Doanh nghiệp bị phạt, khó quy trách nhiệm cá nhân
Theo quy định hiện hành, khi bị xử phạt, doanh nghiệp phải làm rõ xem cá nhân nào có lỗi và cá nhân đó sẽ phải chịu trách nhiệm đối với khoản phạt. Tuy nhiên, phản ánh của một số doanh nghiệp cho thấy, có trường hợp không tìm thấy lỗi của cá nhân nào hết.
Khó xác định cá nhân vi phạm
Lướt qua các văn bản xử phạt vi phạm hành chính của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), hầu hết quyết định xử phạt đều yêu cầu DN làm rõ, xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm hành chính để xác định trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm tài chính. Sau đó, DN báo cáo kết quả tới UBCK và báo cáo ĐHCĐ gần nhất. Chẳng hạn như quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với CTCK Mê Kông, quyết định xử phạt 20 triệu đồng đối với CTCK Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… đều có yêu cầu làm rõ trách nhiệm cá nhân. Quy định này nhằm giải quyết tình trạng bức xúc của cổ đông nhiều DN bị phạt, bởi khoản phạt này thực chất được lấy từ chính túi tiền của cổ đông, trong khi cá nhân làm việc cho DN gây ra lỗi lại không phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, có trường hợp dù UBCK yêu cầu làm rõ trách nhiệm cá nhân, song khi trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một DN bị phạt vì chậm tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2012, vi phạm quy định về quản trị công ty cho biết, không tìm thấy cá nhân có lỗi. Sở dĩ DN tổ chức ĐHCĐ muộn là vì cổ đông lớn, chiếm tới gần 75% “bận”, chưa thể tham dự ĐHCĐ và cũng không cho ý kiến.
“DN không muốn hoãn ĐHCĐ làm gì, nhưng do tình huống khách quan như vậy. Có phải ĐHCĐ nào cũng tổ chức đúng ngày, đúng giờ được đâu, vì có nhiều lý do, có thể là do thời tiết hay ốm đau chẳng hạn. Cơ quan quản lý phạt thì chúng tôi phải chịu, chứ bảo quy trách nhiệm cá nhân thì không biết quy cho ai”, lãnh đạo DN trên nói.
Đến nay, chưa thấy UBCK công bố báo cáo kết quả xác định trách nhiệm cá nhân của các DN bị phạt, nên các thành viên thị trường không rõ việc quy trách nhiệm cá nhân ở các DN ra sao, có bao nhiêu cá nhân liên đới chịu trách nhiệm và phân chia số tiền phạt như thế nào. Tuy nhiên, từ phản ánh của DN cho thấy, có trường hợp DN không quy được trách nhiệm cá nhân và khả năng khoản phạt vẫn được trả từ ngân sách của DN. Trở lại với trường DN bị phạt vì chậm tổ chức ĐHCĐ nói trên, theo lãnh đạo DN này, đối với yêu cầu báo cáo UBCK, DN sẽ làm báo cáo đúng như thực tế, tức là ĐHCĐ tổ chức muộn vì cổ đông lớn chưa cho ý kiến và không xác định được cá nhân nào gây ra lỗi.
Nên để DN tự quyết định
Liên quan đến việc UBCK yêu cầu các DN vi phạm xác định trách nhiệm cá nhân, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Chứng khoán - Ngân hàng - Đầu tư cho rằng, nên để DN tự quyết định và không nên quy định cứng nhắc. Lý do là vì DN là pháp nhân và theo quy định về pháp nhân trong Bộ luật Dân sự thì bồi thường thiệt hại hoặc chịu thiệt hại do người của pháp nhân gây ra, về nguyên tắc, pháp nhân đó phải chịu trách nhiệm trước hết, sau đó pháp nhân có quyền kiện đòi cá nhân gây ra lỗi phải chịu trách nhiệm để xử lý (Việc xử phạt tại UBCK cũng theo nguyên tắc pháp nhân chịu trách nhiệm trước, sau đó phải quy trách nhiệm cá nhân).
Theo ông Hải, việc cơ quan nhà nước hướng đến trách nhiệm cá nhân là đúng, nhưng cơ bản đây là quan hệ nội bộ và theo hợp đồng lao động, khi nhân sự có lỗi gây ra hậu quả thì có cơ chế thưởng, phạt, bồi thường theo quy định nội bộ.
Thực tế, vấn đề phân định trách nhiệm trong nội bộ DN vẫn chưa rõ ràng. Hầu hết DN đều có nội quy, quy chế trong đó có quy định về công việc, nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ phận, cá nhân, song các quy chế này chưa làm rõ được khi xảy ra lỗi thì trách nhiệm của các bộ phận, cá nhân đến đâu, quy định cụ thể về mức trách nhiệm tài chính, thậm chí khi có nhiều cá nhân liên đới chịu trách nhiệm thì sự phân bổ trách nhiệm như thế nào? Khi xảy ra lỗi, nội bộ DN mới quay lại rà soát xem bộ phận nào gây lỗi và quy trách nhiệm. Đối với hoạt động của DN, nhất là những DN trong lĩnh vực đặc biệt như CTCK, ngân hàng…, việc làm rõ trách nhiệm đến đâu giữa các bộ phận trong nội bộ DN là quan trọng, bởi trong nhiều trường hợp không chỉ dừng lại ở trách nhiệm dân sự, mà còn là trách nhiệm hình sự.
Thời gian qua, xảy ra không ít vụ việc phải xử lý hình sự ở các CTCK, ngân hàng và nhiều nhân sự của các đơn vị này đã bị tố cáo ra cơ quan công an. Tuy nhiên, quay ngược trở lại thời điểm trước khi có đơn tố cáo ra cơ quan công an, có thể nói hầu hết DN không có quy định nào về trách nhiệm, lỗi nào, ở mức độ nào phải bồi thường và ở mức độ nào có thể sẽ bị chính DN tố cáo, yêu cầu chịu trách nhiệm hình sự. Bởi vậy, khi nhân sự cấp cao bị truy tố, bắt tạm giam…, luôn tạo ra không khí lo ngại bao trùm trong nội bộ công ty và cả các đơn vị khác trên thị trường. Thiếu đi quy định rõ ràng có thể dẫn đến hai tình trạng trái ngược: hoặc là nhân viên làm bừa, làm ẩu; hoặc là quá lo sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy công việc hay hạn chế sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm trong kinh doanh.
Hoàng Duy
đầu tư chứng khoán
|