VAFI đề xuất 5 giải pháp phát triển nền kinh tế nhanh hơn
Trong đề xuất về 5 giải pháp chiến lược để nền kinh tế phát triển nhanh hơn của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đưa ra ngày 22-5-2013, Hiệp hội này nhận định: "Hầu như các giải pháp mà NHNN áp dụng từ trước tới nay trong quản lý thị trường vàng đều không có trên thế giới và không làm giảm tình trạng vàng hóa nền kinh tế".
VAFI đánh giá hoạt động đấu thầu vàng miếng chỉ là giải pháp tạm thời chứ không phải là giải pháp chống vàng hóa nền kinh tế.
|
Về những giải pháp hiệu quả thời gian qua, VAFI cho rằng, nền kinh tế đã tháo gỡ được nhiều khó khăn cho thị trường tài chính, tiền tệ, lãi suất cho vay đã giảm nhiều; Công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được cải thiện; Nền kinh tế tiếp tục phát triền với tốc độ thấp, các ngành sản xuất hàng xuất khẩu vẫn phát triển nhanh, khu vực kinh tế nông thôn tương đối ổn định...
Tuy nhiên, những mảng tối trong bức tranh kinh tế đất nước vẫn còn rộng. Đó là, nhiều ngành kinh tế nội địa như ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, vận tải, đóng tàu… vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể là dư thừa năng lực sản xuất, năng lực cung ứng dịch vụ và đi kèm với đó là việc nợ xấu nhiều khiến khả năng cạnh tranh của các ngành kinh tế hiện rất thấp. Lãi suất cho vay vẫn còn ở mức rất cao nếu so sánh với nội lực của nền kinh tế. Hiện nền kinh tế chưa có biện pháp hữu hiệu để cải tổ hệ thống doanh nghiệp trong nước.
Theo VAFI, các giải pháp cho nền kinh tế hiện chưa mạnh để giải quyết hiệu quả những khó khăn. Vấn đề đặt ra là phải tiếp tục tìm kiếm những giải pháp đòn bẩy để giải quyết nhanh những tồn tại lớn của nền kinh tế. VAFI đánh giá, nền kinh tế cần 5 nhóm giải pháp để phát triển nhanh hơn.
Thứ nhất, không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong khối doanh nghiệp niêm yết, trừ các doanh nghiệp hoạt động chính trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành ngân hàng cần được nâng lên mức 49%/ vốn điều lệ, với những tổ chức tín dụng hoạt động yếu kém thì không hạn chế tỷ lệ sở hữu.
"Pháp luật hiện hành đã cho phép doanh nghiệp 100% vốn FDI được kinh doanh ở hầu hết mọi lĩnh vực và ngành nghề, kể cả ngành kinh doanh có điều kiện; Đối với khối doanh nghiệp trong nước chưa niêm yết thì cũng đã áp dụng qui định không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và hiện nay khối này đang hưởng lợi hơn khối doanh nghiệp niêm yết trong việc huy động vốn hay tái cấu trúc doanh nghiệp"- theo VAFI. Hiệp hội này cho rằng, nếu đề xuất này được chấp thuận thì chỉ trong vòng 3 năm, khối doanh nghiệp Việt Nam sẽ huy động được thêm khoảng 10 tỷ USD và bức tranh về doanh nghiệp VN sẽ thay đổi cơ bản.
Thứ hai, cần khuyến khích người nước ngoài mua các loại nhà ở cao cấp với thủ tục đơn giản. VAFI cho rằng cần có tư duy mới là không hạn chế như trước mà phải có chính sách khuyến khích người nước ngoài mua bất động sản như nhiều nước trên thế giới với thủ tục đơn giản nhất, chẳng hạn như với cá nhân người nước ngoài, điều kiện pháp lý để mua là chỉ cần có hộ chiếu. Chính sách này chưa thể là giải pháp mạnh cho thị trường bất động sản nhưng sẽ góp phần giải quyết khó khăn cho thị trường trong nhiều năm tới.
Thứ ba, cần chấm dứt ngay tình trạng vàng hóa nền kinh tế bằng giải pháp tính thuế giá trị gia tăng (mức 10%) theo phương pháp khấu trừ với hoạt động kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức. VAFI đánh giá, hoạt động đấu thầu vàng miếng chỉ là giải pháp tạm thời chứ không phải là giải pháp chống vàng hóa nền kinh tế.
"Hầu như các giải pháp mà NHNN áp dụng từ trước tới nay trong quản lý thị trường vàng đều không có trên thế giới và đều không làm giảm tình trạng vàng hóa, hàng chục tỷ USD đang bị "chôn vùi" và đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới chính sách lãi suất, chính sách ổn định tỷ giá..."- VAFI nhận định.
Hiệp hội của các nhà đầu tư tài chính cho rằng, nếu áp dụng thuế GTGT cho hoạt động kinh doanh vàng sẽ có hàng trăm ngàn tỷ đồng chảy vào hệ thống ngân hàng và đây là cơ sở quan trọng để giảm sâu mặt bằng lãi suất huy động.
Thứ tư, từng bước hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ và nhanh chóng hướng tới mục tiêu lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng 0%. Việc đánh thuế GTGT lên hoạt động kinh doanh vàng và việc đưa lãi suất tiền gửi ngoại tệ 0% sẽ hậu thuẫn rất lớn cho việc đưa lãi suất tiền gửi nội tệ về mức 4% - 5 % /năm.
Giải pháp cuối cùng, theo VAFI, các cơ quan quản lý nên dành nhiều thời gian trực tiếp tham vấn, chỉ đạo để tìm kiếm, lựa chọn và xây dựng những giải pháp kinh tế then chốt.
Văn Bắc
Hải Quan
|