Nới room vốn ngoại: Từ CTCK mong mở cho DN niêm yết
Ngoài mở room cho NĐT nước ngoài sở hữu 100% vốn của CTCK và công ty quản lý quỹ, dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 55/2009/QĐ-TTg đưa ra quy định mở cho việc nới room đối với khối DN niêm yết.
Gần 1 năm đợi hướng dẫn
Theo cam kết WTO, NĐT nước ngoài được phép thành lập mới, hoặc mua cổ phần để sở hữu đến 100% vốn của CTCK hoạt động tại Việt Nam từ ngày 1/1/2012. Tuy nhiên, sau gần một năm chờ đợi, mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) công bố dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên TTCK Việt Nam, thì thị trường mới cảm nhận, cam kết trên đang gần trở nên hiện thực.
Thực ra, việc cho phép NĐT nước ngoài sở hữu 100% vốn tại tổ chức kinh doanh chứng khoán đang hoạt động tại Việt Nam đã được quy định trong Nghị định 58/2012/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/9 vừa qua. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết, khi Quyết định thay thế Quyết định 55 có hiệu lực, thì hành lang pháp lý mới đảm bảo đồng bộ cho việc triển khai quy định NĐT nước ngoài được sở hữu đến 100% vốn tại CTCK và công ty quản lý quỹ (CTQLQ). Điều này sẽ tạo sự cạnh tranh trong khối tổ chức kinh doanh chứng khoán, qua đó nâng cao chất lượng, cũng như tính chuyên nghiệp của các tổ chức trung gian thị trường.
Theo dự thảo, ngoài việc được phép mua cổ phần, phần vốn góp để sở hữu toàn bộ 100% vốn điều lệ của một tổ chức kinh doanh chứng khoán đang hoạt động, thì tổ chức nước ngoài đáp ứng các điều kiện theo quy định còn được phép thành lập mới tổ chức kinh doanh chứng khoán 100% vốn nước ngoài dưới hình thức công ty TNHH một thành viên tại Việt Nam...
Chỉ còn hơn một tuần nữa là việc lấy ý kiến các thành viên thị trường cho dự thảo Quyết định kết thúc. Sau đó, Bộ Tài chính, UBCK sẽ hoàn chỉnh trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành. Với lộ trình như vậy, các thành viên thị trường kỳ vọng, văn bản này sẽ sớm được phê duyệt để triển khai, nhằm đặt dấu mốc mới cho quá trình phát triển khối tổ chức kinh doanh chứng khoán trên TTCK Việt Nam.
Kỳ vọng nới room đối với DN niêm yết
Trong bối cảnh TTCK đối mặt với nhiều khó khăn hiện tại, việc nới room cho NĐT nước ngoài sở hữu 100% vốn tại CTCK và CTQLQ, theo các thành viên thị trường, còn mang tính hạn hẹp. Vậy nên, việc nới room này khó mang lại hiệu ứng tích cực cho thị trường trong bối cảnh lĩnh vực dịch vụ chứng khoán thiếu tính hấp dẫn.
Từ thực tế trên, tổng giám đốc một CTCK kiến nghị, để việc nới room mang lại hiệu ứng tích cực cho thị trường, Chính phủ nên xem xét nới room đối với cả khối DN niêm yết. Đây là vấn đề đang đặt ra bức bách trong thực tế, bởi có rất nhiều cổ phiếu mà NĐT nước ngoài muốn mua thêm, nhưng đã kịch room. Điều này đang chặn dòng vốn ngoại chảy vào thị trường, trái với mục tiêu mà cơ quan quản lý đặt ra là nỗ lực thu hút thêm dòng vốn ngoại cho TTCK.
“Qua trao đổi trực tiếp với các NĐT nước ngoài, chúng tôi thấy, mối quan tâm lớn nhất của họ hiện tại là chờ đợi cơ hội để gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với các DN niêm yết có chất lượng. Bởi vậy, nếu Chính phủ sớm nới room đối với khối DN niêm yết thì sẽ sớm tạo ra làn sóng vốn ngoại đổ vào TTCK. Hiệu ứng tương tự khó diễn ra khi chỉ nới room cho NĐT sở hữu 100% vốn của CTCK và CTQLQ”, vị tổng giám đốc trên nói.
Bức bách trên, theo ông Nguyễn Sơn, đã được cơ quan quản lý tiếp nhận. Tuy nhiên, việc nới room đối với khối DN niêm yết chưa thể triển khai sớm, vì còn phải cân nhắc một loạt các vấn đề quản lý liên quan. Hiện tại, để tạo thuận lợi cho việc nới room đối với khối DN niêm yết khi điều kiện cho phép, dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 55 đưa ra quy định mở: “Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tối đa 49% tổng số cổ phiếu của công ty cổ phần đại chúng, ngoại trừ pháp luật chuyên ngành có quy định khác thì áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành”.
Ông Sơn cho biết thêm, trên cơ sở quy định trên có hiệu lực, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành các quy định liên quan đến phân ngành, trong đó nếu có quy định NĐT nước ngoài được phép sở hữu trên 49% vốn tại một số nhóm ngành cụ thể, thì sẽ áp dụng theo tỷ lệ đó, mà không phải đợi sửa đổi các quy định pháp lý liên quan. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc nới room vốn ngoại đối với khối DN niêm yết ngay khi quy định pháp lý cho phép.
Hữu Hòe
đầu tư chứng khoán
|