Thu hút FDI vào khu kinh tế, công nghiệp phía Nam
Ngày 18/4, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đã diễn ra Hội nghị giao ban các Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp và khu chế xuất khu vực các tỉnh, thành phía Nam lần thứ 18.
Tại hội nghị, đại diện 32 tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Cà Mau đã đề xuất những giải pháp nhằm tăng khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực này.
Sản xuất tại Công ty TNHH Toyotsu Vehitecs Việt Nam ở Khu Công nghiệp Mỹ Phước 3 - Bình Dương
|
32 tỉnh thành từ Đà Nẵng đến Cà Mau có diện tích 162.664km2, chiếm 49,3% diện tích cả nước; dân số 46,4 triệu người (chiếm gần 53% số dân cả nước), tỉ lệ lao động làm việc chiếm 52%.
Tính đến hết năm 2012, các tỉnh, thành này có 180 khu công nghiệp, 8 khu kinh tế ven biển và 7 khu kinh tế cửa khẩu; thu hút 3.378 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 48,59 tỉ USD; vốn thực hiện đạt 22,74 tỉ USD.
Các tỉnh, thành trên có rất nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế với sự đa dạng về tự nhiên, giàu tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, số vốn FDI thu hút được nêu trên vẫn được xem là chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của các tỉnh, thành này.
Hàng loạt khu kinh tế, khu công nghiệp được đầu tư vẫn không thu hút được nhà đầu tư nước ngoài; nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp chỉ thu hút được những dự án nhỏ lẻ của các doanh nghiệp trong nước.
Nếu tính số dự án FDI đăng ký đầu tư thì khu vực này chiếm tới 74% dự án FDI trên cả nước, nhưng vốn đăng ký chỉ chiếm 45%; riêng số vốn thực hiện thì còn thấp hơn; số lao động qua đào tạo chỉ chiếm 13%.
Trong vấn đề phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương, các khu kinh tế, khu công nghiệp có vai trò quan trọng về giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, mở rộng thị trường và tăng kim ngạch xuất khẩu… góp phần quan trọng đưa nền kinh tế cả nước hòa nhập quốc tế. Tuy nhiên, các tham luận tại hội nghị cũng đã chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong vấn đề thu hút FDI của các khu kinh tế, khu công nghiệp này.
Những vấn đề còn tồn tại được nêu như hiệu quả nguồn vốn FDI chưa cao; các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; có ít dự án về cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của những nhà đầu tư lớn…
Nguyên nhân được xác định là khung pháp lý đối với việc quản lý, hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp vẫn còn chưa hoàn chỉnh; nhiều chính sách ưu đãi đầu tư phải thay đổi nhiều lần sau khi ban hành đã gây khó cho nhà đầu tư.
Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia và các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được xây dựng đồng bộ trong khi chương trình xúc tiến đầu tư của các địa phương thực hiện còn mang tính cục bộ; chưa thu hút các dự án đầu tư có ngành nghề, hàm lượng công nghệ cao, phù hợp cho sự phát triển.
Nhiều tỉnh, thành trong khu vực cạnh tranh nhau trong từng dự án FDI. Cả kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp cũng như tay nghề công nhân thấp cũng là yếu tố cản trở thu hút đầu tư…
Đại diện các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất tại các tỉnh, thành phía Nam đã đề xuất những giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn vốn FDI vào khu vực này.
Các đề xuất chủ yếu tập trung vào những nội dung như xây dựng đồng bộ và ổn định chính sách ưu đãi khi đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; cần có thêm nhiều chính sách khuyến khích phát triển lĩnh vực công nghiệp phụ trợ;đẩy mạnh việc phân cấp cho địa phương trong việc cấp phép đầu tư các dự án FDI; xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp và tăng cường đào tạo lao động; thực hiện mạnh mẽ quá trình cải cách hành chính; có sự phối hợp, hợp tác khu vực giữa các địa phương, phát huy lợi thế riêng đồng thời có chính sách ưu đãi vượt trội cho các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế…
Các đại diện tại hội nghị cũng đồng thuận cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp trên để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh thu hút vốn FDI của Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN.
Ly Kha
vietnam+
|