Nhiều dấu hiệu đáng báo động với doanh nghiệp
Nhiều vấn đề liên quan doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, cũng như uy tín DN nhà nước được mổ xẻ tại Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam sáng 18/4, do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
DN đang dần nhỏ về quy mô lao động.
|
DN nhà nước nợ nần lớn nhất
Có một thực tế, các DN Việt đang dần nhỏ đi về quy mô lao động. Tỷ trọng các DN nhỏ và siêu nhỏ ngày càng tăng về cả số lượng, số lao động và nguồn vốn.
Điều lo ngại là, tỷ lệ DN thua lỗ trong giai đoạn 2002-2011 (41,7% vào năm 2011). Khả năng thanh toán của các DN cũng có nhiều dấu hiệu báo động khi chỉ số thanh toán nhanh các khoản vay ngân hàng liên tục xấu đi.
Có những người sau một đêm đã trở thành đại gia vì được phân đất. Nhiều DN giàu nhanh dựa vào tàn phá tài nguyên, sở hữu bất động sản nên không có năng lực cạnh tranh”.
TS Lê Đăng Doanh
|
Trong các nhóm DN, khả năng thanh toán của khối nhà nước kém nhất. Hiệu quả sử dụng vốn cũng ngày càng kém đi và hoạt động dựa vào vốn vay ngày càng nhiều khiến chỉ số nợ của DN lên đến hơn 2,3 lần. Trong đó chỉ số nợ của DN nhà nước lớn nhất, ở mức 3,2 lần.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho rằng, cần đặc biệt lưu ý tới xu hướng nhỏ đi của DN cũng như việc tiếp tục thiếu hụt doanh nghiệp quy mô vừa; đủ sức làm cầu nối tham gia chuỗi giá trị toàn cầu để thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu.
“Chỉ số hàng tồn kho của các DN nhà nước lớn, đã kéo theo nhiều khó khăn đối với các DN khác. Nhà nước cần có chính sách tiếp cận gần với thực tế hơn nữa. Cần khắc phục những bất ổn thị trường vàng để không ảnh hưởng đến tín dụng cho các DN” - bà Hằng nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ sự băn khoăn về năng lực hội nhập của DN Việt Nam trong những năm tới, khi hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng thô, tài nguyên thô và các hàng có giá trị gia tăng thấp.
Việc DN chỉ tham gia được vào chuỗi giá trị gia tăng thấp kéo theo những rủi ro lớn trong tương lai. “Chúng ta cũng đang đứng trước thách thức của cuộc chơi mới do phải thực hiện các cam kết quốc tế. Quan sát trong vài năm gần đây, nhất là từ năm ngoái đến nay, các doanh nghiệp khối ASEAN đổ bộ vào Việt Nam khá rầm rộ để đón đầu thị trường.
Thời gian còn lại đến năm 2015 không còn nhiều để chúng ta thay đổi toàn bộ cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Các DN phải tự lo cho mình từ bây giờ, nếu không sẽ không còn thời gian nữa” - bà Lan khuyến nghị.
Giàu nhanh nhờ “phá” tài nguyên
Quan tâm đến gần 100.000 DN phá sản năm 2012, ông Bùi Quang Tuấn-Viện phó Kinh tế Việt Nam cho rằng, có một nghịch lý rất lớn: DN phá sản thời gian qua chủ yếu ở khối tư nhân.
Trong khi đây là khu vực năng động và hoạt động hiệu quả nhất. Còn DN nhà nước hoạt động kém hiệu quả, lỗ nhiều nhất lại không bị phá sản. Điều này chứng tỏ môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa bình đẳng.
“Trước mắt, cần có chính sách giảm thuế nhanh, tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa phục hồi tăng trưởng. Đây chính là chủ công, điểm sáng của nền kinh tế, cần tập trung nguồn lực để hỗ trợ phục hồi”- ông đề xuất.
TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, điều đáng tiếc là, đến nay Việt Nam vẫn chưa có được những doanh nghiệp quốc gia tầm cỡ, có công nghệ, sản phẩm dịch vụ cao xứng đáng đại diện trên thị trường quốc tế.
Theo TS Doanh, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam bơm tín dụng quá mạnh, có năm tăng 52% khiến DN bơi trong “biển” tiền. Điều này tạo động lực cho DN hướng vào kinh doanh bất động sản, chứng khoán.
Có những người sau nửa đêm đã trở thành đại gia vì được phân đất. Nhiều DN giàu nhanh dựa vào tàn phá tài nguyên, sở hữu bất động sản nên không có năng lực cạnh tranh.
“Việt Nam có nhiều đại gia, nhưng không tạo được sản phẩm cạnh tranh nào mà chỉ có bất động sản. Phải có Luật Kiểm soát độc quyền, sửa Luật Thuế, Luật Đất đai… để thay đổi động lực phát triển của DN, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, làm giàu chính đáng”, TS Doanh nói.
Theo Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc, đơn vị này có lẽ sẽ phải làm đồng hồ đếm ngược từ nay đến 2015 để cảnh báo về thời gian phải đương đầu với sức ép hội nhập còn lại của mình. |
Phạm Tuyên
tiền phong
|