế phát triển tốt, chí ít Chính phủ phải xác định rõ ràng mục tiêu hiện nay là gì để thực hiện nhất quán tư tưởng chỉ đạo tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong đó, kiềm chế lạm phát là yêu cầu thường xuyên của bất cứ chính phủ nào, đặc biệt là ở Việt Nam, thay vì mãi loay hoay giữa lạm phát và tăng trưởng. Và muốn làm được điều đó, Chính phủ cần phải giải quyết hai nhiệm vụ: Tạo cầu, thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời triển khai quyết liệt việc xử lý nợ xấu gắn với tái cấu trúc hệ thống ngân hàng (NH).
Trên thực tế, khi DN không tìm ra được hướng đầu tư kinh doanh sẽ gây hiện tượng mất đà và hình thành trạng thái "ngủ quen" (ngủ mãi thành quen) trong hoạt động kinh tế. Hiện nay, chúng ta cứ nói thị trường có nhiều tiềm năng nhưng thực ra môi trường kinh doanh đã hết tiềm năng.
Cụ thể, riêng năm 2013, sản xuất chưa hết công suất, tồn kho chất đống vì thị trường không có người tiêu thụ. Khi tài chính không lành mạnh, nợ xấu cao thì DN cũng chẳng có lý do gì để vay vốn dù NH có thừa tiền.
Vì vậy, vấn đề của năm 2013 là phải tập trung tài khóa trong 6 tháng đầu năm, tăng đầu tư công, nhằm tạo thị trường cho tín dụng. Một khi đầu tư công tăng thì khối này buộc phải dùng nguyên vật liệu, như vậy nó sẽ kích thích khối DN tư nhân phát triển để cung ứng hàng hóa sản phẩm.
Điều này ngay lập tức tạo nhu cầu tín dụng để những DN nào có tình hình tài chính tốt có thể vay vốn sản xuất. Mặt khác, những DN nào có nợ xấu nhưng có phương án kinh doanh tốt có thể tiếp cận được nguồn vốn vay.
Khi đó, DN sẽ phân bổ nguồn lực cho việc đầu tư, tạo cầu cho sản xuất, từ đó tạo cầu cho thị trường tiền tệ. Khi kinh tế phục hồi lại thì mô hình tăng trưởng không còn là vấn đề nữa.
Việc tiếp theo, Chính phủ cần làm để hỗ trợ DN là giảm thuế thu nhập DN dưới 20% nhằm khuyến khích đầu tư, cũng như dùng đầu tư để tạo ra năng lực sản xuất mới. Thiết nghĩ điều này là cần thiết, nhưng đến tận bây giờ, kiến nghị này vẫn chưa được Chính phủ chấp thuận.
Cũng chính sự lệch pha này khiến tâm lý của DN càng thêm chán nản vì trong hoàn cảnh này, DN không bán được hàng mà còn bắt đóng thuế giá trị gia tăng thì sẽ không cách nào kéo giá xuống để kích thích tiêu dùng. Có lẽ Chính phủ cần phải lắng nghe nhiều hơn mới mong tháo gỡ được khó khăn cho DN.
Nói về nợ xấu, trước nay có rất nhiều cách được đưa ra, nhưng câu hỏi "giải quyết nợ xấu bằng cách nào?" dường như vẫn chưa được trả lời thỏa đáng. Nhắc lại đề án thành lập Công ty Mua bán nợ (AMC), ở các nước khác, mô hình này không mới vì nó đã được áp dụng từ rất lâu.
Theo đó, tất cả những nợ xấu mà DN nợ tín dụng thì được chuyển sang công ty quản lí tài sản, theo giá trị số sách, sau đó, sẽ nhận được một trái phiếu đặc biệt và dùng nó để cầm cố và tái cấp vốn, nhưng điều quan trọng là DN phải trích dự phòng rủi ro cho khoảng 20% giá trị trái phiếu, doanh thu từ trái phiếu, sau 5 năm có 100% đủ trả tiền cho vay.
Nghe dễ dàng nhưng câu hỏi đặt ra, liệu sau khi DN chuyển được cục nợ xấu này sang AMC quản lý thì có được vay vốn không? Có thể hiểu, lúc này DN chuyển nợ đi rồi, không còn nợ xấu nhưng bây giờ muốn đến NH A vay thì không đáp ứng được điều kiện vì không còn tài sản thế chấp, chưa kể "lý lịch" đã có vết nợ xấu trước đó.
Như vậy, chuyện đẩy cục nợ sang AMC trước hết chỉ tạo thanh khoản cho NH chứ không tạo thanh khoản cho nền kinh tế. Trong khi đó, mục đích cuối cùng tạo ra AMC là tạo thanh khoản cho nền kinh tế.
Thừa nhận là tạo thanh khoản cho NH cũng tốt, vì gián tiếp tạo cho DN, nhưng thay vì vậy, nên dùng trái phiếu chính phủ. Làm như vậy để AMC có trách nhiệm bảo lãnh DN và chấp nhận cho nó tỷ lệ rủi ro.
Chỉ khi vận hành theo cơ chế có chuyện bảo lãnh và chấp nhận rủi ro thì DN có nợ xấu mới có thể vay vốn trở lại, lúc này sẽ có tín hiệu nền kinh tế khởi sắc.
Như vậy, chuyện thành lập AMC là cần thiết nhưng cũng phải có cơ chế rõ ràng để DN có nợ xấu sau khi chuyển nợ sang AMC vẫn có thể vay được vốn. Đồng thời, với đề án này, cần cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường mua bán tài sản thế chấp để nguồn vốn cung ứng dồi dào hơn, cũng là điều đáng để suy nghĩ.
Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại
doanh nhân
|