Thứ Hai, 22/04/2013 09:40

Người nước ngoài khó mua nhà tại Việt Nam

Dù đã có chủ trương thí điểm tạo điều kiện cho Việt kiều và người nước ngoài sở hữu nhà tại VN nhưng thực tế đây vẫn là hành trình đầy gian nan.

Không ít người đã phải từ bỏ giấc mơ an cư để lập nghiệp tại nơi mà họ chọn gắn bó suốt phần đời còn lại.

Vợ chồng anh Nguyễn Lê Việt Hùng - chị Sonia Nguyễn Delestree và con trai tại căn hộ thuê trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TP.HCM

Trước thực trạng này, Chính phủ vừa thông qua nghị quyết 48 yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương đề xuất phương án sửa đổi chính sách theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện mua, sở hữu nhà ở đối với người VN định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại VN.

Bảy năm và một căn nhà

Sau hơn bảy năm sinh sống tại VN, dù có đủ tiềm lực tài chính và có nhu cầu mua nhà để ở lâu dài tại đây nhưng chị Sonia (quốc tịch Anh và Pháp) vẫn phải đi thuê nhà. “Năm ngoái tôi quyết định mua căn hộ tại Q.7, TP.HCM diện tích 99,8m2 với giá 90.000 USD (khoảng 1,8 tỉ đồng). Mẹ tôi đã sang xem nhà cùng tôi và rất hài lòng, nhưng khi chúng tôi làm thủ tục sở hữu nhà thì bị vướng vì tôi không thể đứng tên 100% sở hữu căn hộ này” - cô Sonia nói.

Theo Sonia, dù cô đã lấy chồng là người VN được ba năm nay, tức nằm trong diện được phép mua nhà, nhưng cô lại không có thẻ thường trú. “Tôi đã cố làm thẻ thường trú cho vợ tôi nhưng rất khó vì cô ấy chưa có bằng cử nhân hay các loại bằng cấp hợp pháp khác” - anh Nguyễn Lê Việt Hùng, chồng của Sonia, nói.

Chỉ có 64 người nước ngoài sở hữu nhà tại VN

Theo Cục Đăng ký và thống kê (thuộc Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và môi trường), tính đến ngày 1-2-2013 cả nước có 427 trường hợp người VN định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại VN (TP.HCM chiếm 342 trường hợp). Trong đó chỉ có 64 người nước ngoài đứng tên sở hữu nhà tại VN. Con số này quá thấp vì cả nước có hơn 80.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc.

Hiện Sonia cùng chồng và con trai 3 tuổi vẫn phải thuê nhà để ở tại một căn hộ chung cư với giá 8 triệu đồng/tháng. Ngoài công việc đi dạy, làm hướng dẫn viên du lịch, buổi tối Sonia phải đi học thêm một lớp đào tạo đại học từ xa của Pháp để lấy tấm bằng cử nhân với hi vọng đủ điều kiện để mua được nhà tại VN.

Trường hợp như Sonia không hiếm. Tại khu căn hộ New Saigon (huyện Nhà Bè, TP.HCM) có nhiều người bạn của Sonia đến đây định cư lâu dài hoặc lấy vợ, lấy chồng là người Việt cũng phải thuê nhà để ở với giá 8-10 triệu đồng/tháng hoặc mua nhà nhưng nhờ người Việt đứng tên. Hay trường hợp của Ash - một người Úc, và Joseph - một người Pháp - vì nhu cầu định cư lâu dài tại VN đã mua nhà ở Q.1 và Q.4 nhưng đều không thể đứng tên mà phải nhờ người Việt đứng tên. Thế nên dù bỏ tiền ra mua căn nhà nhưng Ash và Joseph vẫn nơm nớp lo lắng vì không biết mình có giữ được tài sản khi xảy ra tranh chấp...

Trên thực tế không chỉ người nước ngoài mà ngay cả bà con Việt kiều muốn mua và sở hữu nhà tại quê hương mình cũng gặp nhiều khó khăn. Là Việt kiều Pháp trở về quê hương và muốn ở lại lâu dài nên vợ chồng bà Jeanne Huỳnh đã mua một căn hộ tại đường Trần Xuân Soạn (Q.7). Tuy nhiên, năm người con của ông bà đang định cư tại Pháp và một số nước cũng muốn mua nhà tại VN nhưng không thể. “Gần đây con gái tôi có về VN và muốn mua nhà nhưng lại không có được thẻ thường trú một năm theo quy định nên đành thôi” - bà Jeanne Huỳnh nói. Tương tự, anh Nguyễn Xuân Trường - một Việt kiều quốc tịch Singapore - cho biết vì công việc, anh đi về thường xuyên và muốn mua nhà tại VN nhưng do không làm được thẻ tạm trú nên đành gác lại ý định đó.

Nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM cho biết để sở hữu được căn nhà tại VN rất khó khăn vì đang có quá nhiều thủ tục ràng buộc và rào cản pháp lý. Theo họ, vướng mắc lớn nhất trong việc mua nhà tại VN là phải có thẻ thường trú một năm trở lên và hàng loạt vấn đề khác như phải là người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có bằng đại học, phải kết hôn với công dân VN, phải có đóng góp cho đất nước VN và được Chủ tịch nước tặng bằng khen...

Chưa mua đã thấy mệt

Theo Ủy ban Người VN ở nước ngoài TP.HCM, mỗi năm đơn vị này tiếp và giải đáp thắc mắc cho hàng vạn lượt kiều bào, trong đó những thắc mắc về việc mua nhà và sở hữu nhà chiếm đa số. Ông Trương Văn Hiếu, trưởng phòng kinh tế của ủy ban, cho biết: “Nhu cầu Việt kiều về nước mua nhà và đầu tư rất lớn, trong đó có nhiều bà con khi tìm hiểu thủ tục thấy quá khắt khe và rườm rà nên thôi ý định mua nhà tại VN. Thường khi họ đến yêu cầu giúp đỡ về thủ tục nhà ở thì chúng tôi sẽ xem xét hồ sơ và có cách tác động với các sở ban ngành trên địa bàn TP để hỗ trợ. Phần lớn bà con gặp khó khăn trong việc chứng minh nguồn gốc Việt kiều vì nhiều người đã mất hết giấy tờ”.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, dù là Việt kiều hay người nước ngoài đều có nhu cầu an cư lạc nghiệp. “Việc mua một hay một vài căn nhà tại VN để sinh sống, làm việc là nhu cầu tất yếu của họ nhưng hiện luật pháp chúng ta đòi hỏi quá nhiều chỉ tiêu, giấy tờ thủ tục khiến họ chưa mua nhà đã thấy mệt. Mở các điều kiện này ra để người nước ngoài có thể mua được nhà tại VN là đúng, điều này phần nào tạo thêm sức mua cho hàng loạt căn hộ phân khúc cấp cao đang dư thừa tại VN” - ông Thành nói.

Còn ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận định: “Đối với Việt kiều phải đối xử với họ như người trong nước về vấn đề sở hữu nhà, tuy nhiên cần gỡ điểm vướng mắc ở đây là nới lỏng việc kiểm soát nguồn gốc Việt kiều vì nhiều bà con đã mất giấy tờ. Còn đối với người nước ngoài cần mở rộng các điều kiện mua nhà, nhưng chỉ nên cho phép họ mua nhà ở chất lượng cao, ví dụ những sản phẩm có mức giá từ 30 triệu đồng/m2 trở lên”.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng ngoài việc mua nhà để ở, cần xem xét cho người nước ngoài được bán hoặc cho thuê bởi điều này hoàn toàn hợp lý.

ĐÌNH DÂN

Phải có thẻ thường trú hoặc tạm trú

Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được mua và sở hữu nhà ở tại VN: Cá nhân nước ngoài có đầu tư trực tiếp tại VN theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc được doanh nghiệp đang hoạt động tại VN, bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó. Cá nhân nước ngoài có công đóng góp cho VN được Chủ tịch nước CHXHCN VN tặng thưởng huân chương, huy chương. Cá nhân nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho VN do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cá nhân nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ đại học hoặc tương đương trở lên và người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà VN có nhu cầu. Cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân VN. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại VN theo pháp luật về đầu tư không có chức năng kinh doanh bất động sản, có nhu cầu về nhà ở cho những người đang làm việc tại doanh nghiệp đó ở.

Ngoài ra, cá nhân nước ngoài phải có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy tờ chứng nhận được phép cư trú tại VN từ 12 tháng trở lên do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an cấp và không thuộc đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.

(Theo nghị quyết 19 của Quốc hội và nghị định 51 về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà tại VN)

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Bất động sản tới thời “bán thân” (21/04/2013)

>   Giá nhà giảm sâu, mua vẫn sợ hớ (20/04/2013)

>   Lắt léo chuyển nhượng hai khu đất 'vàng' (20/04/2013)

>   Chưa có hướng dẫn cho vay mua nhà ở xã hội (19/04/2013)

>   TP.HCM đề xuất giải pháp giảm tồn kho BĐS (19/04/2013)

>   Khách sạn Legend về tay Lotte (18/04/2013)

>   TPHCM: Giải cứu căn hộ tồn kho (18/04/2013)

>   Thủ tướng “sốt ruột” với các dự án giao thông Hà Nội (18/04/2013)

>   Tranh chấp Văn Phú Victoria: Thanh tra Bộ Xây dựng vào cuộc (18/04/2013)

>   Những tính toán khi mua nhà ở xã hội (18/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật