Góc nhìn 11/04: Cảnh giác hành động của khối ngoại
Các lệnh đặt ồ ạt trong phiên ATC diễn ra vào ngày giao dịch 10/4 thực sự tạo nên một áp lực tâm lý lớn cho thị trường. Các chuyên gia phân tích khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng và gia tăng tỷ trọng tiền mặt để tham gia thị trường khi đã hạ nhiệt.
Thanh khoản thấp
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Trong các mã bị bán mạnh phiên 10/04 có nhiều mã thuộc danh mục của FTSE VietNam ETF, cho thấy nhiều khả năng là do quỹ đầu tư này đã bán ra. Cách thức đặt lệnh ồ ạt trong phiên ATC cũng không phải là mới vì trước đó đã xuất hiện nhiều phiên các quỹ nước ngoài hành xử như vậy.
Với cách thức bán ra ồ ạt trong 1 thời điểm ngắn cuối phiên tất nhiên sẽ khiến thị trường khó tránh khỏi sụt giảm mạnh và tạo tâm lý bất an cho các nhà đầu tư nói chung. Tuy nhiên nếu việc bán ra không kéo dài trong các phiên tới, thì tâm lý thị trường sẽ sớm lấy lại được sự cân bằng. Dự đoán phiên giao dịch ngày 11/04 khả năng thanh khoản thấp do nhà đầu tư sẽ thận trọng chờ đợi tới cuối phiên ATC để theo dõi tiếp động thái của khối ngoại.
Nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao nên cân nhắc giảm bớt tỷ trọng để hạn chế rủi ro trong trường hợp hành động của khối ngoại diễn biến xấu.
Duy trì thận trọng
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Trong thời điểm đầu phiên 10/4 thị trường tăng điểm với diễn biến khá tích cực giống những phiên giao dịch trước đó, các cổ phiếu trụ cột như GAS, MSN, VNM hồi phục giúp sắc xanh trên cả hai sàn liên tục được duy trì, cùng với đó là diễn biến tăng giảm đan xen của các cổ phiếu Bluechips khác.
Tuy nhiên bất ngờ đã đến trong thời gian giao dịch buổi chiều khi thị trường mất dần số điểm tăng và các cổ phiếu chủ chốt bị bán ra mạnh trong 15 phút cuối kéo chỉ số trên cả hai sàn cùng giảm điểm mạnh, VN-Index tuột khỏi mốc 500. Giao dịch trong phiên khá sôi động giúp thanh khoản của thị trường tăng nhẹ. Nhà đầu tư nước sau những phiên mua ròng liên tục bất ngờ quay trở lại bán ròng trong phiên 10/04 với giá trị là 59.8 tỷ đồng, tập trung ở một số cổ phiếu như HAG, ITA, VBC, STB.
Diễn biến bất ngờ đến vào thời điểm cuối phiên giao dịch, các cổ phiếu chủ chốt bị bán ra mạnh kéo theo nhiều cổ phiếu khác trên thị trường cùng mất điểm. Trong khi không có thông tin nào đủ mạnh để tác động trực tiếp đến thị trường thì động thái bán mạnh vào thời điểm cuối ngày 10/04 nhiều khả năng là hoạt động cơ cấu danh mục của khối ngoại, cùng với đó là tâm lý của nhà đầu tư trong nước cũng bị tác động mạnh.
Hiện tại đang thiếu những thông tin hỗ trợ tác động trực tiếp tới thị trường nhưng báo cáo quý 1 của các doanh nghiệp niêm yết cũng đang dần hé lộ và đối với những công ty có kết quả kinh doanh tốt. FPTS cho rằng vẫn sẽ có nhiều kỳ vọng trong ngắn hạn.
Những phiên sắp tới nhà đầu tư có thể cân nhắc tham gia thị trường với một phần danh mục của mình khi thị trường tiếp tục hồi phục trở lại, chú ý mốc 500 nếu VN-Index lấy lại được trong những ngày tới, trong kịch bản ngược lại nên duy trì sự thận trọng nếu các ngưỡng hỗ trợ không thể phát huy tác dụng.
Đối mặt rủi ro mất điểm
CTCP Chứng khoán Á Âu (AAS): Phiên giao dịch 10/04 chỉ thực sự diễn ra trong vòng 15 phút cuối. Giới đầu tư bị một phiên bất ngờ khi thị trường đột ngột thay đổi trạng thái từ tăng khá sang giảm mạnh với sự thoái vốn khối lượng lớn và gần như đồng loạt ở nhiểu cổ phiếu trụ cột, từ đó lan rộng ra toàn thị trường. Tất cả những diễn biến kịch tính đó chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi của đợt giao dịch khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa.
Mối lo ngại về biểu hiện không đúng thực chất của các chỉ số mà cụ thể là VN-Index dường như đã có câu trả lời với phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 26/02/2013. Với sự quay đầu đột ngột của hàng loạt bluechips, chỉ số chứng khoán đã đánh mất số điểm gần đúng bằng với 3 phiên tích lũy trước đó.
Cho đến khi nguyên nhân trực tiếp dẫn đến một cuộc “hoảng loạn mini” trong phiên 10/04 được tìm ra, đồng thời không có những thông tin hỗ trợ đủ liều và kịp thời, AAS cho rằng thị trường sẽ còn phải đối mặt với rủi ro mất điểm, ít nhất là trong hai phiên giao dịch cuối tuần này.
Tiếp tục gia tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục để hạn chế rủi ro đồng thời chuẩn bị một nguồn lực sẵn có cho việc tham gia trở lại khi thị trường hạ nhiệt là chiến thuật tương đối phù hợp để nhà đầu tư ngắn hạn có thể từng bước thực hiện trong giai đoạn hiện tại.
Lại chờ thời
CTCP Chứng khoán đầu tư Việt Nam (IVS): Thị trường thực sự bất ngờ với lực bán rất mạnh ở phiên ATC, xuất phát từ những mã VCB, BVH, HAG, DPM... sau đó lan sang rất nhiều mã BCs khác. Số lượng bán mạnh mà chưa rõ thông tin vì sao khiến nhà đầu tư cảm thấy lo lắng.
Theo tìm hiểu thì áp lực bán này có thể xuất hiện từ quỹ ETF. Thực tế, phiên 10/4 không phải là phiên đầu tiên mà 2 phiên trước đó đã xuất hiện lực bán tương đối mạnh ở ATC. Tuy nhiên theo quan sát thì không chỉ có nhà đầu tư nước ngoài mà ngay cả nhà đầu tư nội địa cũng bán mạnh ở những mã: CSM, CTG, GMD, PET...
Chốt phiên, chỉ số VN-Index giảm xuống dưới ngưỡng 500 điểm và tạo một cây nến đỏ dài, khoảng cách cây nến đó tương đương gần 20 điểm. Về mặt kỹ thuật thì đây là một chỉ báo không tốt, nó cho thấy xác xuất đảo chiều giảm là khá cao. Trong khi tâm lý nhà đầu tư vẫn còn hồ nghi về khả năng tăng điểm thì diễn biến phiên 10/4 sẽ ảnh hưởng mạnh tới tâm lý thị trường trong những phiên tới đây.
Tuy nhiên, xu thế trước đó của nhà đầu tư là mua cổ phiếu cơ bản nên sẽ giúp cho nhiều mã cổ phiếu khó giảm sâu bởi khi giá giảm mạnh thì cầu mua lại xuất hiện. Chỉ số VN-Index sẽ bị tác động mạnh bởi chính nhóm LargeCap và nhóm cổ phiếu tăng nóng. Tuy nhiên với tình hình hiện tại, tốt nhất là ngừng giải ngân và chờ đợi xem diễn biến tiếp theo của thị trường ra sao.
Minh Hằng tổng hợp (Vietstock)
Ffn
|