Thứ Ba, 12/03/2013 18:58

Góc nhìn 13/03: Cung cầu đã cân bằng?

Từ những tín hiệu tích cực trong phiên 12/03, các chuyên gia phân tích cho rằng cung cầu trên thị trường có thể đã tìm ra điểm cân bằng nhưng động lực tăng điểm dường như chưa xuất hiện. Do đó, rủi ro đã giảm thiểu đáng kể và lợi nhuận đi kèm cũng khó cao.

Giải ngân một phần danh mục

CTCP Chứng khoán Á Âu (AAS): Diễn biến giằng co đã quay trở lại chỉ sau 1 phiên giao dịch khả quan khi thị trường không còn nhận được động lực từ các đại diện thuộc nhóm bất động sản và khai khoáng, trong khi sự trỗi dậy của các cổ phiếu luyện kim và dầu khí lại chưa cho thấy khả năng đủ sức để thay thế vai trò dẫn dắt thị trường.

Áp lực bán hiện tại là khá lớn khi nó đủ sức đẩy lùi đà hưng phấn đầu phiên giao dịch, khiến nhiều chứng khoán thiết lập biên độ dao động khá rộng, giá dịch chuyển theo chiều hướng thấp dần về cuối phiên trước khi nhận được một đợt mua nữa giúp thị trường ghi nhận mức thiệt hại tương đối thấp.

Các chỉ số dịch chuyển ổn định đi cùng sự cải thiện về thanh khoản được xem là một dấu hiệu tương đối tích cực cho khả năng phục hồi của thị trường, trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, đề án thành lập công ty quản lý và khai thác tài sản (VAMC) nhiều khả năng sắp được công bố cũng là một thông tin được cho là sẽ có nhiều tác động lớn đến quyết định của nhà đầu tư trong thời gian tới.

Vẫn cần thời gian để có thể xác định thông tin này có ảnh hưởng như thế nào đến thị trường chứng khoán nhưng với các điều kiện hiện có, AAS cho rằng việc giải ngân một phần danh mục với mục tiêu tạo lợi thế bước đầu là động thái có thể thực hiện với một mức rủi ro không quá lớn.

Tạm thời đi ngang

CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Lực bán ra phiên 12/03 có phần mạnh hơn so với phiên trước, tuy nhiên chưa thực sự quyết liệt. Trong khi đó ở phía ngược lại, lực cầu dưới tham chiếu duy trì được ở mức khá tốt. Tương quan cung cầu như vậy giúp thị trường không điều chỉnh quá sâu, trong khi thanh khoản vẫn duy trì được ở mức khá.

Với diễn biến thị trường như trên, BSI cho rằng thị trường đang có sự ổn định trở lại sau đợt giảm sâu vừa qua, rủi ro vì thế được giảm bớt đáng kể. Tương quan cung cầu tương đối cân bằng quanh mức giá hiện tại, ủng hộ kịch bản thị trường tạm thời dao động đi ngang, ít nhất trong ngắn hạn.

Ngay cả trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ 460 và 59 điểm được BSI đánh giá là tương đối vững chắc cho 2 chỉ số. Tuy nhiên, trong kịch bản nếu giá tiếp tục tăng, BSI cho rằng tương quan cung cầu sẽ có sự xê dịch nhanh về phía cung. Điều này đồng nghĩa việc mua vào tại vùng giá này sẽ chưa mang lại nhiều lợi thế cho nhà đầu tư. Do đó, nhà đầu tư nên tránh mua đuổi giá trong các đợt tăng, việc giải ngân chỉ nên được xem xét trong các đợt thị trường điều chỉnh.

Chinh phục ngưỡng kháng cự mới

CTCP Chứng khoán đầu tư Việt Nam (IVS): Lực cầu mạnh về cuối phiên đã giúp cả hai chỉ số hồi phục trở lại, chỉ số VN-Index đóng cửa tại 475.34 điểm giảm nhẹ 0.24%, còn HNX-Index là 62.22 điểm tăng 0.27%.

Gần như toàn bộ phiên giao dịch phiên 12/3, thị trường phải chịu áp lực từ bên bán khá lớn. Chỉ số VN-Index có lúc sụt giảm mạnh xuống 470.51 điểm tiệm cận với ngưỡng hỗ trợ 470 điểm trước khi có sự phục hồi trở lại. Một lần nữa IVS nhận thấy được sự chủ động từ lực mua vào cho dù áp lực bán là khá lớn. Rõ ràng tâm lý của nhà đầu tư đã được cải thiện khá đáng kể. Tuy vậy, họ chưa dám quá mạo hiểm mở trạng thái mua mạnh ở vùng giá cao, tuy nhiên ở những vùng giá thấp lực mua này đang mạnh lên.

Do đó những đợt giảm điểm như vậy thường là cơ hội cho những nhà đầu tư có nhu cầu mua vào. Kết hợp với lực mua từ khối ngoại sẽ giúp cho thị trường trụ vững trước những lực bán và IVS tin rằng thị trường sẽ tiến tới những ngưỡng kháng cự mới là 480 điểm của VN-Index và 64 điểm của HNX-Index.

Trong phiên 12/03 nhóm cổ phiếu tạo ấn tượng mạnh về sức mua cũng như khối lượng giao dịch trên HOSE là VIS, HBC, HPG, ITAKBC... còn trên sàn HNX thì nhóm PVX, VCG, SCR là nhóm có KLGD tốt. Những cổ phiếu có hệ số beta cao có tính đầu cơ đang dần trở lại, và điều này sẽ sớm kích thích thêm dòng tiền quay lại với nhóm cổ phiếu trên.

Xu thế khó đoán định

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Phiên giao dịch ngày 12/03 đã khép lại với diễn biến đóng cửa trái chiều của các chỉ số chính trên hai sàn HNX và HOSE. Dưới áp lực bán có phần áp đảo sức mua, VN-Index đã đảo chiều giảm điểm trở lại sau phiên tăng tích cực liền trước. Trong khi đó, HNX-Index vẫn duy trì được đà tăng, nối dài chuỗi hồi phục sang phiên thứ 3 liên tiếp.

Có thể thấy, cung – cầu trong phiên 12/03 khá giằng co và xu hướng thị trường vẫn rất khó để có thể xác định. Về cuối phiên, diễn biến hồi phục nhẹ tại một số cổ phiếu bluechips như BVH, CSM, SHB … đã giúp các chỉ số có sự cải thiện nhẹ về điểm số tuy nhiên sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử vẫn cho tín hiệu không mấy lạc quan về xu hướng thị trường trong một vài phiên tới. Sức cầu khối ngoại cũng đã đóng góp đáng kể trong việc nâng đỡ xu thế thị trường khi trở lại mua ròng với giá trị đạt 112.4 tỷ đồng, sức mua tập trung chủ yếu ở HPG, DPM, VND

Để có thể trở lại xu thế hồi phục thì thanh khoản của thị trường vẫn cần phải được cải thiện nhiều hơn nữa. Việc thanh khoản không có sự cải thiện nào trong phiên 12/03 cho thấy dòng tiền vẫn khá thận trọng và chưa thực sự sẵn sàng tham gia thị trường trở lại. Cùng với đó thì tâm lý nhà đầu tư đã cân bằng hơn sau đợt sụt giảm trước nhưng có vẻ như niềm tin về thị trường vẫn chưa thể lấy lại được trong ngắn hạn.

Mặc dù đã có thêm một số tín hiệu tích cực được phát đi từ nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao nhưng xu thế chung của thị trường vẫn khá bất ổn khi mà những thông tin vĩ mô hỗ trợ vẫn chưa xuất hiện. Ngoài ra, dưới áp lực từ các ngưỡng cản kỹ thuật quan trọng ngắn hạn thì xác suất để xu thế tăng sẽ quay trở lại vẫn là khá thấp. Theo đó, FPTS bảo lưu khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng và chờ đợi thị trường cân bằng cùng những diễn biến tích cực hơn từ thanh khoản.

Chú ý mốc 480 điểm

CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE): Mặc dù được kỳ vọng vượt qua mức 481, qua đó tạo lập mức đỉnh sau cao hơn đầu tiên kể từ đợt điều chỉnh và đưa ra tín hiệu kỹ thuật tích cực hơn, cả hai chỉ số biến động đáng kể trong phiên nhưng đóng cửa ít thay đổi so với phiên 11/03. Hai thanh nến có bóng nến khá dài và thân nến hẹp trên đồ thị của VN-Index và HNX-Index cho thấy sự xáo trộn trong tâm lý các nhà đầu tư, và cũng thể hiện rằng lực lượng mua và bán đang cân bằng tại khu vực hiện tại sau khi tăng nhẹ vài phiên vừa qua.

Động thái của các nhà đầu tư nước ngoài là một trong các mối quan tâm chủ yếu của các nhà đầu tư sau khi một số quỹ ETF có sự điều chỉnh về danh mục của họ. Khối này hoạt động mạnh trong phiên 12/03, với khối lượng mua ròng xấp xỉ 5 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, có thể thấy các giao dịch này không/chưa có tác dụng nâng đỡ thị trường tại khu vực nhạy cảm 480 điểm.

MBKE cho rằng các nhà đầu tư vẫn nên quan sát mức 480 như mốc quan trọng cho thấy quá trình điều chỉnh đã chấm dứt hay chưa. Nếu mức này được vượt qua, có thể thị trường vào giai đoạn tăng mới hoặc thị trường bước vào giai đoạn tích lũy tiếp theo sau khi điều chỉnh chấm dứt.

Mỹ Hà tổng hợp (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   CTCK không dễ tách riêng tiền của khách hàng (11/03/2013)

>   Góc nhìn 12/03: Quay lại xu hướng tăng chính? (11/03/2013)

>   Góc nhìn tuần 11-15/04: Vẫn rất thận trọng (10/03/2013)

>   Tự doanh CTCK tranh thủ “lướt sóng” (09/03/2013)

>   Tìm cơ hội thị trường tháng 3 (09/03/2013)

>   Đánh giá mới của Bản Việt về kinh tế vĩ mô sau chuyến gặp gỡ cơ quan nhà nước (08/03/2013)

>   Chứng khoán sẽ ổn định hơn vào cuối năm (08/03/2013)

>   Góc nhìn 08/03: Đè giá gom hàng? (07/03/2013)

>   Góc nhìn 07/03: Chờ đợi tín hiệu từ thanh khoản (06/03/2013)

>   Chọn đầu tư dài hạn (06/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật