Phân tích kỹ thuật cổ phiếu ”nóng”: VSH - CTCP Thủy Điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh
Giá liên tục bứt phá mạnh và phá vỡ vùng kháng cự mạnh 11,300 – 11,500. Trong bối cảnh hiện tại, việc canh mua khi giá test lại vùng 11,300 – 11,500 đang được ủng hộ. Trong trường hợp giá tiếp tục tăng mạnh, việc xem xét bán ra trong vùng 13,200 – 13,500 là cần thiết.
CÁC TÍN HIỆU KỸ THUẬT QUAN TRỌNG
Dài hạn: Tích lũy lâu, bứt phá mạnh. Một trong những điểm có thể coi là đặc trưng của cổ phiếu này là sự tích lũy thường kéo dài rất lâu trong nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng. Chính vì đặc điểm này nên việc đầu tư vào VSH đòi hỏi sự kiên nhẫn lớn.
Sau gần 2 tháng tích lũy liên tục, giá đã bắt đầu bứt phá vào cuối tháng 10/2012 và liên tục tăng trưởng (có điều chỉnh xen kẽ) cho đến nay. Kết quả của đợt bứt phá này là vùng kháng cự mạnh 11,300 – 11,500 đã bị phá vỡ.
Hiện tại giá đang tăng trưởng tốt và ổn định. Mục tiêu của đợt tăng trưởng lần này là vùng 13,200 – 13,500.
Ngắn hạn: MACD sắp đạt đỉnh trung hạn. MACD đã liên tục tăng trong khoảng 3 tuần qua, và tiếp cận trở lại vùng đỉnh trung hạn. Trong quá khứ, hiếm khi MACD duy trì trong vùng này được lâu nên nhà đầu tư cần thận trọng nếu trong những tuần tới chỉ báo này đảo chiều và cho tín hiệu bán trở lại.
Thanh khoản đang rất tốt. Khối lượng khớp lệnh hiện đang duy trì bên trên trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 600,000 đơn vị/phiên). Điều này cho thấy lực cầu đang rất mạnh.
Các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự đáng chú ý xác định theo Fibonacci:
• Ngưỡng 0% : 9,200
• Ngưỡng 23.6% : 10,200
• Ngưỡng 38.2% : 10,800
• Ngưỡng 50.0% : 11,400
• Ngưỡng 61.8% : 11,900
• Ngưỡng 100.0%: 13,500
Chiến lược trading: Trong bối cảnh hiện tại, việc canh mua khi giá test lại vùng 11,300 – 11,500 đang được ủng hộ. Trong trường hợp giá tiếp tục tăng mạnh, việc xem xét bán ra trong vùng 13,200 – 13,500 là cần thiết.
MỘT SỐ THÔNG TIN QUAN TRỌNG
Lợi nhuận sau thuế 9T/2012 giảm mạnh 30% so với cùng kỳ. Theo BCTC hợp nhất 9T/2012, doanh thu của VSH đạt 251 tỷ đồng, giảm 27% và doanh thu tài chính cũng giảm mạnh 32% so 9 tháng đầu năm trước. Điều này dẫn đến lợi nhuận sau thuế của VSH trong 9 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt 185 tỷ đồng, giảm mạnh 30% so với cùng kỳ.
Doanh thu của VSH giảm mạnh do: (i) sản lượng điện sản xuất giảm nhẹ so với năm 2011, (ii) giá bán điện được hạch toán giảm so với năm 2011. Theo đó, giá bán điện năm 2012 chỉ bằng 62.3% năm 2009, trong khi giá bán điện năm 2011được hạch toán bằng 90% năm 2009 cho 11 tháng đầu năm và tháng 12 là 76%.
Doanh thu hoạt động tài chỉnh giảm mạnh 32% và chỉ đạt 68 tỷ đồng trong 9T/2012, chủ yếu do mặt bằng lãi suất tiền gửi sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ.
Lợi nhuận năm 2012 vẫn là một ẩn số. VSH và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chưa thống nhất được về giá bán điện trong năm 2012. Trong quý 3/2012, VSH vẫn đang sử dụng tỷ lệ giá bán điện bằng 62.3% so với năm 2009, tương ứng với 351 đồng/Kwh để hạch toán kết quả kinh doanh.
Hợp đồng mua bán với giá điện mới dự kiến sẽ được ký kết ngay trong quý 1/2013. Nếu giá bán điện được thỏa thuận bằng với năm 2009 thì nhiều khả năng kết quả kinh doanh của VSH trong năm 2012 sẽ tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, thông tin của chúng tôi cho thấy kịch bản lạc quan rất khó có khả năng xảy ra, do bản thân EVN cũng đang chịu áp lực rất lớn trong việc kiềm giữ giá điện đầu ra.
Tiềm năng tăng trưởng của VSH đến từ 2 dự án chính, gồm:
(1) Dự án thủy điện Thượng Kon Tum. Theo kế hoạch, công suất lắp máy của dự án thủy điện này là là 220 MW, sản lượng điện sản suất trung bình năm khoảng 1,094 triệu kWh, tổng vốn đầu tư dự kiến 5,744 tỷ đồng, và sẽ đi vào hoạt động trong năm 2014.
(2) Dự án thủy điện Vĩnh Sơn 3 với công suất lắp máy 30 MW. Nhà máy sẽ đóng góp thêm trung bình 110 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư dự kiến là 777 tỷ đồng, sẽ đi vào hoạt động năm 2013.
Ngoài ra, VSH còn dự án Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 2 với công suất 100 MW, sản lượng điện sản suất trung bình năm dự kiến đạt 356.6 triệu kWh, tổng vốn đầu tư 2,300 tỷ đồng. Nhà máy này sẽ được thực hiện sau khi dự án Vĩnh Sơn 3 hoàn thành.
Chi phí đầu tư dự án của VSH có quá cao? Suất đầu tư 1 MW của dự án Thượng Kon Tum là 26.1 tỷ đồng/MW, dự án Vĩnh Sơn 3 là 25.9 tỷ đồng/MW. Trong khi đó, suất đầu tư dự án nhà máy thuỷ điện của Hoàng Anh Gia Lai (HAG) là Bá Thước 2 (công suất 80 MW) chỉ là 18 tỷ đồng/MW và Đắksrông 3B (công suất 20 MW) chỉ vào khoảng 17.5 tỷ đồng.
Suất đầu tư của các dự án VSH khá cao có thể do ảnh hưởng bởi các yếu tố như chi phí giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, việc xây dựng các khu tái định cư, hay công trình thuỷ điện có nhiệm vụ chống lũ và cấp nước cho hạ du…
Nhu cầu nguồn vốn tiếp tục tăng cao, tăng nợ vay hay phát hành thêm cổ phiếu? Tính đến cuối quý 3/2012, tổng vốn đã đầu tư cho 2 dự án thủy điện nêu trên của VSH là 738 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính soát xét hợp nhất 6T/2012, VSH đã đầu tư vào dự án Thượng Kon Tum 588 tỷ đồng và dự án Vĩnh Sơn 2 & 3 tổng cộng 80 tỷ đồng.
Hiện VSH vẫn còn hơn 612 tỷ đồng ở khoản mục tiền và tương đương tiền, cùng với 150 tỷ đồng ở khoản mục đầu tư ngắn hạn (nhiều khả năng là cho EVN vay).
Tuy nhiên, so với nhu cầu vốn để đầu tư dự án (xem thông tin dự án phía trên) thì nhiều khả năng VSH sẽ phải gia tăng mạnh nợ vay hoặc phát hành tăng vốn trong thời gian sắp tời. Như vậy, VSH có thể chịu rủi ro pha loãng, áp lực từ chi phí tài chính gia tăng mạnh (khi dự án đi vào hoạt động) trong tương lai.
Rủi ro từ cơ cấu sở hữu. Theo Báo cáo thường niên năm 2011, EVN đang là cổ đông lớn nhất của VSH khi nắm giữ 30.55% cổ phần, tiếp đến là SCIC với 24%. Do đó, hoạt động của VSH nhiều khả năng sẽ bị chi phối đáng kể; điển hình là việc:
(1) Đàm phán giá bán điện mới đã kéo dài trong nhiều năm qua, nhưng khả năng thành công cũng không cao.
(2) Tận dụng nguồn vốn của VSH thông qua việc thanh toán chậm tiền mua điện.
(3) Khả năng nguồn tiền của VSH được tận dụng thông qua các khoản vay với lãi suất thấp. Theo BCTC hợp nhất soát xét 6T/2012, khoản vay của EVN tại VSH là 300 tỷ đồng, trong khi lãi vay hạch toán vào doanh thu tài chính của VSH là 5.25 tỷ đồng, tương ứng với lãi suất chỉ vỏn vẹn có 3.5%. Khoản cho vay này dường như đã được giảm bớt trong quý 3/2012 khi số dư đầu tư ngắn hạn khác chỉ còn 150 tỷ đồng.
Cổ đông lớn giao dịch mạnh. Ngay từ đầu năm 2013, Deutsche Bank Ag London đã nâng tỷ lệ sở hữu từ 4.95% lên 5.09%, tương đương với khối lượng nắm giữ 10.3 triệu cp. Trong khi đó, VIAC (No.1) Limited Partnership lại đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu từ 22/01 đến 19/02 để cơ cấu danh mục; dự kiến sau giao dịch, tổ chức này sẽ còn nắm giữ 17.8 triệu cp (8.65%).
Các chỉ số tài chính cơ bản. Hiện giá cổ phiếu VSH đang giao dịch ở mức P/E trailing 7.73 lần và P/B là 0.82 lần.
(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)
Phòng Nghiên cứu Vietstock
ffn
|