2012, hơn 54.200 DN giải thể và ngừng hoạt động
Báo cáo thường niên DN Việt Nam cho thấy, năm 2012, hơn 54.200 DN giải thể và ngừng hoạt động, tăng 6% so với năm 2011, tập trung vào các ngành tài chính ngân hàng và kinh doanh BĐS.
Với chủ đề “Chặng đường 10 năm phát triển và năng lực tiếp cận thị trường”, Báo cáo thường niên DNVN 2012 là tài liệu quan trọng giúp DN và các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ hơn về tình hình phát triển của DNVN qua từng năm. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố bản báo cáo quan trọng này. Ngoài đánh giá về môi trường kinh doanh, năng lực của DN, báo cáo còn đi sâu phân tích thực trạng hoạt động của DNVN năm 2012 và đưa ra đề xuất, đánh giá cho năm 2013.
Đánh giá về môi trường kinh doanh ở Việt Nam năm vừa qua, bản báo cáo đã nêu rõ: Kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong năm 2012 đặc biệt là tình trạng nợ xấu và tồn kho, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,03% - thấp hơn các năm trước đó.
Trong bối cảnh đó, năm 2012 thực sự là năm khó khăn đối với DN, thể hiện thông qua số DN đăng ký mới giảm cả về số lượng và tổng số vốn. Tính đến 31/12/2012, số DN đăng ký mới đạt gần 70.000, một số lĩnh vực có số DN đăng ký giảm mạnh đó là: BĐS, khai khoáng, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, xây dựng. Báo cáo tiếp tục chỉ điểm yếu của DNVN, đó là sự thiếu vắng DN quy mô vừa, không có DN vừa đủ lớn với vai trò cầu nối tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Năm 2012, DN giải thể và ngừng hoạt động lên tới trên 54.200, tăng 6% so với năm 2011 tập trung vào các ngành tài chính ngân hàng và kinh doanh BĐS.
Với chủ đề “Chặng đường 10 năm phát triển và năng lực tiếp cận thị trường”, báo cáo cho thấy DNVN vẫn có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ con số 63.000 trong năm 2002, đến đầu năm 2012 đã lên đến trên 312.000 DN với số lao động tăng gần gấp đôi, tổng nguồn vốn DN tăng gấp 10 lần so với 2012, các DNVN đang nhỏ đi về quy mô lao động, nhưng lại lớn dần về quy mô vốn. Báo cáo cũng cho thấy xu hướng chuyển dịch của DN, các DN ngoài nhà nước ngày càng chiếm đa số, lên tới 96% trong khi tỷ trọng các DN nhà nước lại giảm xuống còn khoảng 1% nhưng các DN nhà nước này vẫn chiếm tỷ trọng cao về lao động 14% và chiếm tới 33% nguồn vốn.
Bản báo cáo thường niên DNVN 2012 đã đưa ra dự báo kinh tế năm 2013 của Việt Nam không chỉ chịu biến động của kinh tế thế giới, mà nội tại cũng nhiều khó khăn thách thức và bản báo cáo đưa ra dự đoán mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2013 ở mức 5,5%. Với bối cảnh đó thì DNVN xác định năm 2013 là thách thức to lớn, do đó cố gắng duy trì quy mô sản xuất hiện tại và có thể tự cấu trúc mình để phù hợp với diễn biến hiện tại.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đây là bản báo cáo có chất lượng tốt và sẽ là kênh quan trọng để các nhà hoạch định chính sách cải thiện chính sách và môi trường đầu tư vào Việt Nam.
Xuân Dung
vtv
|