Phân tích kỹ thuật cổ phiếu ”nóng”: GAS – Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas)
Việc mua vào ở gần cận trên của kênh giá cũ (hiện nay đang đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ) ở vùng 50,000 – 53,000 là khá an toàn. Chú ý cắt lỗ nhanh chóng nếu diễn biến bi quan và xuyên thủng ngưỡng 50,000.
TÍN HIỆU KỸ THUẬT QUAN TRỌNG
Dài hạn: Đà tăng duy trì khá vững chắc. Kể từ sau khi vượt lên trên SMA 50 vào đầu tháng 12/2012, giá của TCT Khí Việt Nam - CTCP (HOSE: GAS) chưa bao giờ rơi xuống dưới ngưỡng này dù có test lại khá nhiều lần trong các tháng gần đây.
Điều này cho thấy xu hướng tăng trưởng đang được duy trì khá vững chắc. Bên cạnh đó, do giá đã vượt qua được cận trên của kênh gía trung hạn nên khả năng bứt phá đang được nâng cao.
Ngắn hạn: Nhóm momentum cho phân kỳ giá xuống. Hiện tại với đà sụt giảm và tích lũy (dù không quá mạnh) liên tục thì nhóm momentum mà cụ thể là Stochastic Oscillator đã hình thành phân kỳ giá xuống (bearish divergence).
Điều này cho thấy khả năng tiếp tục tích lũy mạnh là rất lớn trong thời gian tới.
Các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự đáng chú ý xác định theo Fibonacci:
• Ngưỡng 0% : 58,300
• Ngưỡng 23.6% : 53,300
• Ngưỡng 38.2% : 50,800
• Ngưỡng 50.0% : 48,300
• Ngưỡng 61.8% : 46,100
• Ngưỡng 100.0%: 38,800
Chiến lược trading: Do cổ phiếu này đã vượt qua được cận trên của kênh gía trung hạn nên khả năng bứt phá đang được nâng cao. Việc mua vào ở gần cận trên của kênh giá cũ (hiện nay đang đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ) ở vùng 50,000 – 53,000 là khá an toàn. Chú ý cắt lỗ nhanh chóng nếu diễn biến bi quan và xuyên thủng ngưỡng 50,000.
MỘT SỐ THÔNG TIN ĐÁNG CHÚ Ý
Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP là đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam), hoạt động trên các lĩnh vực thu gom, vận chuyển, chế biến, lưu trữ, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí.
Hai mảng hoạt động kinh doanh chính của GAS bao gồm: sản xuất các sản phẩm khí và cung cấp các dịch vụ vận chuyển.
Các sản phẩm chính của GAS bao gồm Khí khô; Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), Khí ngưng tụ (Condensate), Khí thiên nhiên nén (CNG), Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Trong đó, mảng kinh doanh khí khô và khí dầu mỏ hóa lỏng đóng góp vai trò quan trọng trong doanh thu của GAS.
Nguồn cung khí của GAS được lấy từ Bể Cửu Long (thông qua đường ống Bạch Hổ); Bể Nam Côn Sơn (Đường ống Nam Côn Sơn 1, sắp tới có thêm đường ống Nam Côn Sơn 2 - đang đầu tư), Bể Malay - Thổ Chu (Đường ống PM3 – Cà Mau, sắp tới có thêm Đường ống Lô B - Ô Môn đang đầu tư).
Khách hàng chính của các sản phẩm khí khô và khí hóa lỏng LPG:
(1) Khí khô: Khách hàng đang sử dụng khí thiên nhiên chủ yếu là các hộ công nghiệp, gồm các nhà máy điện ở khu vực Đông và Tây Nam bộ - chiếm khoảng 83.7% tổng sản lượng khí, nhà máy đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau - 9.3%, phần còn lại 7% được tiêu thụ bởi các hộ công nghiệp sản xuất khác.
(2) Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG): GAS là nhà cung cấp LPG lớn nhất tại Việt Nam với quy mô thị phần 77% trong năm 2011. Khách hàng chính của GAS ở lĩnh vực này là các công ty mua bán và phân phối LPG như Petrolimex, SaigonPetro, Elf Gas, Shell Gas, Gia Định Gas, Petredec, BW, Petronas, PTT Oil, PV Gas North, PV Gas South.
Lợi nhuận tăng trưởng đột biến trong năm 2012. Theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2012, doanh thu năm 2012 của GAS đạt 68,419 tỷ đồng, tăng hơn 6.3% so với năm 2011. Lợi nhuận trước thuế năm 2012 đạt gần 12,350 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với năm 2011; và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 9,807 tỷ đồng, tăng mạnh 65.9%.
Lợi nhuận năm 2012 của GAS tăng trưởng mạnh chủ yếu đến từ:
(1) Tỷ lệ lãi gộp cải thiện mạnh từ 16% lên gần 22%. Theo đó, tỷ lệ lãi gộp trong năm 2012 tăng lên 21.8% từ mức chỉ 16.4% trong khi năm 2011. Tỷ lệ lãi gộp của GAS được cải thiện chủ yếu đến từ việc tỷ lệ lãi gộp của mảng kinh doanh khí khô tăng từ 20.4% năm 2011 lên 31.5% trong năm 2012, nhờ việc điều chỉnh giá bán khí cho các hộ kinh doanh điện, đạm và các hộ công nghiệp.
(2) Lợi nhuận tài chính lên đến 587 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính trong năm 2012 đạt 587 tỷ đồng, trong khi năm 2011 âm đến 371 tỷ đồng. Lợi nhuận tài chính tăng trưởng mạnh mẽ khi chi phí tài chính của GAS giảm mạnh trong năm qua, nhờ: (i) GAS đã giảm nợ gốc khá mạnh trong năm qua giúp giảm bớt chi phí lãi vay và (ii) Diễn biến tỷ giá ổn định giúp giảm thiểu chi phí phát sinh từ tỷ giá.
Lợi nhuận trước thuế quý 1/2013 ước đạt 5,100 tỷ đồng. HĐQT cho biết lợi nhuận trước thuế của GAS ước đạt 5,100 tỷ đồng trong quý 1/2013, bao gồm cả khoản hoàn nhập từ quỹ nghiên cứu khoa học 1,100 tỷ đồng. Với kết quả này, LNTT quý 1 của GAS đã tăng hơn 73% so với cùng kỳ năm 2012, và đạt 53.9% kế hoạch của cả năm 2013.
Kế hoạch kinh doanh năm 2013. GAS đặt kế hoạch kinh doanh năm 2013 với mức doanh thu 55,751 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9,453 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7,693 tỷ đồng và cổ tức 20%. Kế hoạch kinh doanh đặt ra cho năm 2013 giảm so với năm 2012 được giải thích là do GAS lập kế hoạch với giá dầu ở mức 90 USD/thùng.
Vị thế lớn trong ngành, khi (i) GAS là thành viên thuộc Tập Đoàn Dầu Khí Quốc gia Việt Nam; (ii) GAS đang cung cấp nguồn nguyên nhiên liệu để sản xuất 40% sản lượng điện cả nước, 70% sản lượng phân đạm và chiếm trên 70% thị phần LPG cả nước. Điều này giúp đảm bảo sự hoạt động ổn định lâu dài của GAS trong tương lai.
Kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng nhờ vào: (i) Nhu cầu sử dụng khí được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm tới; (ii) Việc điều chỉnh giá bán cho các hộ tiêu thụ sẽ được tiếp tục thực hiên theo lộ trình từ đây đến năm 2015.
Nguồn tiền dồi dào. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính của GAS tăng trưởng khá tốt trong những năm qua. Nhờ đó, lượng tiền mặt của GAS khá ổn định; tính đến cuối năm 2012, lượng tiền mặt của GAS đạt 12,753 tỷ đồng. Lượng tiền mặt dồi dào này sẽ giúp mang về khoản lợi nhuận tài chính lớn và sẽ là nguồn lực lớn giúp GAS chủ động trong các hoạt động đầu tư.
Chỉ số tài chính cơ bản. Hiện cổ phiếu GAS đang giao dịch ở mức P/E trailing là 7.46 lần và P/B là 2.69 lần.
(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)
Phòng Nghiên cứu Vietstock
ffn
|