Kích tổng cầu chỉ là giải pháp ngắn hạn
Muốn kích tổng cầu về mặt đầu tư, việc đầu tiên phải làm là hạ lãi suất.
Sau ý kiến của Ủy ban Kinh tế liên quan đến giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế là cần đẩy mạnh tổng cầu, báo Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với TS Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý, kinh tế Trung ương để làm rõ hơn vấn đề này.
. Phóng viên: Sau ngày làm việc đầu tiên của Quốc hội, nhiều người nhận định mục tiêu tăng trưởng 5,5% có vẻ khó đạt được. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
+ TS Võ Trí Thành: Nhìn lại các dự báo về kinh tế Việt Nam cách đây 3-4 tháng, đa số cho rằng mức tăng trưởng sẽ vào khoảng 5,5% và lạm phát 7%-9%. Còn dự báo gần đây nhất lại cho rằng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ đạt 5%-5,5% và lạm phát 6%-7%. Mức dự báo đã được hạ xuống, tức là mục tiêu 5,5% có vẻ khó khăn hơn.
Trong ngắn hạn, để tăng trưởng người ta hay nhìn vào tổng cầu. Tổng cầu bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.
Trước tiên, nhìn vào tiêu dùng thì có một chỉ số phản ánh tiêu dùng ngoài nhà nước là chỉ số bán lẻ. Sau khi trừ đi thay đổi giá cả, mức tăng của nó tương đối thấp so với những năm gần đây. Cụ thể trong bốn tháng vừa qua, chỉ số chỉ ở mức thấp 4,5%-4,6%.
Thứ hai là nhìn vào đầu tư. Trước đây, đầu tư tại Việt Nam thường chiếm trên 40% GDP nhưng hai năm gần đây chỉ chiếm khoảng 35%. Trong đó, mức đầu tư nhà nước cũng giảm. Thống kê bốn tháng đầu năm 2013 cho thấy tổng đầu tư toàn xã hội chưa đạt được 30%.
Chỉ số tiêu dùng tương đối thấp so với những năm gần đây ảnh hưởng đến tổng cầu.
|
Như vậy, hiện chỉ một vế có vẻ khả quan là xuất khẩu nhưng tốc độ xuất khẩu đang chậm lại.
. Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì ngay lúc này?
+ Nếu muốn kích tổng cầu, xét về tổng đầu tư thì việc phải làm ngay là hạ lãi suất. Mà để doanh nghiệp (DN) tiếp tục kéo đầu tư phải xử lý được nợ xấu. Tôi hy vọng khoảng một, hai tuần tới chúng ta sẽ đi vào xử lý nợ xấu ngay. Thứ hai, Nhà nước có thể xem xét, phát hành thêm nguồn trái phiếu ngoài 45.000 tỉ đồng đã được hoạch định. Một vấn đề quan trọng nữa cần xem xét là giải ngân vốn ODA thật nhanh và thu hút thêm đầu tư nước ngoài…
Nếu làm được tất cả điều đó thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% vẫn có thể đạt được.
. Nhiều ý kiến cho rằng về dài hạn cần cải tổ mạnh hệ thống ngân hàng mới gỡ khó cho nền kinh tế được. Quan điểm của ông ra sao?
+ Kích cầu là giải pháp ngắn hạn, còn việc cải tổ hệ thống ngân hàng lại là câu chuyện dài hạn mà chúng ta đang làm.
Tái cấu trúc ngân hàng theo tôi không chỉ là xử lý những ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu mà còn là vấn đề hệ thống giám sát, minh bạch thông tin, xử lý sở hữu chéo, nâng cao chất lượng quản trị rủi ro của các ngân hàng thương mại. Nhất định phải bám theo chuẩn mực quốc tế.
Không thể tăng bội chi ngân sách để kích tổng cầu
Cho rằng dư địa chính sách không còn nhiều, nguồn ngân sách đã cạn để có thể kích thích phục hồi kinh tế, một số đại biểu Quốc hội, trong đó có TS Trần Du Lịch, đề nghị nới rộng chỉ tiêu bội chi ngân sách.
Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau phiên thảo luận tổ sáng 22-5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng không thể quyết định một cách cảm tính như vậy.
“Về lý thuyết, muốn tăng tổng cầu, tức kích thích tiêu thụ qua đó tác động vào kinh tế đang đình trệ thì phải nới lỏng chính sách. Nhưng không thể dễ dàng nới chỉ tiêu bội chi đã được ấn định 4,8% GDP” - ông nói.
Theo ông, để điều chỉnh chỉ tiêu bội chi ngân sách, trước hết phải xem nguồn vay ở đâu, trong nước hay nước ngoài. Vay như vậy sẽ đụng trần nợ công vốn đã rất căng thẳng. Mặt khác, quyết định tăng bội chi phải xác định phần tăng đó dành cho khoản chi nào, khoản đó tác động thế nào tới nền kinh tế...
Nghĩa Nhân
Ban hành nghị định thành lập VAMC
Ngày 22-5, Chính phủ công bố Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) của các tổ chức tín dụng (TCTD). Nghị định có hiệu lực từ 9-7-2013.
VAMC chịu sự quản lý, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nguyên tắc hoạt động là lấy thu bù chi và không mục tiêu lợi nhuận; công khai, minh bạch trong hoạt động mua, xử lý nợ xấu; hạn chế rủi ro và chi phí trong xử lý nợ xấu.
Các khoản nợ xấu phải đáp ứng đủ các điều kiện sau mới được VAMC mua gồm: nợ xấu của TCTD, nợ xấu có tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ...
Trà Phương
Cho vay tiêu dùng chưa phải là cách kích cầu tốt
Nhiều nhà kinh tế đều nhận thấy rằng cần phải kích tổng cầu vì sức mua quá thấp và sản xuất đình trệ. Lâu nay, chính sách mới chỉ khuyến khích tổng cung, tức là cung cấp tín dụng cho sản xuất, kêu gọi đầu tư…
Kích tổng cầu đã được nhiều nước áp dụng như tìm cách đầu tư cho DN để DN tăng công ăn việc làm cho người lao động. Đây là một cách kích tổng cầu tốt.
Một cách nữa theo tôi chưa được tốt lắm và chưa đi đến thống nhất là cho vay tiêu dùng. Đơn cử như gói tín dụng 30.000 tỉ đồng mới đây là thông qua việc cho người tiêu dùng vay để cứu mấy “ông” ngân hàng chứ chưa chắc người tiêu dùng hưởng lợi hoàn toàn.
Cuộc thảo luận của Quốc hội tới đây nên làm rõ cách kích tổng cầu nào là tốt nhất. Theo tôi là khuyến khích sản xuất, giảm thuế, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.
TS Lê Đăng Doanh
Cải tổ hệ thống ngân hàng: Phải mạnh tay!
Nếu chỉ tập trung vào giải pháp kích tổng cầu thì chưa phải là “liều thuốc mạnh” để gỡ khó cho nền kinh tế. Việc cần làm là cải tổ mạnh hệ thống ngân hàng, nhất là kiểm soát lại các ngân hàng yếu kém. Thậm chí phải yêu cầu các ngân hàng này dừng ngay việc huy động vốn để tập trung xử lý nợ.
TS Nguyễn Quang A
|
Mai Phương
Pháp Luật tphcm
|