"Phải xử lý mạnh khối DNNN để vực dậy nền kinh tế"
Ngày 22/5, Quốc hội dành hẳn một ngày để thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.
Đại biểu Trần Du Lịch.
|
Bên lề Quốc hội, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
- Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua một thời kỳ đầy khó khăn, vậy ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế trong thời gian vừa qua?
Ông Trần Du Lịch: Theo tôi nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn trì trệ nghiêm trọng. Trong hai năm qua, những gì chúng ta đạt được chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài, đã đến lúc cần phải có những giải pháp đặc thù, đặc biệt để vực giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng này.
Tôi cho rằng nghiêm trọng vì giai đoạn này đã kéo dài tới 6 năm, từ 2008 đến giờ và chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi giai đoạn khủng hoảng tài chính khu vực 1997 – 1999 chúng ta chỉ 3 năm là vực được dậy được.
- Vậy theo ông, những giải pháp đặc biệt để vực dậy nền kinh tế là gì?
Ông Trần Du Lịch: Thứ nhất, không thể điều hành chính sách tài khóa tiền tệ một cách bình thường như trước được. Tôi đề nghị, trước hết, cần mạnh dạn xây dựng chương trình 3 năm phục hồi kinh tế giai đoạn 2013-2015, không nên đeo bám mục tiêu kế hoạch 5 năm vì trong tình hình mới bắt buộc chúng ta phải thay đổi.
Theo đó, trong giải pháp về chính sách tiền tệ, rõ ràng công cụ lãi suất giờ tác dụng rất ít, hấp thụ không được nữa. Chúng ta đã thành công trong việc kiềm chế lạm phát, nguy cơ tái lạm phát cao tôi cho rằng không xảy ra trong năm 2013 và năm 2014. Như vậy, trong giai đoạn này chính phủ cần cho phép sử dụng công cụ chính sách tiền tệ linh loạt, làm sao để tăng được tín dụng, thậm chí phải có những biện pháp “nuôi nợ để đòi nợ,” nuôi dưỡng doanh nghiệp. Dĩ nhiên cũng phải phòng ngừa nợ xấu nhưng công cụ chính sách tiền tệ này hoàn toàn có thể làm được.
Năm ngoái chúng ta đã nói nhiều về nợ xấu là “cục máu đông” làm nghẽn nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã khác, lãi suất đã giảm mạnh xuống 8-9%/năm mà doanh nghiệp cũng không vay. Chính vì vậy dư địa về tiền tệ không còn nhiều. Do đó, chúng ta cần phải tính toán hài hòa giữa chính sách tiền tệ với tháo gỡ tín dụng để bảo đảm tăng trưởng.
Trong chính sách tài khóa, đúng là chúng ta đang lo lắng về nợ công, tuy nhiên đấy là nhìn về trung và dài hạn, nhưng trước mắt cần phải tăng bội chi để kích thích khu vực đầu tư công, chính khu vực này hiện nay có dư địa lớn nhất để kích thích thị trường tăng tổng cầu.
Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là đúng nhưng thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng cần phải giảm, chúng ta phải chấp nhận giảm nguồn thu ngắn hạn để nuôi dưỡng nguồn thu trung, dài hạn.
Theo tôi, kế hoạch phát hành trái phiếu 45 nghìn tỷ đồng cho các lĩnh vực là quan trọng nhưng trước mắt phải trả nợ cho các dự án đầu tư công. Làm được như vậy sẽ tăng được tổng cầu của nền kinh tế. Mấu chốt là trung ương và các địa phương phải trả xong nợ các dự án đã đầu tư.
Bên cạnh đó, cũng cần phải có biện pháp đột phá để xử lý vấn đề của doanh nghiệp Nhà nước, khối này hiện không tạo được niềm tin cho thị trường. Rõ ràng, đây là một nguồn tài sản cực lớn nhưng chúng ta lại không tận dụng được mà lại lo trả nợ cho khối này thì không được.
Đây là những giải pháp đặc thù trong 3 năm để phục hồi nền kinh tế. Quyết định những vấn đề này, theo tôi là không hề đơn giản, nhưng nếu không kiến quyết thì sẽ muộn và nền kinh tế càng đi sâu vào suy giảm thì sẽ phát sinh những vấn đề khác còn lớn hơn.
- Thưa ông, tại sao đến giờ chúng ta vẫn chưa tái cơ cấu được khu vực doanh nghiệp nhà nước?
Ông Trần Du Lịch: Rất đơn giản, chúng ta phải xử lý vấn đề nợ chồng chất ở khối doanh nghiệp này một cách minh bạch, cần phải bán bớt một số cổ phần của Nhà nước, gom nguồn lực này lại để dùng sức mạnh tiếp tục đầu tư những công trình đang được đầu tư dang dở sớm đưa vào sử dụng, tránh lãng phí.
Vấn đề đặt ra không phải là trách nhiệm của ai, chúng ta phải chấp nhận sự hy sinh của một số doanh nghiệp như cho giải thể hoặc phá sản một số doanh nghiệp để lấy tài sản đó xử lý chỗ khác.
- Vừa rồi trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước có việc phần lớn các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước làm ăn tuy có lãi nhưng rất thấp, một số thua lỗ, vậy việc mạnh dạn giải thể phá sản ở đây theo ông nên tập trung vào những khối doanh nghiệp nào?
Ông Trần Du Lịch: Vấn đề hiện nay, nợ nần dây dưa không giải quyết được, mấy năm trước chúng ta đầu tư tràn lan chính vì vậy đến giờ vẫn còn nhiều công trình đang dở dang, cần phải xử lý ngay. Tôi đề nghị, phải đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác đấu tư công - tư).
Minh Thúy
Vietnam+
|