Góc nhìn 18/04: Chưa thể tăng trở lại?
Hai ý kiến trái chiều được đưa ra, một bên cho rằng thị trường sẽ phục hồi yếu, một bên thì nhận định tiếp tục giảm ở phiên tiếp theo. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán lại chung một khuyến nghị nắm giữ tiền mặt, hạn chế mua vào.
Rủi ro thủng ngưỡng hỗ trợ 460
CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE): Phiên hồi phục ngày 17/4 là kém tin cậy: giá tăng nhẹ tại các mã bluechips nhưng thanh khoản xuống rất thấp. Khối lượng giao dịch chỉ còn 28 triệu cổ phiếu, là mức thấp nhất kể từ 12/2012 trở lại đây. MBKE hiểu điều này như việc thị trường không chắc chắn về khả năng hồi phục bền vững của giá. Do đó, giá sẽ yếu đi trước khi tới được mức 497 điểm.
Như vậy, VN-Index đang tạm thời bật lên sau khi được hỗ trợ ở khu vực 460 điểm. Có thể thị trường sẽ quay trở lại rớt điểm và thử mức hỗ trợ này trong các phiên tới, sau khi giá yếu đi ở khu vực 490. Đánh giá chung của MBKE là rủi ro ở mức cao và các nhà đầu tư nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục thấp.
Khối nước ngoài mua ròng khoảng 1 triệu cổ phiếu trong phiên 17/4, nhưng mức độ giao dịch của họ thấp. Tổng giao dịch mua và bán của họ chỉ đạt dưới 6 triệu cổ phiếu, thấp hơn hẳn so với những phiên trước và cũng khá tương đồng với những gì đã diễn ra trên thị trường chung.
Phục hồi ngắn hạn
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Thị trường có sự hồi phục đáng kể vào cuối phiên 17/04, đặc biệt là trên HOSE, trong khi sàn HNX tiếp tục ảm đạm. Thanh khoản cả 2 sàn vẫn suy giảm mạnh.
Thị trường đang trong quá trình phục hồi sau đợt giảm mạnh, tuy nhiên BSI cho rằng đây chỉ là đợt phục hồi ngắn hạn. Vùng điểm 487 – 490.5 điểm được đánh giá sẽ là mức tối đa trong quá trình phục hồi này.
Thời gian diễn ra quá trình phục hồi được dự báo là 03 phiên, quá trình sụt giảm tiếp theo được dự báo chậm nhất là trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ Nghỉ lễ. Do vậy việc mua vào ở thời điểm hiện tại vẫn chưa được đề xuất.
Chờ đợi thanh khoản cải thiện
CTCP Chứng khoán Á Âu (AAS): Lực cung không còn duy trì ở mức cao, trong khi đó, bên mua cũng tỏ ra tích cực hơn ở các vùng giá quanh tham chiếu đã giúp VN-Index tăng điểm trở lại lần đầu tiên sau 3 phiên.
Bên cạnh 2 cổ phiếu VNM và SJS tiếp tục cho thấy sự hồi phục thì sự quay trở lại của MSN đã đóng góp vai trò không nhỏ trong việc giúp VN-Index tái lập thành công mốc 480 điểm.
Lo ngại đã giảm bớt nhưng tâm lý e dè vẫn còn khá lớn trong giới đầu tư là nguyên nhân chính khiến cho thanh khoản có sự sụt giảm nghiêm trọng, trên cả 2 sàn giao dịch chính.
Ngưỡng 480 điểm đã phần nào cho thấy sự hỗ trợ, ít nhất là về mặt tâm lý đối với nhà đầu tư.
Mặc dù vậy, AAS cho rằng nhà đầu tư vẫn cần chờ đợi thêm những biểu hiện tích cực khác như việc cải thiện về mặt thanh khoản, sự phục hồi của các cổ phiếu trụ cột hay thị trường đón nhận các thông tin hỗ trợ đủ mạnh để có thể ra quyết định giải ngân ngắn hạn.
Hướng giảm chiếm ưu thế
Công ty chứng khoán ACB (ACBS): Mặc dù bị kéo xuống dưới tham chiếu sau đợt phục hồi đầu giờ phiên giao dịch 17/04, VN-Index vẫn đóng cửa với mức tăng khá nhờ vào một đợt phục hồi khác gần cuối phiên. Tuy nhiên, khối lượng tiếp tục giảm, cho thấy dấu hiệu của giai đoạn điều chỉnh hơn là đảo chiều. Thực tế, chỉ một số ít mã tăng mạnh ngày 17/04, trong đó có CII, MSN, PNJ, STB, VNM …, và đóng góp phần lớn điểm tăng cho VN-Index. Do đó, ACBS tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng. VN-Index nhiều khả năng sẽ giảm điểm hơn là tăng trong các phiên tới.
Tiêu cực hơn, HNX-Index chủ yếu giao dịch dưới tham chiếu trong suốt phiên 17/04, trong phiên kế tiếp, HNX-Index có thể tiếp tục mất điểm. Mục tiêu gần nhất của HNX-Index là 57, Fibonacci 61.8. Để cho bức tranh trung hạn của HNX-Index không quá tiêu cực, ACBS kỳ vọng HNX-Index sẽ không xuyên thủng hỗ trợ này.
Chưa đủ để trở lại xu thế tăng
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Xét trên phương diện kỹ thuật, đà rơi của thị trường đã tạm thời chững lại nhưng những tín hiệu được phát đi không đủ để đảm bảo cho khả năng thị trường sẽ trở lại xu thế tăng ngay sau nhịp điều chỉnh.
Thêm vào đó, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn chưa có những chuyển biến thực sự tích cực thì kỳ vọng của nhà đầu tư cũng trở nên kém bền vững hơn rất nhiều so với giai đoạn sóng tăng đầu năm. Hiện tại, diễn biến của giá vàng vẫn tiếp tục là tiêu điểm được nhiều người quan tâm với lo ngại về khả năng sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền trong thị trường.
Ngoài ra, động thái mua – bán của khối ngoại trong vài phiên gần đây cũng không cho thấy xu hướng rõ rệt và nhiều khả năng sẽ còn kéo dài trong ngắn hạn. Theo đó, những phiên sắp tới, FPTS bảo lưu khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng quan sát thêm những động thái tiếp theo của thị trường và khối ngoại, chú ý mốc 480 của VN-Index và tránh những hoạt động mua đuổi trong phiên.
Trần Việt tổng hợp (Vietstock)
Ffn
|