Hủy niêm yết: Cổ đông có thể kiện người điều hành
Trong trường hợp công ty bị hủy niêm yết, nếu cổ đông xác định là do lỗi của người điều hành và có thể xác định thiệt hại, thì có thể khởi kiện.
Kiện người điều hành tắc trách
Với quy chế niêm yết hiện nay, có rất nhiều tình huống dẫn đến việc cơ quan quản lý buộc một công ty hủy niêm yết. Trong số đó, phổ biến là do công ty niêm yết có hoạt động sản xuất - kinh doanh bị lỗ 3 năm liên tiếp và tổng lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu. Nhưng không ít trường hợp bị hủy niêm yết chỉ vì sự tắc trách của ban lãnh đạo công ty, không công bố thông tin đầy đủ theo quy định như trường hợp CTCP Sông Đà 3 (SD3) gần đây.
Quyết định số 376/QĐ-SGDHN ngày 26/9/2012 của HNX đã buộc toàn bộ 15.999.356 cổ phiếu SD3 bị hủy niêm yết kể từ ngày 26/10/2012. Lý do hủy niêm yết là SD3 đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin của tổ chức niêm yết. Quyết định không nói rõ SD3 đã không thực hiện nghĩa vụ công bố nào, nhưng nhìn vào những thông tin mà SD3 công bố qua HNX thì thấy, cho tới nay, SD3 mới chỉ công bố báo cáo tài chính quý I/2012, còn báo cáo tài chính quý II và báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm đều không có. Thời điểm tổ chức ĐHCĐ thường niên 2012, SD3 có xấp xỉ 2.500 cổ đông và hiện những cổ đông này không rõ cổ phiếu SD3 sẽ được giao dịch ở đâu và ai, cơ quan nào đứng ra bảo vệ quyền lợi của họ trước sự tắc trách của Ban lãnh đạo Công ty.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, vấn đề không phải là ai đứng ra bảo vệ quyền lợi NĐT, mà là pháp luật phải tạo ra cơ chế để NĐT căn cứ vào đó bảo vệ quyền lợi của chính họ. Nghị định 102 hướng dẫn Luật Doanh nghiệp dành quyền khởi kiện đối với chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc/giám đốc cho các cổ đồng/thành viên công ty. Họ có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện những đối tượng này không thực hiện đúng các quyền và nhiệm vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời quyết định của hội đồng thành viên; thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao trái với quy định của pháp luật hoặc điều lệ công ty.
Khi khởi kiện yêu cầu bồi thường, một phần quan trọng là đương sự phải đưa ra được con số thiệt hại, cũng như căn cứ tính toán thiệt hại để Tòa án xem xét. Do đó, theo ông Hiếu, NĐT có thể xác định thiệt hại căn cứ vào giảm giá chứng khoán, tức giá cổ phiếu trước và sau khi có quyết định hủy niêm yết của cơ quan quản lý. Ngoài ra, có thể còn một số thiệt hại khác như mất uy tín của công ty chẳng hạn. Trong trường hợp này, nếu bị Tòa án buộc phải bồi thường, cá nhân chủ tịch HĐQT, giám đốc/tổng giám đốc sẽ phải lấy tài sản cá nhân để thực hiện nghĩa vụ.
“Mua bảo hiểm để có tóc mà nắm”
Theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Chứng khoán - Ngân hàng - Đầu tư, trong Luật Doanh nghiệp, vấn đề bồi thường thiệt hại mới chỉ đặt ra trong một số trường hợp như: đối với chủ tịch HĐQT, trưởng ban kiểm soát khi không triệu tập họp ĐHCĐ gây thiệt hại cho công ty; đối với tổng giám đốc, giám đốc khi điều hành công việc trái với quy định của công ty, trái pháp luật gây thiệt hại; đối với thành viên HĐQT, người điều hành doanh nghiệp khi xác lập các giao dịch với người liên quan vô hiệu gây thiệt hại cho công ty theo các Điều 116, 120 của Luật.
Việc Nghị định 102 quy định như trên là “vượt mặt” nội dung quy định của Luật Doanh nghiệp. Với nội dung này, rất dễ dẫn đến tình trạng quy kết để thành viên/cổ đông công ty có quyền khởi kiện chủ tịch HĐQT, giám đốc vì cho rằng, những người này không thực hiện đúng các quyền và nhiệm vụ được giao. Nếu hàng lang pháp lý không rõ ràng, cụ thể, thì quy định trên sẽ không tạo điều kiện cho DN tồn tại bộ phận quản trị, điều hành dám nghĩ, dám làm, quyết đoán.
“Nếu đã quy định như vậy, theo tôi, pháp luật cần quy định DN phải mua bảo hiểm trách nhiệm cho người quản trị, điều hành để phòng ngừa rủi ro cho cả DN lẫn cá nhân họ. Đây là điều rất mới ở Việt Nam, nhưng không mới ở những nền kinh tế phát triển. Hơn nữa, trong trường hợp cá nhân quản trị, điều hành bị kiện, thì có bên thứ ba đứng ra bồi thường thiệt hại”, ông Hải nói.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, điều quan trọng hơn là có biện pháp “phòng bệnh”, tức là cơ chế để can thiệp, kiểm soát thường xuyên đối với người quản trị, điều hành. Đối với CTCP, ban kiểm soát là đơn vị thay mặt cổ đông giám sát HĐQT, giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty. Tuy nhiên, trên thực tế, vai trò của Ban kiểm soát ở nhiều công ty rất mờ nhạt, báo cáo Ban kiểm soát tại mỗi kỳ ĐHCĐ chỉ mang tính chất “vuốt đuôi” báo cáo HĐQT. Một ban kiểm soát hoạt động thực sự hiệu quả và độc lập với HĐQT có lẽ là cách quan trọng giúp cổ đông phòng ngừa thiệt hại trong tương lai và hạn chế trường hợp phải “lôi nhau ra tòa”.
Hoàng Duy
đầu tư chứng khoán
|