Số phận 723 tỷ đồng ủy thác tại Công ty Quản lý quỹ Hữu Nghị?
Với số vốn điều lệ chỉ mấy chục tỷ đồng, nhưng Hữu Nghị quản lý khối tài sản ủy thác lên tới hơn 700 tỷ đồng.
* Quản lý quỹ Hữu Nghị bị kiểm soát đặc biệt trong 6 tháng
Sau Công ty Quản lý quỹ Thành Việt bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, cuối tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đưa thêm Công ty Quản lý quỹ Hữu Nghị vào tình trạng này. Thời gian Quản lý quỹ Hữu Nghị bị kiểm soát đặc biệt từ ngày 14/11/2012 đến ngày 14/5/2013.
UBCK không thông báo cụ thể về lý do Quản lý quỹ Hữu Nghị bị kiểm soát đặc biệt, mà chỉ cho biết Công ty bị rơi vào tình trạng này theo quy định tại Thông tư 226/2010/TT-BTC. Ở mức vốn điều lệ 25 tỷ đồng, việc Quản lý quỹ Hữu Nghị bị kiểm soát đặc biệt, hoặc thậm chí nếu không khắc phục được có thể sẽ bị rút giấy phép, cũng không ảnh hưởng đến quá nhiều người, do quy mô vốn nhỏ, số cổ đông hạn chế. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là Công ty này quản lý khối tài sản ủy thác của nhà đầu tư lên tới trên 700 tỷ đồng (tại thời điểm cuối năm 2011), không biết số phận khoản tiền này sẽ đi vào đâu.
Quản lý quỹ Hữu Nghị được thành lập ngày 8/10/2008 với cái tên ban đầu là Công ty Quản lý quỹ SME theo Giấy phép thành lập và hoạt động số 39/UBCK-GP do UBCK cấp, đủ các chức năng mà một công ty quản lý quỹ được phép thực hiện, gồm lập và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và các hoạt động kinh doanh có liên quan khác. Theo lời giới thiệu trên website thì Công ty này “song hành với CTCK SME - một CTCK đang ngày càng khẳng định được vị trí của mình bằng việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ chứng khoán có chất lượng: Môi giới, tự doanh, tư vấn đầu tư, bảo lãnh phát hành, tư vấn tài chính doanh nghiệp và dịch vụ lưu ký và đi tiên phong trong việc ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến nhất”. Tháng 8/2012, Quản lý Quỹ Hữu Nghị ra thông báo về việc cơ quan điều tra (Bộ Công an) đã bắt tạm giam ông Phan Huy Chí, Chủ tịch HĐQT Công ty để điều tra về vụ án kinh tế liên quan đến CTCP Bảo hiểm dầu khí (PVI).
Theo báo cáo tài chính có kiểm toán (kiểm toán bởi Công ty CPA Hà Nội) tại thời điểm 31/12/2011, Quản lý quỹ Hữu nghị có 3 cổ đông sáng lập là CTCP Tư vấn Anh, nắm 8% vốn; bà Cao Thị Vân Anh nắm 30% vốn và ông Phạm Minh Tuấn nắm 10%. Công ty có 13 nhân viên, với kết quả kinh doanh khá tốt năm 2011.
Theo báo cáo, năm 2011, Công ty lãi 4,1 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu vẫn còn tới 22,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết, đầu năm 2011, Công ty có khoản nợ phải trả gần 1.300 tỷ đồng, đến cuối năm 2011 còn 723 tỷ đồng, chủ yếu là khoản tiền nhà đầu tư ủy thác quản lý danh mục. Với tình cảnh TTCK suy thoái và tình hình Công ty bi bét như hiện nay, số phận của 723 tỷ đồng vốn ủy thác đầu tư ở trạng thái nào đang là câu hỏi ngỏ. Được biết, các khách hàng lớn đã “tin tưởng” ủy thác vốn tại Quản lý quỹ Hữu Nghị vào cuối năm 2011 gồm: Công ty Tài chính cổ phần điện lực (ủy thác 204 tỷ đồng); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (ủy thác 18 tỷ đồng); Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà (ủy thác 500 tỷ đồng)…
T.Vi
đầu tư chứng khoán
|