Thứ Bảy, 10/11/2012 08:36

Hiểu đúng về thuế trong lĩnh vực chứng khoán

Sau 2 lần tổ chức hội thảo, Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế trong lĩnh vực chứng khoán.

Để thị trường hiểu rõ quy định về thuế, từ đó có các góp ý thiết thực, phù hợp với khuôn khổ pháp lý được quy định trong các văn bản luật và pháp lệnh về thuế hiện hành, ĐTCK xin giới thiệu bài viết “Hiểu đúng về thuế trong lĩnh vực chứng khoán” và tiếp sau là bài viết “Thuế đối với quỹ mở, quy định thế nào?” của ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính.

TTCK là một bộ phận quan trọng của thị trường vốn, được tổ chức hoạt động nhằm mục đích huy động những nguồn vốn tiết kiệm nhỏ trong xã hội tập trung thành nguồn vốn lớn để tài trợ cho DN, các tổ chức kinh tế và Chính phủ để phát triển sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng kinh tế hay tài trợ cho các dự án đầu tư. Tại Việt Nam, theo quy định của Luật Chứng khoán, những đối tác tham gia TTCK gồm 3 thành phần chính: người bán chứng khoán lần đầu tại thị trường sơ cấp (tổ chức phát hành); người mua, bán chứng khoán được gọi chung là NĐT chứng khoán; người tham gia cung cấp dịch vụ phục vụ hoạt động của thị trường và các NĐT. Để có thể nhận biết một cách rành mạch về nghĩa vụ thuế đối với từng hoạt động trên TTCK, bài viết xin giới thiệu về chính sách và các quy định pháp luật thuế hiện hành đối với từng vị trí, theo cách phân loại trên.

Nghĩa vụ thuế đối với tổ chức phát hành

Theo Luật Chứng khoán, tổ chức phát hành bao gồm các DN là pháp nhân Việt Nam thuộc các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, dịch vụ có đủ điều kiện, được pháp luật cho phép phát hành chứng khoán ra công chúng. Nghĩa vụ thuế đối với tổ chức phát hành được nhận biết trên 2 khía cạnh.

Thứ nhất, với hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ thường xuyên mà DN đang tiến hành, tạo cơ sở kinh tế cho việc niêm yết (như hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất cao su, hoạt động ngân hàng…), thì tổ chức phát hành là DN thực hiện nghĩa vụ nộp các loại thuế theo thực tế kinh doanh.

Thứ hai, với hoạt động phát hành chứng khoán, chào bán cổ phiếu: DN thu được tiền, nhưng đây không phải là doanh thu, cũng không phải là thu nhập, mà là số vốn họ huy động được từ các NĐT mua chứng khoán do họ phát hành. Do đó, như một lẽ thường tình, DN không phải trả bất cứ một khoản thuế nào, nhưng DN phải trả khoản phí dịch vụ cho các đối tác cung cấp dịch vụ. Với dịch vụ hành chính, dịch vụ công do cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán (UBCK) thực hiện, thì DN nộp phí, lệ phí theo quy định của Pháp lệnh Phí và lệ phí bao gồm: lệ phí chấp thuận chào bán cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ ra công chúng (thấp nhất 10 triệu đồng, cao nhất 50 triệu đồng tùy quy mô của khối lượng phát hành) và phí quản lý công ty đại chúng (10 triệu đồng/năm).

Nghĩa vụ thuế đối với NĐT chứng khoán là tổ chức

NĐT chứng khoán là tổ chức tham gia thị trường với nghiệp vụ mua/bán để kiếm lời hoặc đầu tư dài hạn thông qua việc mua cổ phiếu của DN niêm yết. Tùy thuộc vào thời gian nắm giữ chứng khoán và mục đích đầu tư, nghĩa vụ thuế được quy định cụ thể như sau:

- Đối với giao dịch mua bán hàng hóa là chứng khoán, DN và NĐT sẽ không phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo quy định của Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 3/6/2008 và các văn bản hướng dẫn.

- Đối với thu nhập do chuyển nhượng chứng khoán, DN sẽ kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 25% theo quy định của Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 ngày 3/6/2008. Đương nhiên, các lô mua bán có chênh lệch âm (lỗ) được bù trừ kế quả với các lô mua bán chênh lệch dương (lãi).

- Đối với thu nhập là cổ tức từ việc đầu tư vốn để sở hữu, nắm giữ cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư, thì NĐT được miễn thuế theo quy định tại Điều 4, Luật Thuế TNDN số 04/2007/QH12. Cổ tức DN nhận được hạch toán vào tài khoản thu nhập, nhưng không phải nộp thuế TNDN.

- Đối với chứng khoán là trái phiếu chính phủ, NĐT có thể được miễn thuế TNDN tùy theo quy định của mỗi đợt phát hành, việc miễn thuế (nếu có) sẽ được công bố ngay trong quyết định hoặc thông báo phát hành.

Nghĩa vụ thuế đối với NĐT chứng khoán là cá nhân

Theo quy định của Luật Thuế TNCN, NĐT thực hiện nghĩa vụ thuế TNCN kể từ ngày 1/1/2009. Tuy nhiên, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN và nhân dân, tạo điều kiện thúc đẩy TTCK và duy trì tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy đầu tư, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 32/2009/QH12, trong đó quy định miễn toàn bộ thuế TNCN đối với thu nhập về đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn của cá nhân trong năm 2009. Tiếp đó, Nghị quyết số 08/2011/NQ-QH13 của Quốc hội quy định miễn thuế từ 1/8/2011 đến hết 31/12/2012 đối với cổ tức được chia cho cá nhân từ hoạt động đầu tư vào TTCK, góp vốn mua cổ phần của DN, trừ cổ tức của các ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư tài chính, tổ chức tín dụng.

Về nghĩa vụ thuế đối với hành vi của NĐT cá nhân:

Thứ nhất, về hoạt động mua bán chứng khoán. Với cách tiếp cận xếp chuyển nhượng chứng khoán vào diện chuyển nhượng vốn, Luật Thuế TNCN quy định cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán sẽ nộp thuế trên thu nhập ròng với thuế suất 20%. Thu nhập để tính thuế không phải toàn bộ số tiền thu được, mà chỉ tính trên khoản tiền thực lãi do chuyển nhượng phần vốn trong các công ty TNHH, chuyển nhượng cổ phần trong CTCP, tiền lãi do mua bán chứng khoán.

Nhằm tạo thuận lợi cho các NĐT chứng khoán chuyên nghiệp và đầu tư dài hạn, Luật Thuế TNCN quy định cá nhân chuyển nhượng chứng khoán được lựa chọn 1 trong 2 cách nộp thuế: nộp 20% trên thực lãi đã được bù trừ lỗ trong năm, nếu lỗ thì không phải nộp thuế, được chuyển lỗ trong thời hạn 5 năm và được hoàn lại số thuế đã tạm khấu trừ 0,1% hoặc nộp 0,1% trên giá trị chuyển nhượng. Từ tháng 8/2011 đến hết năm 2012, Nghị quyết 08/2011/QH13 của Quốc hội có quy định giảm 50% thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân. Theo đó, nếu cá nhân mua bán chứng khoán đăng ký nộp thuế theo kê khai mà có lãi thì chỉ phải nộp 10% trên thực lãi, có lỗ thì không phải nộp và được chuyển lỗ sang các năm sau. Những cá nhân không đăng ký thì phải nộp 0,05% trên giá trị giao dịch mỗi lần chuyển nhượng.

Thực tế trong thời gian qua cho thấy, có sự nhầm lẫn rất lớn trong xác định nghĩa vụ thuế TNCN đối với việc chuyển nhượng cổ phần của các công ty không đủ tiêu chuẩn là công ty đại chúng, chưa được niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK. Vấn đề ở chỗ: cổ phần của các DN thuộc loại này (không thuộc công ty đại chúng) chưa phải là chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán, khi đó cổ đông là cá nhân chuyển nhượng cổ phần được xếp vào diện chuyển nhượng vốn. DN có cổ phần chuyển nhượng sẽ phải thực hiện khấu trừ thuế 20% trên phần chênh lệch giữa giá vốn và giá bán (nếu có) trước khi làm thủ tục chuyển tên đăng ký cho người mua.

Thứ hai, về hoạt động đầu tư mua cổ phần với kỳ vọng nhận cổ tức. Theo quy định tại Điều 3, Điều 4, Luật Thuế TNCN, thu nhập của cá nhân từ hoạt động đầu tư vốn dưới dạng lãi tiền vay, lợi tức cổ phần, thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác thuộc diện chịu thuế. Riêng khoản lãi tiền gửi tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, lãi thu được từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được miễn thuế.

Lần đầu tiên áp dụng thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn, Luật Thuế TNCN chưa đặt ra mục tiêu điều tiết thu nhập, mà chủ yếu nhằm tạo dần thói quen. Vì vậy, quy định thu thuế đối với thu nhập này rất đơn giản, áp dụng mức thuế suất thấp 5% tính trên số tiền lãi cho vay thu được hoặc cổ tức nhận được theo Biểu thuế suất toàn phần quy định tại Điều 23, Luật Thuế TNCN. Việc khấu trừ thuế 5% được thực hiện tại DN phát hành trước khi chuyển tiền trả cổ tức cho cá nhân, kể cả trường hợp ủy thác cho CTCK quản lý danh sách cổ đông, ủy thác việc trả cổ tức cho cổ đông cá nhân.

Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình soạn thảo, trình ban hành Luật Thuế TNCN về việc có trùng thuế hay không (trên cả khía cạnh kinh tế và pháp lý), nhưng thực tế có nhiều nước áp dụng việc thu thuế đối với cổ tức với thuế suất không nhỏ, có nước thu đến 20%. Quốc hội Việt Nam không phải không có lý khi thảo luận và thông qua việc thu thuế 5% đối với cổ tức của cá nhân. Khi nền kinh tế gặp khó khăn, Quốc hội đã có sự quan tâm đến các NĐT bỏ vốn vào sản xuất - kinh doanh qua việc mua và nắm giữ cổ phần bằng cách miễn, giảm thuế như đã nêu trên.

Nghĩa vụ thuế của người kinh doanh chứng khoán

Thứ nhất, về thuế gián thu. Theo Luật Chứng khoán và các luật, pháp lệnh thuế hiện hành, thì kinh doanh chứng khoán gồm môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư và lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, dịch vụ tổ chức thị trường của các Sở hoặc TTGDCK, các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Dịch vụ tổ chức thị trường của các Sở hoặc TTGDCK bao gồm: chấp thuận niêm yết, quản lý niêm yết, quản lý giao dịch, quản lý thành viên giao dịch, cung cấp thông tin liên quan tới công tác quản lý niêm yết, quản lý giao dịch và các dịch vụ liên quan khác.

Các hoạt động kinh doanh chứng khoán trên thuộc diện điều chỉnh của Luật Thuế GTGT và hiện nay đang được miễn trừ nghĩa vụ nộp thuế GTGT theo quy định tại Thông tư số 06/2012/TT-TBC ngày 11/1/2012 của Bộ Tài chính.

Thứ hai, về thuế trực thu. Như phạm vi của hoạt động kinh doanh chứng khoán nêu trên, thì những người tham gia cung cấp dịch vụ trên TTCK với tư cách là tổ chức, là DN đăng ký theo hoạt động của Luật Doanh nghiệp có nghĩa vụ phải nộp thuế TNDN theo quy định hiện hành.

Đối với cá nhân kinh doanh, về lý thuyết, những người tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ là cá nhân hành nghề độc lập, nếu có thu nhập từ hoạt động kinh doanh này như tư vấn đầu tư thì trước hết sẽ bù đắp chi phí đã bỏ ra. Phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí sẽ là thu nhập chịu thuế TNCN sau khi đã áp dụng các mức giảm trừ gia cảnh, các khoản giảm trừ cho mục đích từ thiện, nhân đạo, số còn lại mới là thu nhập để tính nộp thuế TNCN theo Biểu thuế luỹ tiến từng phần theo quy định của Luật Thuế TNCN. Tuy nhiên, với khuôn khổ pháp luật hiện hành, rất khó có những cá nhân tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ phục vụ cho kinh doanh chứng khoán như quy định tại điểm này.

Bài sau: “Thuế đối với quỹ mở, quy định thế nào?”

Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp bị phạt, khó quy trách nhiệm cá nhân (03/11/2012)

>   HNX công bố danh mục HNX30 áp dụng từ 01/11 (22/10/2012)

>   Thao túng giá chứng khoán sẽ bị phạt kịch khung (18/10/2012)

>   Nước ngoài chỉ được sở hữu dưới 49% hoặc 100% công ty quản lý quỹ Việt Nam (12/10/2012)

>   Hủy niêm yết: Cổ đông có thể kiện người điều hành (11/10/2012)

>   Thông tư 165 bổ sung quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý (10/10/2012)

>   Nước ngoài không được phép sở hữu từ 50-99% vốn tại CTCK (08/10/2012)

>   Chặn cửa làm giá bằng cổ phiếu quỹ (07/10/2012)

>   Hoàn thiện thể chế về người đại diện quản lý vốn nhà nước (05/10/2012)

>   Rộng room cho DN niêm yết, tại sao không? (05/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật