Thứ Bảy, 17/11/2012 09:45

CTCK đồng thanh đề nghị giảm phí lưu ký

Kinh doanh thua lỗ, nhưng nhiều CTCK đang phải móc tiền túi ra nộp phí lưu ký chứng khoán thay cho khách hàng.

Gánh nặng này bao giờ mới được giải tỏa, khi kiến nghị điều chỉnh quy định về phí lưu ký của các CTCK vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK)?

Nai lưng nộp phí thay khách hàng

Theo Thông tư 27/2010 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí hoạt động chứng khoán, áp dụng tại các Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), mức phí lưu ký đối với cổ phiếu và chứng chỉ quỹ là 0,5 đồng/cổ phiếu, chứng chỉ quỹ/tháng. Mức phí này, theo các CTCK là cao và cách thu hiện hành có biểu hiện bất hợp lý, bởi trong bối cảnh CTCK thua lỗ triền miên, nhưng nhiều công ty vì không thu được của khách hàng đã phải lấy tiền túi ra đóng thay khách hàng.

Khi TTCK thuận lợi, CTCK ăn nên làm ra, họ không ngại nộp phí lưu ký chứng khoán thay NĐT. Thậm chí, có CTCK coi đó như một hình thức hỗ trợ, ưu đãi dành cho khách hàng. Mặt khác, khi thị trường sôi động, NĐT tham gia giao dịch nhiều, nên trong tài khoản của họ thường có tiền. Bởi vậy, khi đến kỳ nộp phí lưu ký chứng khoán, CTCK có nguồn cấn trừ để nộp phí theo quy định. Thế nhưng, gặp cảnh thị trường khó khăn kéo dài như hiện tại, như chia sẻ của Tổng giám đốc một CTCK đang niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội, rất nhiều tài khoản của khách hàng không có tiền, cả năm nay không phát sinh giao dịch, nên Công ty không có cách nào thu tiền của NĐT để nộp phí lưu ký. Hàng tháng, Công ty buộc phải lấy tiền của mình để đóng phí lưu ký chứng khoán thay khách hàng...

Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, cùng với hàng chục loại phí khác, phí lưu ký chứng khoán đang là gánh nặng không chỉ đối với những CTCK có quy mô nhỏ, làm ăn thua lỗ, mà với cả các CTCK thuộc hàng “đại gia”, cũng kêu “khó” với loại phí này.

Mới đây, CTCK Sài Gòn (SSI) đã có công văn gửi UBCK, VSD và Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) giãi bày về gánh nặng nộp phí lưu ký chứng khoán thay cho khách hàng, với mong muốn bất cập này sớm được tháo gỡ. Theo đó, nhiều năm nay, SSI phải dùng tiền của mình để đóng phí lưu ký chứng khoán thay cho NĐT mở tài khoản tại Công ty. Chỉ tính trong năm 2010 và 2011, số tiền này lên tới hơn 14 tỷ đồng.

“Trong bối cảnh hoạt động của Công ty đang gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ kéo dài, thì việc mỗi năm phải trích ra vài tỷ đồng để nộp phí lưu ký thay khách hàng đang là gánh nặng vượt quá sức chịu đựng. Điều phi lý này đang khiến Công ty và các CTCK khác gặp nhiều khó khăn hơn trong hoạt động”, Phó tổng giám đốc một CTCK quy mô lớn khác chia sẻ.

Gánh nặng phí lưu ký chứng khoán đã được nhiều CTCK phản ánh tới VASB và VSD, với mong muốn các cơ quan này góp thêm tiếng nói tới Bộ Tài chính, UBCK, để sớm có hướng tháo gỡ. Thế nhưng, theo các CTCK, đến nay, họ vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía cơ quan quản lý.

Miễn, giảm phí lưu ký, bao giờ?

Thực ra, bức xúc trên đã được các CTCK phản ánh tại cuộc làm việc giữa UBCK, VASB và các CTCK, công ty quản lý quỹ diễn ra giữa tháng 10 vừa qua. Theo đó, các tổ chức kinh doanh chứng khoán nhất loạt kiến nghị Bộ Tài chính, UBCK xem xét miễn, giảm một số loại phí, trong đó có phí lưu ký chứng khoán mà các CTCK, NĐT đang phải nộp. Đây là giải pháp thiết thực nhằm giảm gánh nặng chi phí cho các đối tượng này trong bối cảnh TTCK khó khăn hiện tại. Trước đó, trong tháng 9/2012, VASB cũng đã có công văn kiến nghị Bộ Tài chính, UBCK giảm nhiều loại phí cho các CTCK, để họ có điều kiện giảm chi phí cho NĐT, góp phần hỗ trợ thị trường vượt qua khó khăn.

Kiến nghị chính đáng trên của các thành viên VASB đã nhận được sự chia sẻ của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, điều mà CTCK, NĐT quan tâm nhất là khi nào cơ quan quản lý sẽ có phương án tháo gỡ bao giờ mới có quyết định miễn hoặc giảm loại phí này?

Theo đề xuất của các CTCK, trước mắt, Bộ Tài chính cần sớm cho phép miễn, giảm phí lưu ký, coi đây là biện pháp thiết thực, để cùng với các chính sách khác góp phần chia sẻ khó khăn với CTCK trong bối cảnh thị trường chưa có triển vọng khả quan. Về lâu dài, cách thu và mức phí lưu ký cần được điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn.

Theo đó, thay vì thu theo mã chứng khoán, chứng chỉ quỹ/tháng như hiện tại, nên thu theo tài khoản của NĐT. Thực tế, quy định hiện tại vừa có mức phí cao, vừa gây phiền hà cho CTCK trong việc theo dõi và hoàn thành nghĩa vụ nộp phí lưu ký (cho NĐT), nhất là trong thực tế có những tài khoản có đến hàng chục mã chứng khoán, chứng chỉ quỹ. Việc thu phí lưu ký chứng khoán theo đầu tài khoản của NĐT cần được điều chỉnh theo hướng vừa giảm nghĩa vụ đóng phí cho NĐT, CTCK, đồng thời tạo thuận lợi cho các CTCK dễ dàng hơn trong theo dõi và hoàn thành nghĩa vụ thu, nộp phí đúng quy định.

Đặc biệt, nên có quy định mức phí lưu ký tối đa thu trên một tài khoản, như cách thu phí quản lý tối đa của ngành ngân hàng.

“Chưa nhận được hồi âm từ cơ quan quản lý”

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB)

Năm ngoái, TTCK èo uột khiến nhiều CTCK đối mặt với rất nhiều khó khăn trong hoạt động. Khó khăn của năm ngoái nếu so sánh với năm nay, thì còn kém xa. Bởi vậy, rất nhiều CTCK đang đối mặt tình trạng thua lỗ kéo dài, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản, đóng cửa hoạt động. Thế nhưng, hiện nay, các CTCK không được giảm nghĩa vụ đóng các loại phí cho các Sở GDCK, VSD. Có không ít CTCK đang phải lấy tiền của mình để thay khách hàng nộp phí lưu ký chứng khoán cho VSD.

Bức xúc của các CTCK đã được VASB nhiều lần phản ánh trong các cuộc làm việc với UBCK, Bộ Tài chính hoặc trong các công văn gửi đến các cơ quan này. VASB cũng đã đề nghị Bộ Tài chính, UBCK xem xét miễn, giảm một số loại phí, trong đó có phí lưu ký chứng khoán, để giảm gánh nặng chi phí cho CTCK trong bối cảnh hoạt động rất khó khăn hiện tại.

Thế nhưng, 2 - 3 tháng kể từ khi các kiến nghị trên được gửi đi, VASB cũng như các CTCK vẫn chưa nhận được hồi âm của các cơ quan quản lý.

“UBCK đang phối hợp với Bộ Tài chính để xem xét, xử lý”

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK

UBCK đã nhận được kiến nghị của các thành viên thị trường về việc điều chỉnh các mức phí, được quy định tại Thông tư 27/2010 sao cho phù hợp hơn với bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn hiện tại. UBCK đang phối hợp với Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính rà soát các quy định hiện hành, cũng như xem xét kiến nghị của các thành viên thị trường, để đưa ra hướng xử lý phù hợp trong thời gian tới.

Do cơ quan quản lý đang trong quá trình rà soát chính sách, nên chưa định hình phương án điều chỉnh cụ thể. Điều này giải thích tại sao chưa thể thông tin tới các thành viên thị trường.

Hữu Đạo

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Tìm "lối đi nhỏ" ưu đãi thuế cho quỹ mở (17/11/2012)

>   BHS: Thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết sau phát hành (16/11/2012)

>   AVS giải thể: Cổ đông lớn phải “lụy” cổ đông nhỏ (16/11/2012)

>   PXS: 27/11 GDKHQ nhận tạm ứng cổ tức và mua cổ phiếu phát hành thêm (16/11/2012)

>   16/11: Bản tin 20 giờ qua (16/11/2012)

>   Công ty chứng khoán: Đốt đuốc tìm "an toàn" (15/11/2012)

>   HCM bị nhắc nhở CBTT thay đổi số cổ phiếu đang lưu hành (15/11/2012)

>   PGD giải trình chậm công bố tăng giá khí đầu vào quý 3 (15/11/2012)

>   DXV: HOSE nhắc nhở chậm công bố thông tin (15/11/2012)

>   Chiêu lách luật của kiểm toán (15/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật