Thao túng giá chứng khoán sẽ bị phạt kịch khung
Theo dự thảo Nghị định, mức phạt tiền đối với hành vi thao túng TTCK được nâng từ 200 - 300 triệu đồng lên 400 - 500 triệu đồng.
Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ xem xét ban hành, Bộ đề xuất áp dụng nhiều biện pháp xử lý mới theo hướng mạnh tay hơn đối với các hành vi vi phạm trên TTCK.
Mạnh tay với giao dịch vi phạm
Theo dự thảo Nghị định, mức phạt tiền đối với hành vi thao túng TTCK được nâng từ 200 - 300 triệu đồng lên 400 - 500 triệu đồng. Đây là mức xử phạt vi phạm hành chính cao nhất trong lĩnh vực chứng khoán theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Theo quy định hiện hành, ngoài bị phạt tiền với mức trên, đối tượng vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm mà có. Tuy nhiên, để tăng tính răn đe, dự thảo Nghị định đã đề xuất một loạt hình thức xử phạt bổ sung mới như: thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, chứng chỉ hành nghề chứng khoán do thực hiện hành vi thao túng TTCK.
Với hành vi vi phạm về giao dịch nội bộ, dự thảo Nghị định cũng nâng khung phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng lên 300 - 400 triệu đồng, đồng thời áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như áp dụng cho hành vi thao túng giá chứng khoán.
Các vi phạm về giao dịch nội bộ thường có liên quan đến vi phạm về nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin của tổ chức niêm yết, CTCK và công ty quản lý quỹ. Bởi vậy, để mạnh tay hơn trong xử lý các hành vi vi phạm này, ngoài xử phạt bằng tiền, dự thảo Nghị định đã bổ sung hình thức xử phạt là buộc hủy bỏ niêm yết; đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của CTCK, công ty quản lý quỹ…
“Xử” nặng vi phạm về quản trị DN
Các cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ lẻ than phiền nhiều về việc chế tài hiện hành chưa xử lý nghiêm công ty đại chúng (CTĐC) vi phạm các quy định về quản trị công ty, phổ biến là vi phạm các quyền về dự họp, biểu quyết tại các kỳ họp ĐHCĐ...
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhìn nhận, các vi phạm về quản trị CTĐC đang diễn ra ngày càng nhiều. Điển hình là hành vi vi phạm quyền của cổ đông như hạn chế họ tham dự ĐHCĐ, hạn chế cổ đông ủy quyền tham gia ĐHCĐ; vi phạm trình tự, thủ tục tổ chức ĐHCĐ. Các hành vi vi phạm này tác động tiêu cực đến tính minh bạch trong hoạt động của CTĐC. Tuy nhiên, do mức phạt hiện nay thấp (phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng), nên việc xử lý đối với các hành vi vi phạm về quản trị công ty trong thời gian qua không đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Hơn nữa, Nghị định 85/2010/NĐ-CP chưa quy định chi tiết các hành vi vi phạm về quản trị công ty, nên mức phạt áp dụng đối với các hành vi vi phạm này chưa tương xứng với tính chất và mức độ của từng hành vi vi phạm. Nghị định 85/2010/NĐ-CP cũng chỉ quy định xử phạt đối với CTĐC vi phạm về quản trị công ty, mà chưa quy định xử phạt đối với các cá nhân là thành viên HĐQT, thành viên Ban giám đốc, thành viên Ban kiểm soát khi những cá nhân này vi phạm quy định về quản trị công ty.
Để khắc phục những hạn chế trên, dự thảo Nghị định bổ sung một số quy định cụ thể các hành vi phạm về quản trị CTĐC, gồm: không xây dựng quy chế nội bộ về quản trị công ty; vi phạm quy định về quyền của cổ đông, về triệu tập, tổ chức họp và thông qua quyết định của ĐHCĐ, HĐQT; không tuân thủ đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ về quản trị công ty theo quy định… Kèm theo đó là chế tài xử phạt để đảm bảo tính răn đe.
Vi phạm về chào bán riêng lẻ, bị phạt tới 200 triệu đồng
Để đảm bảo tính thực thi của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và Nghị định 58/2012/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, dự thảo Nghị định bổ sung 3 điều quy định về các hành vi vi phạm về hoạt động chào bán cổ phiếu riêng lẻ, phát hành trái phiếu riêng lẻ; phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, chào bán chứng khoán tại nước ngoài và các trường hợp phát hành thêm cổ phiếu.
Các hành vi vi phạm về chào bán cổ phần, trái phiếu riêng lẻ có thể bị xử phạt tối đa lên đến 200 triệu đồng, đồng thời bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả là đình chỉ, buộc hủy bỏ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ, phát hành trái phiếu riêng lẻ; tịch thu khoản thu trái pháp luật từ việc thực hiện hành vi vi phạm; buộc hủy bỏ, cải chính thông tin; thu hồi cổ phiếu, trái phiếu đã chào bán, phát hành và phải hoàn trả cho NĐT tiền mua cổ phiếu, trái phiếu…
Nhiều chế tài mới trong lĩnh vực chứng khoán
Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 85/2010/NĐ-CP có một số chế tài mới đáng chú ý như sau:
* Thứ nhất, bổ sung quy định xử phạt đối với CTCK làm đại lý chào mua công khai có hành vi vi phạm. Để tăng tính răn đe đối với các vi phạm về chào mua công khai, ngoài xử phạt bằng tiền, dự thảo Nghị định còn quy định các hình thức xử phạt bổ sung đối với tổ chức, cá nhân vi phạm gồm: buộc thực hiện chào mua công khai theo phương án đã đăng ký; buộc phải từ bỏ quyền biểu quyết đối với số cổ phần có được từ hành vi vi phạm chào mua công khai và phải chuyển nhượng số cổ phần đó để giảm tỷ lệ nắm giữ theo đúng quy định.
* Thứ hai, bổ sung quy định áp dụng mức phạt tối đa 300 triệu đồng đối với các hành vi: phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, chào bán chứng khoán tại nước ngoài, phát hành chứng khoán làm cơ sở chào bán chứng chỉ lưu ký chứng khoán tại nước ngoài khi chưa đáp ứng điều kiện theo quy định và chưa đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc chưa được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thẩm định, chấp thuận…
* Thứ ba, xử phạt đối với tổ chức phát hành là CTĐC vi phạm cam kết đưa chứng khoán chào bán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được ĐHCĐ thông qua.
|
Hữu Hòe
đầu tư chứng khoán
|