“Dấu hiệu kinh tế suy giảm đã rất rõ ràng”
“Năm 2010 có 43.000 đơn vị ngừng hoạt động, phá sản. Con số này của năm 2011 là trên 53.000, năm 2012 trên 54.000. Ba tháng đầu năm nay, mỗi tháng có 4.900-5.000 đơn vị và tổng số đến nay đã là 20.000. Tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản đã trở thành dịch bệnh rồi!”.
Ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
|
Ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nêu quan điểm như vậy khi đánh giá về thực trạng hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh “dấu hiệu kinh tế suy giảm đã rất rõ ràng”.
Ông đánh giá tình hình kinh tế hiện nay đang ở mức độ nào, khó khăn hay rất khó khăn?
Tôi thấy tình hình kinh tế hiện nay đang ở trong tình trạng rất khó khăn và việc “vực dậy” đang cấp bách lắm rồi, càng để chậm trễ càng lún sâu vào khó khăn.
Nếu như các năm trước, khó khăn bên ngoài là một nhân tố tác động tới kinh tế trong nước thì nay, chúng ta khó có thể đổ tại nhân tố này. Bởi năm 2012, kinh tế thế giới đã tăng trưởng trở lại với tốc độ 3,2% và dự kiến năm nay là 3,3%. Các nước trong khu vực năm ngoái tăng trưởng bình quân 5,5-5,6% nhưng chúng ta chỉ đạt 5,03%.
Nếu như năm 2012 là khó khăn, là đáng lo ngại thì đến bây giờ, tôi có thể nói là vô cùng khó khăn và vô cùng đáng lo ngại. Dấu hiệu suy giảm đã rất rõ ràng, không còn gì phải bàn cãi, doanh nghiệp phá sản ngày một nhiều.
Trong khi đó, nông nghiệp vốn luôn là chỗ dựa của cả nền kinh tế nhiều năm qua thì nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt 2,24% - mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm gần đây (2010 tăng 4,08%; 2011 tăng 3,35%; 2012 tăng 2,81%)...
Khi nền kinh tế càng khó khăn thì vấn đề về niềm tin càng được được nhắc đến nhiều hơn. Theo cảm nhận của ông, thì niềm tin của người dân cũng như doanh nghiệp đang ở ”ngưỡng” nào?
Thực tế cũng có một điểm sáng nổi lên trong những tháng đầu năm nay là lạm phát được kiềm chế, giá cả được ổn định khiến cho đời sống của người dân cũng đỡ khó khăn hơn, yếu tố này cũng có tác động tích cực đến niềm tin của người dân. Nhưng khi chúng ta xét ở một số mặt cụ thể thì thấy rằng, Chính phủ cần phải làm quyết liệt hơn nữa trong việc tạo dựng niềm tin.
Chẳng hạn, với nông dân, ở một đất nước có tới gần 70% dân số làm nông nghiệp như nước ta thì Chính phủ cần lưu ý hơn trước cảnh nông dân đang phải chịu thiệt hại kép, nguồn thu giảm do giá lương thực rẻ đi nhưng các khoản chi vẫn cứ tăng. Nói là lạm phát giảm nhưng thực tế các khoản mà nông dân phải chi tiêu như dịch vụ y tế, giáo dục, điện nước, xăng dầu vẫn tăng.
Đối với khu vực gay go nhất hiện nay là doanh nghiệp, khi nhìn vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chúng ta thấy giảm sút nghiêm trọng. Kế hoạch đặt ra phải đạt 33,5% GDP nhưng chỉ thực hiện được hơn 28%. Trong đó giảm mạnh nhất là khu vực dân doanh, họ chỉ thực hiện được 64% kế hoạch. Điều này cho thấy tinh thần doanh nhân, niềm tin của họ vào chính sách sa sút nên họ chưa tìm thấy cơ hội tốt để đầu tư.
Chính phủ có thừa nhận rằng chính sách ban hành chậm đi vào cuộc sống khiến nền kinh tế chưa thể ấm lên. Ông có bình luận gì?
Tôi nghĩ rằng không chỉ chậm trong đưa chính sách vào cuộc sống mà còn chưa đầy đủ trong nhận diện tình hình. Cùng đó, chính sách, giải pháp đề ra trong các văn bản, giấy tờ đã đầy đủ, nhưng đi vào giải quyết sự vụ cụ thể còn yếu.
Như đối với doanh nghiệp, để xảy ra tình trạng khó khăn như hiện nay, ngoài một số ít nguyên nhân khách quan còn do các bộ, ngành chức năng không nhận diện đầy đủ tình hình, dẫn đến báo cáo về “sức khỏe” doanh nghiệp chưa rõ ràng, chưa trúng. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản cứ ngày một tăng lên.
Năm 2010 có 43.000 đơn vị ngừng hoạt động, phá sản. Con số của 2011 là trên 53.000, năm 2012 trên 54.000. Ba tháng đầu năm nay, mỗi tháng có 4.900-5.000 và tổng số đến nay đã là 20.000 doanh nghiệp.
Như vậy, tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản đã trở thành dịch bệnh rồi và vô cùng nguy hiểm! Năm 2012 có tới 69% doanh nghiệp báo cáo lỗ, con số lớn nhất từ trước đến nay; số ngừng hoạt động, phá sản vẫn gia tăng cho thấy tình hình rất khẩn cấp.
Hết năm nay mà tình hình vẫn chưa được cải thiện thì e rằng có cứu cũng quá muộn.
Đoàn Trần
Vneconomy
|