Góc nhìn tuần 11-15/04: Vẫn rất thận trọng
Nhận định thị trường đang rất thiếu thông tin hỗ trợ đồng thời tâm lý của đa phần giới đầu tư vẫn rất e dè nên các CTCK khuyên người cầm cổ thận trọng và hạn chế mua đuổi giá cao trong phiên tăng điểm.
Giằng co thanh khoản thấp
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Phiên giao dịch 08/03 thị trường đã có sự hồi phục đáng kể nhờ sự góp sức của một số cổ phiếu lớn. Sức cầu trong phiên vẫn khá yếu ớt nhưng lượng cung ở giá thấp không nhiều giúp thị trường đóng cửa cuối phiên với sắc xanh phủ kín. Mặc dù tăng điểm nhưng diễn biến giao dịch vẫn khá thận trọng và chậm rãi, thanh khoản vì thế mà chỉ duy trì ở mức thấp.
Trong phiên 08/03 nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng với giá trị 56.8 tỷ đồng; tập trung ở một số cổ phiếu như SSI, DPM, VND. Quỹ ETF FTSE nhiều khả năng cũng đang thực hiện hoạt động cơ cấu danh mục của mình như đã công bố khi bán ra khá mạnh cổ phiếu CTG trong những phiên gần đây.
Thanh khoản của thị trường vẫn đang là vấn đề đáng lo ngại khi nó thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư và sự thờ ơ của dòng tiền đầu cơ. Vì vậy thanh khoản của thị trường vẫn cần được quan tâm và cải thiện trong những phiên sắp tới. Thị trường có vẻ như đã tìm được một số điểm cân bằng trong ngắn hạn và diễn biến trong những phiên tới nhiều khả năng sẽ là những phiên tăng giảm đan xen với thanh khoản thấp.
Hiện tại thị trường đang thiếu thông tin hỗ trợ để có thể nghĩ đến việc xu thế tăng sẽ quay trở lại vì vậy nhà đầu tư nên thận trọng với quyết định giải ngân của mình đặc biệt là những cổ phiếu đầu cơ. FPTS vẫn bảo lưu khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng, chờ đợi thị trường có những diễn biến tích cực và rõ rệt hơn
Cơ hội đầu tư ngắn hạn
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC): Thị trường đang có diễn biến khá cân bằng, và nếu không xuất hiện cú sốc về thông tin thì vùng hỗ trợ vừa qua sẽ được bảo toàn trong một vài phiên tới. BVSC cho rằng, diễn biến trong giai đoạn sắp tới sẽ cân bằng hơn với sự phân hóa của nhiều cổ phiếu. Nhóm các cổ phiếu được các quỹ ETF mua mới hoặc tăng tỷ trọng sẽ có diễn biến tích cực, trong khi các cổ phiếu thanh khoản thuộc nhóm đầu cơ khó thu hút được dòng tiền như giai đoạn trước.
Theo quan điểm của BVSC, việc biến động trong biên độ hẹp và phân hóa sẽ khiến thị trường xuất hiện một số cơ hội đầu tư ngắn hạn. Phiên đầu tuần sau, nhà đầu tư với mức độ chấp nhận rủi ro cao có thể xem xét giải ngân tỷ trọng thấp vào các cổ phiếu blue chips được các quỹ ETF đầu tư mới, hoặc sẽ gia tăng tỷ lệ nắm giữ.
Nghiêng về diễn biến xấu
CTCP Chứng khoán Maybank Kimeng Việt Nam (MBKE): Trong ba ngày gần nhất, VN-Index biến động liên tục tăng giảm xen kẽ. Điều này được nhìn nhận như sự tranh chấp giữa người bán và mua ở khu vực 470 hiện tại. Mặc dù thị trường tăng điểm đáng kể 0.9% trong phiên 08/03, MBKE chưa đánh giá cao sự vững vàng của người mua: khối lượng giao dịch của VN-Index tiếp tục giảm sút xuống 30.1 triệu cổ phiếu từ mức 41,3 triệu phiên trước. Mức này cũng chỉ tương đương khoảng 44% mức khối lượng trung bình trong 50 ngày gần nhất. Khối lượng giảm mạnh khi giá hồi phục nhẹ cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang dè dặt với rủi ro.
MBKE cho rằng câu chuyện đằng sau của sự điều chỉnh giảm từ đầu tháng 2/2013 là do không có nhiều tiến triển về chi tiết của các giải pháp quan trọng của chính phủ trong ba vấn đề: việc giải quyết vấn đề nợ xấu, gia tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài và lộ trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước.
Trong tuần 11-15/03, tiền đồng đã suy yếu và tỷ giá USD/VNĐ đã vượt lên trên 21,000 lần thứ hai kể từ sau Tết và hiện được giao dịch trên thị trường tự do cao hơn khoảng 1% so với tỷ giá chính thức. MBKE cho rằng biến động này có thể là do thị trường phản ứng với việc Ngân hàng Nhà nước có thể nhập 1-2 tỷ USD vàng mỗi năm và do kỳ vọng lãi suất VNĐ tiếp tục giảm sẽ khiến các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp lớn bắt đầu đóng lại các trạng thái chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VNĐ vốn đã được mở ra trong năm 2011-2012 khi lãi suất giữa hai đồng tiền chênh lệch cao.
MBKE cũng được nghe về một số lo ngại từ các chuyên viên môi giới về tin đồn rằng một số quỹ ETF có thể sẽ bán mạnh trên thị trường trong thời gian tới. Cho rằng những lo ngại này là không có cơ sở vững chắc, nhưng tin đồn này rất thú vị vì nó tuân thủ theo quy luật sau: Trong một xu hướng tăng, các nhà đầu tư thường có các tin đồn tốt và ngược lại, trong các xu hướng giảm, thường có các tin đồn về các sự kiện xấu.
Tóm lại, MBKE cho rằng điều chỉnh vẫn đang tiếp diễn và các nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường.
Khó bứt phá
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Thanh khoản tăng mạnh trong những phiên giảm điểm và sụt giảm trong những phiên tăng điểm cho thấy tâm lý khá mong manh của các nhà đầu tư, nguyên nhân là do thiếu thông tin hỗ trợ và các đợt bán mạnh cuối tuần trước và đầu tuần này khiến cho nhà đầu tư trở nên thận trọng. Trước diễn biến của những phiên gần đây, VDS cho rằng, áp lực bán đã được hạn chế bớt, tuy nhiên, chưa có lý do ủng hộ chỉ số phục hồi mạnh trở lại. Do đó, việc mua vào ở các mức giá cao trong những phiên thanh khoản thấp là khá rủi ro và lực mua có thể dễ dàng bị lấn át bởi bên bán khi lượng cổ phiếu trong những phiên bắt đáy đầu tuần là khá lớn.
Tuần giao dịch tới có thể sẽ tiếp tục là một tuần thiếu vắng thông tin hỗ trợ trừ khi những thông tin mới về đề án VAMC hoặc việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài được công bố, nếu không khả năng chinh phục trở lại ngưỡng 480 điểm của VN-Index sẽ là rất khó khăn. Trên quan điểm thận trọng, VDS khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế mua đuổi giá cao trong những phiên tăng điểm, vùng biến động kỳ vọng trong tuần giao dịch tới đối với VN-Index sẽ nằm trong khoảng (460-480) điểm.
Mỹ Hà tổng hợp (Vietstock)
Ffn
|