Thuế đối với quỹ mở, quy định thế nào?
Trong bài viết này, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính chỉ ra “bộ khung” về thuế đối với quỹ mở và gợi mở nhiều vấn đề cần thảo luận.
Phát hành chứng chỉ quỹ (lần đầu)
Xét về bản chất kinh tế, đây là hoạt động góp vốn của các NĐT lần đầu, thuộc hoạt động phát hành chứng khoán, cũng tương tự như hoạt động chào bán cổ phiếu của một công ty được phép niêm yết trên TTCK.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hoạt động này thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT), nên NĐT không phải nộp thuế GTGT.
Phát hành chứng chỉ quỹ (CCQ) tương tự như phát hành cổ phiếu lần đầu, không có thu nhập nên không phải nộp thuế thu nhập DN (TNDN).
Hoạt động mua/bán chứng chỉ quỹ
Cần làm rõ đây là hoạt động gì để áp dụng chính sách thuế cho phù hợp.
a) Có ý kiến cho rằng, CCQ là một loại chứng khoán, do vậy việc mua/bán CCQ cũng áp dụng chính sách thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán. Cụ thể, không áp dụng thuế GTGT đối với các giao dịch mua/bán CCQ, nhưng cần áp dụng thuế thu nhập từ giao dịch này, tuỳ thuộc và địa vị pháp lý của người chuyển nhượng CCQ: nếu người chuyển nhượng là cá nhân thì áp dụng thuế TNCN; tuy nhiên, với quy định hiện hành thì nghĩa vụ thuế không giống nhau giữa NĐT cá nhân và NĐT là tổ chức, giữa tổ chức đầu tư trong nước và tổ chức nước ngoài.
Bộ Tài chính mong muốn, các thành viên thị trường, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng thảo luận và có các đề xuất về thuế đối với quỹ mở phù hợp
|
b) Có ý kiến cho rằng, với mô hình quỹ mở, NĐT có thể mua thêm CCQ hoặc bán bớt CCQ và khi NĐT bán ra thì quỹ phải mua lại CCQ, trả tiền cho NĐT. Vì thế, cần coi hành vi mua CCQ là việc “góp vốn” và việc bán CCQ là việc “rút vốn” khỏi quỹ. Trên quan điểm “góp vốn” và “rút vốn”, không nên thu thuế đối với việc mua/bán CCQ mở.
Chúng tôi đồng tình với ý kiến (a), bởi vì theo quy định của Luật Chứng khoán, CCQ mở là một loại chứng khoán. Xét trên khía cạnh dòng tiền thì hành vi mua CCQ (hay cổ phiếu) mang hình thức góp vốn và ngược lại, bán nó đi để thu tiền chính là việc rút vốn khỏi quỹ. Rút vốn hay góp vốn là quyền của NĐT, nhưng việc không cần phải tranh cãi có áp dụng thuế hay không ở chỗ: Luật Chứng khoán đã quy định CCQ là chứng khoán. Vấn đề là cần bàn xem áp loại thuế gì, cách thu ra sao và thu trên cái gì để có các đề xuất hợp lý. Công ty quản lý quỹ sẽ là đối tượng thực hiện nghĩa vụ khấu trừ thuế để nộp thay các tổ chức, cá nhân có thu nhập do quỹ chi trả: khấu trừ loại thu nhập nào, đối tượng nào, biện pháp thực hiện có thuận tiện hay phức tạp, có bị tăng chi phí thực hiện, chi phí quản lý?
Đánh thuế đối với hoạt động đầu tư/kinh doanh nào của quỹ?
Quỹ mở thực hiện hoạt động đầu tư/kinh doanh nào thì áp thuế theo quy định của pháp luật hiện hành đối với hoạt động đó. Lưu ý, quỹ không phải là một pháp nhân, cũng không phải là thể nhân được xác định, cho nên công ty quản lý quỹ sẽ là đối tượng thực hiện nghĩa vụ đối với các hoạt động của quỹ.
Theo danh mục đầu tư và dòng tiền, quỹ có thể tiến hành những hoạt động và có được các nguồn thu sau:
- Cổ tức, lãi sau thuế TNDN được chia do quỹ mua/nắm giữ cổ phiếu của các công ty niêm yết giao dịch trên TTCK, do đầu tư vốn vào các DN chưa niêm yết, các tổ chức kinh tế (theo quy định của pháp luật). Đây là khoản thu nhập đã chịu thuế TNDN tại đơn vị chi trả (thu nhập sau thuế TNDN trước khi có được chia cho quỹ và NĐT khác).
- Lãi nhận được do quỹ mua/nắm giữ TPCP, trái phiếu DN, cho vay vốn, gửi tiền tại các tổ chức tài chính/tín dụng để hưởng lãi. Khoản thu nhập này chưa phải nộp thuế TNDN tại đơn vị chi trả.
- Lãi do quỹ thực hiện hoạt động mua/bán các loại chứng khoán, chuyển nhượng phần vốn đầu tư tại tổ chức kinh tế. Đây cũng là khoản thu nhập chưa phải nộp thuế TNDN.
- Các khoản thu từ hoạt động khác (nếu có) phù hợp với pháp luật.
Để quy định việc thu thuế đối với hoạt động của quỹ, cần làm rõ các vấn đề sau:
- Các nguồn thu nêu trên của quỹ có thể coi là doanh thu?
- Những khoản chi ra của quỹ liên quan đến hoạt động đầu tư/kinh doanh của quỹ cần được xem là chi phí của quỹ?
- Chênh lệch giữa doanh thu và chi phí có được coi là thu nhập (lãi) của quỹ có chịu thuế TNDN hay không?
- Khi chia lợi tức cho người nắm giữ CCQ mở, liệu công ty quản lý quỹ có xác định được bao nhiêu là thu nhập đã trả thuế TNDN, bao nhiêu thu nhập chưa trả thuế TNDN?
Khấu trừ thuế tại nguồn đối với thu nhập của NĐT từ quỹ mở?
Lâu nay, các văn bản hướng dẫn về thuế của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế không quy định việc thu thuế đối với hoạt động đầu tư/kinh doanh của quỹ, mà chỉ quy định công ty quản lý quỹ có nghĩa vụ khấu trừ thuế tại nguồn đối với các dòng tiền do quỹ trả cho các NĐT.
Một là, khấu trừ thuế TNCN đối với NĐT cá nhân đối với các khoản thu nhập:
- Cổ tức, trái tức với cá nhân: 5%.
- Lợi tức của quỹ mở trả cho người nắm giữ CCQ: 5% (hiện tại chưa có hướng dẫn riêng cho quỹ mở).
- Thu nhập do chuyển nhượng CCQ: 0,1% trị giá chuyển nhượng hoặc 20% thực lãi (mức quy định đối với chuyển nhượng chứng khoán, hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể về thuế đối với chuyển nhượng CCQ mở).
Các cá nhân là đối tượng không cư trú (cho mục đích đánh thuế) có hoạt động liên quan đến quỹ mở cũng chịu thuế TNCN như cá nhân cư trú, ngoại trừ việc không áp dụng thuế suất 20% tính trên thu nhập thực tế.
Hai là, khấu trừ thuế TNDN (thuế nhà thầu) đối với các NĐT là tổ chức nước ngoài (không đăng ký pháp nhân Việt
Nam
) nhận được từ quỹ:
- Cổ tức (miễn).
- Lãi trái phiếu, lãi do chuyển nhượng CCQ: 25%.
Ba là, khấu trừ thuế TNDN đối với NĐT là tổ chức trong nước.
- Trước khi có Luật Đầu tư (2005), khi chứng khoán còn được áp dụng thuế suất ưu đãi 20% do thuộc lĩnh vực ưu đãi theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, Thông tư số 100/2004/TT-BTC quy định: quỹ đầu tư chứng khoán không thuộc đối tượng chịu thuế TNDN, nhưng khi quỹ chia lợi tức cho các NĐT thì phần lợi tức chia cho tổ chức đầu tư phải chịu thuế TNDN theo thuế suất 20% (trừ phần lợi tức được chia đã chịu thuế TNDN ở khâu trước và lãi trái phiếu thu được từ trái phiếu thuộc diện miễn thuế theo quy định của pháp luật).
+ Hiện nay, trong quá trình dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế
có ý kiến đề xuất, tổ chức đầu tư phải chịu thuế TNDN theo thuế suất 25% thông qua việc khấu trừ của công ty quản lý quỹ. Cũng có thể hiểu rằng, tổ chức trong nước hay tổ chức nước ngoài thực hiện chung quy định này. Việc này cần thảo luận để làm rõ đạo lý cũng như bảo đảm sự thống nhất trong mối quan hệ với các quy định pháp luật có liên quan.
+ Việc khấu trừ thuế 25% đối với tổ chức đầu tư trong nước tuy không bất cập về thuế suất, nhưng có bất lợi hơn so với việc chia tiền cho tổ chức mang về, bởi vì trên thực tế, NĐT là tổ chức trong nước tiến hành nhiều hoạt động kinh doanh, có hoạt động lãi, có hoạt động lỗ và cần được bù trừ giữa chúng (trừ chuyển nhượng bất động sản).
Việc khấu trừ thuế đối với các tổ chức và cá nhân đầu tư thông qua quỹ (nếu được quy định như đề xuất trên) sẽ không khuyến khích họ đầu tư qua quỹ so với việc họ trực tiếp và tự mình đầu tư. Bởi
với cùng một dòng tiền thu về, ít nhất họ cũng phải chi trả chi phí cho công ty quản lý quỹ, chưa kể đến chênh lệch về nghĩa vụ thuế mà Câu lạc bộ Các công ty quản lý quỹ đã gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính.
Không dễ khi cần có chính sách ưu đãi thuế dành riêng cho quỹ mở !
Quỹ mở đã được quy định trong Luật Chứng khoán, nhưng quy định cụ thể về việc thành lập và quản lý nó mới được triển khai kể từ khi Thông tư số 183/2011/TT-BTC có hiệu lực. Sự hiểu biết về cơ chế vận hành của quỹ mở, về vị trí, vai trò của quỹ đối với thị trường (nhất là đối với các nhà đầu tư nhỏ, yếu thế, nhưng luôn kỳ vọng vừa an toàn, vừa có hiệu quả cao) và hiệu quả kinh tế xã hội của quỹ mở so với các công cụ khác cần phải được làm rõ. Trên cơ sở đó chúng ta mới có đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền về áp dụng các chính sách khuyến khích việc hình thành, hoạt động và phát triển mô hình quỹ mở, trong đó có các chính sách ưu đãi về thuế.
Với nhận thức của mình, chúng tôi đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng: để quỹ mở thành công và trở thành một công cụ đầu tư phổ biến, chính sách thuế áp dụng đối với mô hình quỹ mở cần đáp ứng hai yêu cầu cơ bản, đó là: (i) mức thuế áp dụng cho nhà đầu tư đầu tư vào quỹ mở tối thiểu phải giống với mức thuế khi họ tự đầu tư trực tiếp vào chứng khoán; và (ii) rất cần thiết khi có thêm các ưu đãi thuế hoặc thuận lợi về thuế dành cho các nhà đầu tư khi họ đầu tư vào quỹ mở.
Tuy nhiên, như đã nêu tại bài viết đăng trên số báo trước, cái khó của cơ quan tham mưu về chính sách thuế hiện nay là với khung khổ pháp luật hiện hành, Luật Chứng khoán, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân, không có một “lối nhỏ” nào cho phép Bộ Tài chính có thể đi tới việc ban hành được những quy định về ưu đãi thuế như chúng ta mong muốn. Cái có thể làm được trong ngắn hạn (nếu có thêm thời gian, thêm nhân lực và nhận được sự đồng thuận cao của xã hội) là mấy giải pháp chính sách sau đây:
Một là, cần ban hành quy định không thực hiện khấu trừ thuế 25% đối với lợi tức của quỹ mở chia cho nhà đầu tư là pháp nhân, là doanh nghiệp; khi đó khoản được chia này chính là thu nhập trước thuế mà DN có quyền và nghĩa vụ tổng hợp chung vào tổng thu nhập của DN theo quy định của pháp luật thuế TNDN. Hai là, với cơ chế vận hành của quỹ mở cho ta thấy nhà đầu tư vào quỹ mở có điểm tương đồng với hoạt động gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng. Vì vậy, nên chăng sẽ trình với Chính phủ hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng việc miễn thuế cho nhà đầu tư cá nhân (không khấu trừ 5%) khi họ được chia lợi tức quỹ bỏ tiền đầu tư vào quỹ mở.
Với các giải pháp trung và dài hạn, chúng ta cần có thêm thời gian để các nhà đầu tư, các chuyên gia, các công chức và các cơ quan quản lý trong nhiều lĩnh vực liên quan hiểu thêm về quỹ mở, tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội về quỹ mở nói riêng, về các chính sách ưu đãi dành cho TTCK nói chung. Để làm được việc này, vai trò của các cơ quan truyền thông, tiếng nói của các học giả kinh tế, các nhà quản lý trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán là không nhỏ nếu như chưa muốn nói là rất quan trọng.
Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính
Đầu tư chứng khoán
|